• Nông nghiệp

Thanh Long ruột đỏ từng bước “bén duyên” vùng đất Mỹ Tú

08/08/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Tư, 08/08/2018 | 06:00

STO - Ngoài phát triển cây trồng thế mạnh lúa và cây ăn trái thì hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Tú có một số bà con đang chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Đây cũng là hướng đi phù hợp với chủ trương chung của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng giá trị kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nông hộ.

Những năm gần đây, giá mía và một số cây ăn trái xuống thấp khiến nhiều nông hộ lo lắng tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Từ thực tế đó, UBND huyện đang chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con chuyển đổi từ cây mía sang trồng tràm, lúa, màu và cây ăn trái. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Mỹ Tú sẽ đầu tư cải tạo và phát triển mới 500ha cây ăn trái đặc sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 10ha thanh long ruột đỏ, tập trung chủ yếu ở xã Long Hưng và một số hộ ở xã Hưng Phú. Theo đánh giá của nhiều nông dân, thanh long ruột đỏ mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với cây cam, quýt, mía hay các loại cây trồng khác.

Anh Dương Văn Tân ở ấp Tân Phước A2, xã Long Hưng là một trong những nông dân “tiên phong”. Cách đây hơn 4 năm, anh Tân đã mạnh dạn phá bỏ hơn 4,5ha quýt đường đã cỗi chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Anh Tân tâm sự: “Trước đây, tôi có máy gặt đập liên hợp đi cắt lúa mướn ở Vĩnh Long, thấy bà con trồng rất hiệu quả. Sau khi học hỏi kinh nghiệm, tôi mua giống về trồng và thấy phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế thì thanh long ruột đỏ mang lại thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng quýt đường”.

Thanh long ruột đỏ từng bước “bén duyên” vùng đất Mỹ Tú.

Hiện tại, anh Tân có khoảng 5.800 trụ thanh long ruột đỏ đang bước vào vụ thu hoạch. Theo anh Tân, thanh long ruột đỏ rất dễ trồng, không kén đất nhưng đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn so với cam, quýt, phải chăm sóc tỉ mỉ. Hơn nữa, trồng thanh long ruột đỏ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao, bình quân chi phí lúc đầu khoảng 135.000 đồng/trụ. Khi thanh long đến giai đoạn vuốt tai thường thiếu nhân công làm. Nhất là khi gặp thời tiết không thuận, mưa nhiều nên cũng ảnh hưởng đến kỹ thuật chăm sóc khiến mẫu mã trái thanh long không được như mong muốn. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 9 tháng, sau đó thanh long có thể ra trái quanh năm. Mùa thuận của thanh long bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, để vụ nghịch thanh long cho ra trái, bán giá cao thì bắt đầu từ rằm tháng 7 âm lịch phải xông đèn khoảng 12 ngày đến 15 ngày để thanh long ra bông. Từ lúc có bông đến khi thu hoạch khoảng 2 tháng.

Trước đây, thương lái về tại vườn thu mua, hay ép giá. Từ đó, anh Tân đã quyết định đầu tư xe tải để chở thanh long bán cho các kho ở tỉnh Vĩnh Long, nên giá cao hơn so với bán tại vườn. Mặc dù vô vụ nhưng với mẫu mã đẹp, chất lượng trái tốt, thanh long loại 1 anh Tân vẫn bán với giá 23.000 đồng/kg. Nếu mùa nghịch, có thời điểm thanh long lên đến 60.000 đồng/kg. Theo anh Tân, đầu ra của thanh long rất ổn định, cung không đủ cầu nhưng vấn đề bà con cần quan tâm đó là chất lượng, mẫu mã trái thanh long để nâng cao giá trị kinh tế. Mỗi năm anh Tân thu hơn 100 tấn, sau khi trừ chi phí, anh thu về hàng tỉ đồng. Hiện anh Tân tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương, trong đó có 6 lao động thường xuyên. Ngoài cung cấp giống, anh Tân còn tận tình chia sẻ hướng dẫn kỹ thuật cho bà con cùng trồng.

Thấy mô hình thanh long ruột đỏ của anh Tân mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay nhiều bà con trên địa bàn xã Long Hưng và các xã khác trong huyện cũng chuyển đổi một phần diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long. Cách đây hơn 1 năm, anh Ngô Hữu Phước ở ấp Tân Phước A2 cũng chuyển 6 công đất trồng quýt đường kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Hiện vườn thanh long của gia đình anh Phước bắt đầu cho trái. Anh Phước phấn khởi cho biết: “Năm 2017, tôi chỉ trồng 300 trụ, do thấy hiệu quả nên năm nay, tôi đang mở rộng diện tích trồng thêm 550 trụ nữa, nâng lên 850 trụ. Nếu giá cả ổn định, khi thanh long cho trái hết thì cũng có nguồn thu nhập khá”.

Cùng thời gian trồng với gia đình anh Phước nên 200 gốc thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Văn Sơn, ở ấp Tân Phước B cũng đang cho thu hoạch vụ đầu tiên. “Trước đây, tôi trồng quýt đường, nhưng do cây cỗi nên mới đốn bỏ và trồng thanh long ruột đỏ. Từ nay đến cuối năm, tôi đang dự tính tiếp tục chuyển đổi 4 công đất trồng mía sang trồng thêm khoảng 500 gốc thanh long. Nếu mở rộng diện tích trồng thì phải tính đến việc đảm bảo nguồn điện để xông đèn cho thanh long ra trái nghịch mùa, bán giá cao hơn” - anh Sơn chia sẻ.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Võ Minh Quân cho biết: “Với hiệu quả kinh tế của thanh long ruột đỏ mang lại thì đây cũng chính là nguyên nhân khiến một số bà con mở rộng diện tích. Tuy nhiên, trồng thanh long ruột đỏ đòi hỏi vốn đầu tư lớn và để trái đạt tiêu chuẩn bán được giá cao đòi hỏi kỹ thuật rất nhiều. Với góc độ ngành chuyên môn, trên cơ sở những mô hình bà con đang phát triển, chúng tôi tiếp tục theo dõi chứ chưa có khuyến cáo chính thức. Nếu đầu ra của thanh long ruột đỏ ổn định thì sẽ nhân rộng mô hình, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý tại địa phương”.

K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: