• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Thận trọng trước hạn, mặn

17/03/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 17/03/2020 | 13:30

STO - Năm nay mặn đến sớm, cao và xâm nhập sâu hơn mọi năm. Tại một số vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thường độ mặn hàng năm chỉ dao động trong khoảng 5 – 15‰ thì hiện tại đã ở mức 10‰ đến trên 20‰. Với những diễn biến thời tiết gần đây, theo dự báo, độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là tại các khu vực ven biển. Việc độ mặn đến sớm và tăng cao cũng mang đến những nỗi lo và cả sự hy vọng cho những người nuôi tôm.

Những mô hình nuôi tôm thẻ lót bạt, có mái che bằng lưới lan được đánh giá có nhiều thuận lợi hơn trước tình hình thời tiết, độ mặn như hiện nay.

Đối với những vùng nuôi tôm thẻ thâm canh hoặc nuôi ứng dụng công nghệ cao, việc độ mặn tăng dưới 20‰ hầu như không hề hấn gì, thậm chí là tốt hơn so với độ mặn thấp. Đơn cử như trường hợp của hộ ông Huỳnh Văn Bal, nuôi tôm ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Trần Đề), ngay trong vụ nuôi tôm thẻ đầu năm này, với 3 ao có tổng diện tích 4.500m2, anh đã có thu hoạch trên 15 tấn tôm, lợi nhuận khá cao.

Ông Bal chia sẻ: “Tôi nuôi tôm thẻ lót bạt, có mái lưới che theo mô hình CPF – Combine 3 giai đoạn, nên dù độ mặn vượt hơn 20‰, tỷ lệ sống đạt cao, tôm vẫn phát triển tốt và đặc biệt là nuôi đạt được kích cỡ lớn. Tất nhiên, để nuôi tốt ở độ mặn cao, ngoài việc công trình ao nuôi phải đáp ứng, người nuôi cũng cần có kỹ thuật, tay nghề và kinh nghiệm nuôi vì độ mặn cùng với nhiệt độ cao rất dễ phát sinh bệnh về gan tụy trên tôm, đặc biệt là bệnh EMS”.

Cùng cách nhận định trên, hầu hết những hộ nuôi tôm thẻ ao lót bạt đáy đều khẳng định, đến thời điểm này về cơ bản việc nuôi vẫn khá tốt. Thậm chí có những nơi độ mặn lên đến gần 30‰, tôm nuôi vẫn khỏe mạnh bình thường, chỉ có tốc độ tăng trưởng là có phần chậm hơn so với độ mặn dưới 20‰. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những hộ trên, khi độ mặn và nhiệt độ bên ngoài tăng cao, người nuôi phải hết sức chú ý đến tình hình dịch bệnh, nhất là đối với bệnh EMS. Do đó, cần chọn mua con giống đảm bảo chất lượng và xử lý môi trường nước thật tốt thì mới có thành công.

Nuôi tôm ao đất quảng canh hay quảng canh cải tiến cần chọn thời điểm thả giống phù hợp để tránh thiệt hại do sốc môi trường hay nhiệt độ.

Rất thận trọng khi đưa ra nhận định về tình hình thời tiết, môi trường nuôi tôm hiện nay, ông Trần Quang Cần – Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú (Cù Lao Dung) cho rằng, với tình hình như hiện nay, tuy có những thuận lợi nhất định nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho con tôm. 

Ông Cần chia sẻ: “Con tôm thẻ tuy có thể sống ở độ mặn khá cao, nhưng khi độ mặn trên 20‰ tôm sẽ chậm lớn hơn. Mặt khác, nhiệt độ phù hợp đối với con tôm dao động trong khoảng 29 – 32oC, nếu cao hơn, tôm cũng dễ bị sốc và dễ phát sinh dịch bệnh hơn. Do đó, để nuôi thành công trong thời điểm nắng nóng và độ mặn cao như hiện nay, đòi hỏi công trình nuôi phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật và đặc biệt là làm sao ổn định được nhiệt độ, môi trường ao nuôi”.

Hiện nay, theo ghi nhận của người viết, tại những vùng nuôi tôm trong tỉnh, phần lớn chỉ mới có những mô hình nuôi tôm thẻ lót bạt là có thả giống nhiều, còn những mô hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm – lúa… người nuôi tôm đang rất thận trọng trong việc chọn thời điểm thả giống. Mặc dù vẫn cảnh giác với những khó khăn, rủi ro về thời tiết, môi trường, nhưng nhìn chung, qua trao đổi với những người nuôi tôm lâu năm và cả cán bộ kỹ thuật hầu hết đều thiên về yếu tố thuận lợi nhiều hơn.

Với mô hình nuôi được đầu tư hoàn chỉnh, dù nắng nóng và độ mặn cao, ông Huỳnh Văn Bal vẫn thành công với tôm thẻ cỡ lớn, đạt lợi nhuận cao.

Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Để đánh giá tình hình hiện nay có thuận lợi cho việc nuôi tôm hay không cần phải dựa vào từng mô hình nuôi cụ thể. Đơn cử như đối với những mô hình nuôi tôm thẻ lót bạt, có mái che bằng lưới lan, có hệ thống xử lý, trữ nước tốt thì vẫn nuôi bình thường, thậm chí có phần thuận lợi nữa là khác. Nhưng đối với những mô hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, mực nước ao nuôi thấp nếu thả nuôi ở thời điểm hiện nay sẽ rất khó khăn, do khó quản lý được nhiệt độ, môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, điều đáng mừng là qua khuyến cáo, hầu hết hộ nuôi theo mô hình này đều chưa thả giống”.

Những diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên có thể nói, vụ tôm nước lợ năm nay nhìn chung sẽ không hề dễ dàng đối với người nuôi tôm, bởi đa số là nuôi nhỏ lẻ với mô hình phổ biến là quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm – lúa… rất dễ tổn thương trước biến động của thời tiết và môi trường. Do đó, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người nuôi tôm cần hết sức thận trọng xem xét toàn diện tất cả các yếu tố tác động đến con tôm để quyết định thời điểm, mô hình thả nuôi phù hợp, nhằm đảm bảo thành công.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: