• Nông nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Thực hiện chính sách phát triển thủy sản hiệu quả nhưng vẫn còn khó

05/12/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 05/12/2019 | 06:00

STO - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định số 67), tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ đóng mới đưa vào hoạt động 4 tàu vỏ gỗ khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và 1 tàu vỏ gỗ được nâng cấp vỏ tàu và thay máy chính. Tuy nhiên, từ đó đến nay, số lượng tàu đóng mới theo Nghị định số 67 vẫn không có sự tiến triển mà nguyên nhân là do vướng mắc ở cơ chế, chính sách.

Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, ngay sau khi Nghị định số 67 có hiệu lực, để sớm đưa các chính sách hỗ trợ đến ngư dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 14-11-2014, về đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Với sự chủ động, tích cực, ngành nông nghiệp và các đơn vị có liên quan đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67 của Chính phủ.

Dù được đóng mới, nâng cấp để vươn khơi xa, bám biển dài ngày hơn, nhưng do tác động từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan nên việc khai thác thủy sản chưa hiệu quả cao.

Tháng 4-2016, 4 tàu vật liệu vỏ gỗ được đóng mới đã hoàn thành đưa vào hoạt động, với tổng công suất 2.616CV và 1 tàu vỏ gỗ được nâng cấp vỏ tàu và thay máy chính. Tổng số vốn vay đóng mới 4 tàu cá được ngân hàng giải ngân 24 tỉ đồng (6 tỉ đồng/1 chiếc); vốn vay cho tàu nâng cấp thay máy là 800 triệu đồng. Ngay sau khi hoàn thành, các chủ tàu đã nhanh chóng cho tàu ra khơi khai thác, làm dịch vụ để sớm có thu nhập, hoàn trả nợ vay. Ngoài chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp, tỉnh còn triển khai một số chính khác theo Nghị định số 67 như: chính sách bảo hiểm; chính sách đào tạo vận hành tàu, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới…

Nhờ được vay vốn đóng mới tàu lớn, nên ngư dân có điều kiện bám biển được dài ngày, giảm được rất nhiều chi phí ra vào ngư trường khai thác. Mặt khác, từ khi có đội tàu đóng mới chuyên làm dịch vụ của ngư dân địa phương nên mỗi khi gặp ngư trường thuận lợi, sản lượng khai thác nhiều, ngư dân có thể gửi sản phẩm theo tàu dịch vụ vào cảng để tiếp tục đánh bắt mà không phải tốn quá nhiều chi phí như trước. Chia sẻ với người viết, một ngư dân chuyên hành nghề lưới vây ánh sáng công suất đóng mới 650CV, cho biết: “Trước đây tôi hành nghề cào đôi, chi phí rất lớn, nên mỗi khi giá cả xăng dầu, hay hàng khai thác biến động mạnh là rất dễ thua lỗ. Vì vậy, khi có Nghị định số 67 tôi đăng ký ngay để có được tàu lớn hơn, công suất mạnh hơn, đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày và hiệu quả tăng lên rõ rệt sau 5 năm đi vào hoạt động”.

Tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định số 67 cập cảng Trần Đề đầy tôm cá sau một chuyến biển.

Theo số liệu báo cáo, 4 tàu đóng mới theo Nghị định số 67 ban đầu đều đăng ký hành nghề khai thác lưới vây, nhưng do quá trình hoạt động không có hiệu quả, đã có 3 tàu xin chuyển sang nghề dịch vụ hậu cần. Các số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản cho thấy, bình quân mỗi năm, tàu dịch vụ ra khơi khoảng 168 - 185 chuyến nên hiệu quả hoạt động vì thế cũng rất cao. Cũng nhờ được vay vốn đóng tàu lớn, máy mạnh nên thời gian ra vào của tàu dịch vụ rất ngắn, giúp sản phẩm giữ được tươi ngon, bán được giá cao hơn. Mặc dù chi phí đầu tư đóng mới hơn 9 tỉ đồng (trong đó vay ngân hàng 6 tỉ đồng), nhưng theo ngư dân, bù lại hiệu quả hoạt động cao nên sau khi làm nghĩa vụ vay vốn ngân hàng, mỗi năm họ cũng có lãi kha khá so với trước.

Tuy nhiên, không phải tàu đóng mới theo Nghị định số 67 nào cũng hoạt động hiệu quả, bởi mỗi người một cung cách quản lý, làm ăn khác nhau. Hơn nữa, trong những năm gần đây nghề khai thác biển chịu nhiều tác động từ thời tiết đến giá dầu tăng, chi phí chuyến biển tăng làm giảm lợi nhuận. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm lao động nghề cá cũng ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của chủ tàu khiến một số tàu khai thác không hiệu quả. Do đó, vẫn có tàu dịch vụ mỗi năm chỉ xuất bến bình quân được 80 chuyến, không đủ thu nhập để bù đắp cho các khoản phải thanh toán trong năm, dẫn đến thua lỗ, không trả được nợ vay, buộc ngân hàng tiến hành các thủ tục xử lý nợ theo quy định.

Qua 5 năm thực hiện Nghị định số 67, nhìn chung hiệu quả mang lại cho ngư dân là không nhỏ, nhưng thực tế triển khai cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: dù được vay vốn với lãi suất thấp, nhưng do quy định việc đóng mới, nâng cấp máy móc thiết bị bắt buộc phải là mới 100%, làm phát sinh chi phí đầu tư lớn, kéo theo nguồn vốn vay lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng trả nợ của chủ tàu.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: