• Pháp luật - Bạn đọc

Án liên quan đến đất đai còn bị hủy, sửa nhiều

13/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 13/02/2020 | 06:00

STO - Trong 7.913 vụ việc mà tòa án nhân dân (TAND) hai cấp đã thụ lý năm 2019 thì có 2.304 vụ việc liên quan đến đất đai (chiếm 29,11%). Quá trình giải quyết loại án này, thẩm phán gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc so với các loại án khác và chỉ giải quyết xong 1.611 vụ việc (đạt 69,92%, trong khi trung bình TAND hai cấp đã giải quyết đạt 86,65% trên tổng các loại án).

Thực tế, các tranh chấp liên quan đến đất đai phát sinh là do nền kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng dẫn đến những biến động về giá cả và đất đai ngày càng có giá trị. Từ đó, một bộ phận trong xã hội xem chuẩn mực đạo đức, đạo lý gia đình trở thành thứ yếu, sau khi người có tài sản (cha, mẹ, ông, bà…) qua đời, thế hệ con, cháu và những người thân thích, họ hàng sẵn sàng hủy bỏ những thỏa thuận về đất đai trước đó để khởi kiện ra tòa. Mặt khác, do trình độ dân trí ngày càng cao, nhiều người lợi dụng những sơ hở về thủ tục trong các giao dịch liên quan đến đất đai trước đó để khởi kiện đòi quyền lợi cho mình. Hầu hết, các vụ án liên quan đến đất đai có tính chất khá phức tạp, khó giải quyết do trải qua các thời kỳ thực hiện chính sách đất đai, nhà ở của Nhà nước. Việc tranh chấp đất đai thường liên quan đến nhiều quan hệ pháp luật, nhiều đương sự ở các địa bàn khác nhau. Thậm chí, một số vụ án có cả đương sự ở nước ngoài nên việc ủy thác tư pháp và việc thu thập chứng cứ càng khó khăn, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Phiên tòa xét xử liên quan đến đất đai. Ảnh: C.H

Sau khi tòa xét xử, phần lớn các vụ án liên quan đến đất đai đều có kháng cáo, kháng nghị. Cụ thể, trong 1.611 vụ việc liên quan đến đất đai mà TAND hai cấp trong tỉnh đã giải quyết thì có tới 514 vụ việc bị kháng cáo, kháng nghị. Kết quả, số án bị hủy là 46 vụ (chiếm 28,55% số vụ việc liên quan đến đất đai đã được giải quyết) và số án bị sửa là 55 vụ (chiếm 34,14%). Như vậy, án liên quan đến đất đai bị hủy, bị sửa vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó, sai sót phổ biến là do tòa án cấp sơ thẩm xác minh, thu thập chứng cứ không đầy đủ; không đưa hoặc đưa không đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng. Việc giải quyết đôi khi vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự hoặc đánh giá chứng cứ chưa đúng, chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Có trường hợp áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến quyết định không phù hợp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án...

Hiện nay, pháp luật ngày càng hoàn thiện và ban hành nhiều quy định liên quan đến đất đai đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu quả hơn. Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh cũng đã chủ động soạn thảo và đi đến ký kết quy chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ phục vụ cho tòa án giải quyết các vụ án hành chính, các vụ án dân sự. Các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy và thường xuyên quan tâm đào tạo, bổ sung nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao. Quan trọng, các đơn vị ngày càng phối hợp tốt với tòa án trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ khi có yêu cầu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai có hiệu quả, đúng thời hạn và đúng quy định pháp luật. Nhờ vậy, TAND hai cấp đã giải quyết nhiều vụ án liên quan đến đất đai phức tạp và đã kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, theo nhận định của tòa án, khi giải quyết án liên quan đến đất đai, thẩm phán còn gặp khó khăn, vướng mắc từ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đại trà trước đây, không đo đạc thực địa, dựa trên bản đồ không ảnh. Có trường hợp trên giấy chứng nhận không có số đo tứ cạnh; không xác minh thực tế người đang sử dụng đất và việc thông báo công khai chưa được chú trọng nên đã xảy ra nhiều sai sót. Dẫn đến khi cấp GCNQSDĐ không đúng diện tích, cấp chồng lấn, không đúng vị trí, cấp không đúng đối tượng. Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, việc cấp GCNQSDĐ đã thực hiện tốt hơn nhiều nhưng một số trường hợp vẫn không có người giáp ranh ký tên xác nhận hoặc có người giáp ranh ký tên xác nhận nhưng không có chứng kiến đo đạc thực địa nên việc cấp giấy chưa chính xác. Theo quy định Luật Đất đai thì đất có thể được cấp cho hộ gia đình, là tài sản chung của hộ. Nhưng việc cấp GCNQSDĐ cho cá nhân, hộ gia đình trong một số trường hợp còn lẫn lộn, nhiều trường hợp đất của cá nhân hoặc của vợ chồng nhưng lại cấp cho hộ gia đình và ngược lại.

Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định là cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nhưng thực tế đôi khi việc trả lời của cơ quan còn chậm, có trường hợp kéo dài tới cả năm. Nội dung trả lời chưa sát với yêu cầu và trả lời rất chung chung, thậm chí có trường hợp không trả lời. Không những vậy, tòa án còn gặp vướng mắc trong việc đo vẽ khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá đối với đất tranh chấp. Bên cạnh đó, TAND hai cấp còn thấy khó khăn từ quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở do quy định chưa thống nhất về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Việc cầm cố quyền sử dụng đất diễn ra rất nhiều trên thực tế, nhưng Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định để điều chỉnh vấn đề này. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết án liên quan đến đất đai, những vấn đề còn chưa rõ hoặc còn mâu thuẫn, thẩm phán chưa thực hiện đến cùng, còn có tâm lý e ngại, trông chờ cấp phúc thẩm (cấp tỉnh) sẽ khắc phục, dẫn đến án bị hủy, bị sửa nhiều.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Toàn - Phó Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh, để góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp theo quy chế phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ phục vụ cho tòa án giải quyết các vụ án hành chính, các vụ án dân sự. Đồng thời, đẩy mạnh việc trao đổi, phối hợp với UBND cấp huyện trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ và trả lời theo yêu cầu của tòa án, đặc biệt là cần phối hợp tốt hơn trong công tác đo đạc, thẩm định phục vụ cho việc định giá tài sản. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về những sai sót thường gặp trong quá trình giải quyết án liên quan đến đất đai để rút kinh nghiệm chung. Đội ngũ thẩm phán cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vụ án và quan trọng phải rèn luyện về lập trường, tư tưởng chính trị, phải có tâm huyết trong việc giải quyết những vụ án khó, phức tạp. Kiến nghị đến cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 theo hướng “Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng”, nhằm phù hợp với Luật Nhà ở năm 2014 và cần bổ sung quy định về “Cầm cố quyền sử dụng đất giữa cá nhân với nhau”, để góp phần điều chỉnh mối quan hệ xã hội này.

C.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: