• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Thuận thiên - thân thiện - hiệu quả

02/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 02/10/2017 | 06:00

STO - Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về yếu tố bền vững trong phát triển nông nghiệp, nhưng tựu trung có thể gói gọn vào 6 chữ: thuận thiên, thân thiện và hiệu quả.

Trong sản xuất, nông nghiệp chính là lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất từ các yếu tố tự nhiên, nên từ xưa, những người làm nghề nông đã biết vận dụng quy luật của tự nhiên để cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là hạn chế tối đa rủi ro thiệt hại và tăng hiệu quả sản xuất. 

Mô hình tôm – lúa với quy trình canh tác ứng dụng hữu cơ sinh học không chỉ thuận thiên mà còn thân thiện môi trường, được nhà khoa học đánh giá là hiệu quả và bền vững.

Thuận thiên ở đây phải được hiểu là phải biết tôn trọng quy luật tự nhiên để chọn ra cách làm hay, mô hình phù hợp mà không phải can thiệp một cách thô bạo vào tự nhiên như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, vào ngày 27-9, tại TP. Cần Thơ.

Cái giá của tư duy muốn chinh phục, cải tạo thiên nhiên của con người đã và đang khiến thiên nhiên “nổi giận”, gây ra biết bao thiên tai: bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… trong những năm gần đây. Khi thức tỉnh lại, chúng ta mới nhận ra cần phải biết sống chung với lũ, với khô hạn hay xâm nhập mặn đã có phần hơi muộn. Tuy nhiên, sự muộn màng đó vẫn còn có giá trị của nó vì ít ra cũng giúp ta điều chỉnh lại hành vi, thái độ ứng xử của mình với tự nhiên để đổi lại môi trường sản xuất bền vững.

Muốn phát triển nông nghiệp bền vững, nếu chỉ dựa vào mỗi yếu tố thuận thiên thôi là chưa đủ, mà trong quá trình sản xuất, mỗi một hành vi đều phải thể hiện sự thân thiện thật sự với môi trường tự nhiên. Bởi chỉ có sản xuất thân thiện với môi trường tự nhiên mới tạo ra sản phẩm sạch, an toàn hay cao hơn là sản phẩm hữu cơ. Không những thế, một khi sản xuất đã thân thiện với tự nhiên, đất đai sẽ có thời gian hồi phục, nguồn nước hạn chế được ô nhiễm, dịch hại sẽ ít phát sinh…

Một khi sản xuất nông nghiệp đã thuận thiên và thân thiện với môi trường tất yếu sẽ mang đến hiệu quả cho người sản xuất và một khi đã có hiệu quả, chắc chắn người sản xuất sẽ tiếp tục duy trì và phát huy các mô hình, cách làm thuận theo tự nhiên và thêm thân thiện với môi trường. Chính từ tính hiệu quả này sẽ góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp trong quá trình sản xuất.

Các nhà khoa học, nhà quản lý đã nói nhiều, bàn nhiều về tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển nông nghiệp, nhưng có lẽ 3 quan điểm lớn trong kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, vào ngày 27-9, tại TP. Cần Thơ mới thật sự là cô đọng nhất, dễ hiểu nhất và cũng dễ thực hiện nhất, nên người viết xin được trích lại để thay cho lời kết của bài viết này.

Ở quan điểm đầu tiên, Thủ tướng chỉ rõ rằng, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng phải dựa trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống văn hóa của vùng. 

Còn thay đổi tư duy phát triển là phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Đối với việc tôn trọng quy luật tự nhiên, theo Thủ tướng là phải chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô hạn, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tế. 

Thủ tướng đã kết luận, hay nói một cách khác là con đường phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở tầm vĩ mô đã được định hướng một cách rõ ràng. Vấn đề còn lại là các bộ, ngành và nhất là địa phương cần triển khai các quan điểm trên như thế nào, để tất cả mọi người đều hiểu và thực hiện tốt như Thủ tướng mong muốn.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: