• Nông nghiệp

“Tiếp sức” cho kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả

11/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 11/09/2017 | 06:00

STO - Nếu như trước đây, người dân thường “ngán ngại” khi tham gia vào tổ hợp tác (THT) hay hợp tác xã (HTX) thì hiện tại, đã có nhiều bà con tự nguyện xin vào làm thành viên, bởi họ nhận thấy, việc làm ăn riêng lẻ không mang lại hiệu quả, nhất là sản phẩm sau thu hoạch bán ra với giá thấp do bị thương lái ép giá. Bà con vào THT, HTX chẳng những được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi mà còn được Nhà nước hỗ trợ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đặc biệt là lúa.

Thông qua THT, HTX, các thành viên tăng thu nhập bằng việc sản xuất các giống lúa đặc sản, cho năng suất cao và giá bán cao hơn. Để bà con nông dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh khi tham gia HTX, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã và đang triển khai phương án hỗ trợ cho HTX về các lớp tập huấn, như: chuyển giao khoa học kỹ thuật, tận dụng phế, phụ phẩm từ lúa gạo, luân canh cây trồng, liên kết sản xuất… Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo, đầu tư cơ sở hạ tầng và HTX nằm trong vùng dự án sẽ được triển khai vốn từ 8 - 10 tỉ đồng/HTX trong suốt quá trình dự án triển khai để đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm: hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm, thiết bị sấy, thiết bị đóng bao lúa giống, kho tạm trữ, chế biến bảo quản, trạm bơm, cống, kênh, mương thủy lợi, gia cố đê bao, đường giao thông kết nối giữa khu sản xuất và khu tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Đậm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tín Phát, ấp Thành Tân, xã Kế Thành (Kế Sách) cho biết: “HTX trước đây là THT với 20 thành viên, khi nâng lên thành HTX chỉ có 9 thành viên, các thành viên cũ không còn mặn mà tham gia bởi hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Khoảng 3 năm trở lại đây, HTX bắt đầu củng cố và đi vào nề nếp nên được nâng chất dần và phát triển khá mạnh thông qua việc nhận sản xuất lúa giống theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp. Ngoài làm giống lúa, HTX còn làm dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong các thành viên và người dân trong và ngoài xã khi có nhu cầu”.

Cây bưởi da xanh đã tạo “cú hích” làm giàu cho hầu hết thành viên HTX bưởi Năm roi, da xanh xã Kế Thành (Kế Sách).

Cũng theo anh Đậm, tất cả diện tích lúa của thành viên HTX đều được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu. Từ đó, thu nhập thành viên trong HTX tăng lên đáng kể, nhận thấy HTX ngày càng phát triển nên nhiều hộ dân xin tham gia và hiện tại, HTX đã có 49 thành viên. “Dự định của HTX sau khi Dự án VnSAT hỗ trợ, chúng tôi sẽ đầu tư nhà kho, lò sấy, máy cuốn rơm nhằm phục vụ thành viên và nông dân trong và ngoài xã” -  anh Đậm phấn khởi cho biết thêm.

Chị Kim Thị Thiên và chị Lê Thị Hồng Chốp, thành viên HTX Nông nghiệp Tín Phát vui vẻ cho biết: “Tham gia vào HTX, chị em chúng tôi khỏi cần lo chuyện tìm máy gặt đập liên hợp vì đã có HTX lo hết, chỉ cần đem bao tới ruộng đưa chủ máy gặt, ngồi trên bờ kênh chờ cân lúa bán, đem tiền về nhà. Đồng thời, HTX còn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên thấp hơn giá ngoài thị trường từ 3% đến 5%. HTX còn hỗ trợ những thành viên khó khăn vay vốn sản xuất, nhờ thế mà đời sống của hầu hết thành viên đều ổn định”.

Đại diện Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng, bà Phan Anh Thư cho biết: “Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 159,8 tỉ đồng, hỗ trợ cho 26 HTX trong vùng dự án từ nay cho đến hết năm 2020. Trong năm 2017 - 2018, dự án sẽ đầu tư đợt 1 cho 5 HTX, gồm: HTX Nông nghiệp Phước An, xã Phú Tâm (Châu Thành), HTX Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành (Kế Sách), HTX Nông sản Mỹ Hương, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú), HTX Nông nghiệp Kiết Lập B, xã Lâm Tân và HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) với tổng kinh phí 26,5 tỉ đồng, sẽ hỗ trợ kho tạm trữ, lò sấy, đường giao thông nông thôn, cầu bêtông, trạm bơm, thiết bị sấy, máy cuốn rơm… Theo đó, bình quân mỗi HTX được dự án đầu tư 5,3 tỉ đồng trong đợt 1 này.

Song song việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hàng hóa thiết bị, dự án tiếp tục công tác đào tạo về quản lý và phát triển cho các thành viên trong Hội đồng quản trị của HTX thuộc vùng dự án triển khai; hỗ trợ thành viên trong sản xuất, giảm tổn thất trong các khâu thu hoạch và sau thu hoạch; hỗ trợ các HTX, THT vùng dự án sản xuất theo quy mô “Cánh đồng lớn” có liên kết sản xuất và tiêu thụ theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản theo hợp đồng. Ngoài những hỗ trợ nêu trên, dự án còn hỗ trợ tập huấn vận hành và bảo trì (O&M); đào tạo kỹ thuật luân canh cây trồng, tận dụng phụ phẩm từ lúa gạo, nhân giống xác nhận, mỗi một chuyên đề tổ chức 5 lớp tập huấn.

Mượn tạm lời kết của Giám đốc HTX Nông nghiệp Evergowth, xã Tài Văn (Trần Đề) Nguyễn Hoàng An, rằng: “Yếu tố con người là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại trong việc dẫn dắt HTX đi đến thành công. Trước tiên, lãnh đạo HTX phải là người có tâm huyết, có năng lực quản lý, điều hành và kinh nghiệm thực tiễn thì mới giúp HTX hoạt động càng hiệu quả và đạt được kế hoạch đề ra. Đặc biệt, vốn đầu tư kinh doanh rất quan trọng, nếu có định hướng kinh doanh mà thiếu vốn sản xuất là khó có thể thực hiện. Điều quan trọng tiếp theo, đó là, HTX phải biết điểm đích mà sản phẩm mình hướng tới là gì, từ đó mới hoạch định kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, hàng hóa, thiết bị cũng như định hướng kinh doanh phù hợp”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: