• Nông nghiệp

Triển khai công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

23/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 23/02/2021 | 06:00

STO - Như một chu kỳ được lặp lại vào mùa khô hàng năm thì thời điểm hiện tại, mặn đã xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Để hiểu rõ hơn về việc ngành chức năng thực hiện các biện pháp ứng phó hạn, mặn nhằm bảo vệ trồng trọt, chăn nuôi của người dân tại các địa phương, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xung quanh các nội dung trên.

Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU

Phóng viên: Thưa đồng chí, theo ghi nhận của ngành chuyên môn thì hiện nay mặn đã bắt đầu xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng chí hãy đánh giá tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm nay?

Đồng chí Phạm Tấn Đạo: Có thể nói thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là hạn, mặn trong những năm gần đây xâm nhập ngày một sâu vào nội đồng, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, nắng nóng bắt đầu trở nên gay gắt và độ mặn tại các địa phương đã lên cao. Thực tế tình hình mặn xuất hiện bắt đầu từ trung tuần tháng 12-2020 cho đến hiện tại thì mặn xuất hiện dày hơn, mặn xảy ra dày đặc như thế đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong các vùng bị ảnh hưởng. Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn thì tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021 sẽ không gay gắt so với mùa khô năm 2019 - 2020, tuy nhiên thì độ mặn vẫn ở mức cao và độ mặn đo được gần đây tại khu vực Trần Đề luôn ở mức trên 16‰ và có ngày mặn xâm nhập sâu vào địa bàn các xã thuộc huyện Kế Sách đến 4‰, dự báo độ mặn sẽ gay gắt hơn vào các tháng 2, tháng 3-2021.

Phóng viên: Trong những năm qua, năng lực ứng phó hạn, mặn của tỉnh ta đã được nâng cao, đặc biệt là với giải pháp công trình, vậy trong mùa khô năm 2021, giải pháp này được triển khai để ứng phó hạn, mặn như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Tấn Đạo: Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 với kịch bản ứng phó hạn, mặn của UBND tỉnh cùng sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chi cục Thủy lợi đã cơ bản hoàn thành các công trình thủy lợi đối với các vùng thường bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn như vùng Long Phú - Tiếp Nhựt, các cù lao trên sông Hậu và vùng dự án Kế Sách. Đặc biệt đối với vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt thì các hệ thống cống bọng, đê bao cũng đã được duy tu, sửa chữa kịp thời, đảm bảo năng lực ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, từ đầu mùa khô, đơn vị đã triển khai hàng loạt công trình ứng phó với hạn, mặn như: công trình nạo vét các kênh, xây dựng các cống. Riêng đối với các kênh trục tạo nguồn, đơn vị sẽ tiến hành việc nạo vét kênh cấp 3 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 1 để vừa tạo thông thoáng dòng chảy, vừa tích nước. Bên cạnh đó, đối với khu vực Long Phú - Tiếp Nhựt thì cống Ngan Rô tiến độ triển khai cũng đã đạt trên 90%, kịp thời đưa vào vận hành trong mùa khô năm nay, riêng cống Ba Rẹt hiện cũng được đôn đốc thi công đúng tiến độ…

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ thêm về giải pháp phi công trình đã được đơn vị triển khai như thế nào để đảm bảo thông tin kịp thời đến bà con trong tỉnh về tình hình hạn, mặn?

Đồng chí Phạm Tấn Đạo: Ngoài giải pháp công trình ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn thì giải pháp phi công trình rất được UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và nhất là ngành thủy lợi quan tâm thực hiện. Theo đó, đơn vị phối hợp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân ở các vùng trong nguy cơ ảnh hưởng hạn, mặn cần phải thường xuyên cập nhật, cảnh giác với hạn, mặn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và mặc dù trong những ngày vui xuân đón tết, bà con cũng phải thường xuyên nắm bắt thông tin về độ mặn. Song song đó, các địa phương đã tự động cập nhật đo độ mặn trên các sông, kênh rạch thông tin nhanh đến bà con nông dân biết được độ mặn hiện tại cũng như đưa ra các khuyến cáo cần thiết để người dân trước khi lấy nước phục vụ sản xuất cần phải đo đạc độ mặn ở ngưỡng cho phép, để lấy nước tưới cho từng loại cây trồng phù hợp. Qua đây, đơn vị khuyến cáo bà con nông dân là mỗi người cần chủ động nắm mọi thông tin về hạn, mặn trên địa bàn của mình vào mọi thời điểm để lấy nước phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, để công tác đo đạc độ mặn nhanh, chính xác và thông tin nhanh chóng, kịp thời đến người dân tại các địa phương về độ mặn, đơn vị phối hợp Trung tâm Khí tượng thủy văn đặt các trạm quan trắc tại một số địa phương trên địa bàn một số huyện để thông báo đến bà con hàng ngày, hàng giờ trên mọi phương tiện thông tin…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.

THÚY LIỄU (thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: