Cái tâm sáng của người hội thẩm nhân dân

27/03/2020 15:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 27/03/2020 | 15:00

STO - Với nhiệm vụ là người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong việc giải quyết vụ án, vụ việc của tòa án, ông Trần Xươnne đã dùng cả tâm huyết và sự đấu tranh, kiên quyết bảo vệ công lý. Có thể nói, nhiều bản án sơ thẩm trên địa bàn huyện Kế Sách đều có mồ hôi, công sức và đôi khi có cả những giọt nước mắt của vị hội thẩm nhân dân (HTND) Trần Xươnne.

Trên 30 năm gắn bó với công tác HTND, ông Trần Xươnne (sinh năm 1952) đã tham gia xét xử hàng ngàn vụ án trên tất cả các lĩnh vực. Trung bình mỗi năm, ông tham gia xét xử khoảng 100 vụ án. Từ năm 2007 đến nay, ông Xươnne đứng đầu huyện về số lượng án tham gia xét xử và 2 lần được nhận bằng khen của Tòa án nhân dân Tối cao cùng những danh hiệu cao quý khác. Ông cho rằng, nghề “xét xử” rất vinh dự nhưng đi liền với trách nhiệm nặng nề và đòi hỏi cả năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật, cuộc sống. Bởi theo quy định, cùng với thẩm phán, thư ký tòa án khi được phân công tham gia xét xử thì hội thẩm được xác định là một trong những người tiến hành tố tụng tại tòa án. HTND có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; tham gia xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm; tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. 

Xét xử ở cấp sơ thẩm, hội thẩm chiếm đa số trong hội đồng xét xử (2/3 hoặc 3/5) nên giữ vai trò rất quan trọng. Trong xét xử, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán khi biểu quyết các vấn đề nghị bàn lúc hội đồng xét xử nghị án mà không có bất kỳ sự lệ thuộc nào. “Thẩm phán là người chuyên về công tác xét xử, có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật vững chắc. Do vậy, để đưa ra ý kiến thuyết phục và biểu quyết phù hợp, tôi phải nghiên cứu hồ sơ rất kỹ; tập trung theo dõi diễn biến của phiên tòa; tham gia xét hỏi để làm rõ các tình tiết, vấn đề của vụ việc. Bản thân còn phải thường xuyên cập nhật quy định pháp luật và trau dồi kiến thức chuyên môn, xã hội để nhìn nhận sự việc công bằng, khách quan, minh bạch hơn” - ông Trần Xươnne chia sẻ.

Hội thẩm nhân dân Trần Xươnne. Ảnh: S.M

Ông Xươnne vốn là nhà giáo, sau về làm công tác dân tộc của huyện Kế Sách và được lãnh đạo phân công kiêm nhiệm vai trò HTND. Ông thực thi trên tinh thần thượng tôn pháp luật và đặt cái tâm của mình để đánh giá các vấn đề trong các phiên tòa xét xử. Vậy mà người hội thẩm ấy cũng bao phen mất ăn, mất ngủ và lòng đầy trăn trở, suy tư sau phiên tòa. Bởi pháp luật cần xử nghiêm các hành vi phạm tội để răn đe nhưng trong thâm tâm của người giáo viên lại muốn bao dung, giáo dục là chính để mọi người trong xã hội có được những suy nghĩ và cuộc sống tốt đẹp.

Theo ông, những năm gần đây, tác hại của ma túy ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, nhất là thanh thiếu niên. Ông Xươnne cảm thấy đắng lòng khi phải xét xử những bị cáo có gương mặt non choẹt mà lại liên quan đến mua bán ma túy; nghiện ma túy dẫn đến trộm cắp, cướp giật tài sản; gây thương tích, cố ý gây thương tích cho người khác trong cơn ngáo đá… Họ phạm tội thì phải đền tội và chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Tuy nhiên, phần lớn các thanh thiếu niên phạm tội đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình và dễ bị bạn bè xấu lôi kéo. Với tấm lòng vị tha, người hội thẩm cao niên đã tham gia hỏi tận "chân tơ kẽ tóc” để tìm những tình tiết giảm nhẹ theo quy định. Khi nghị bàn lúc hội đồng xét xử nghị án, ông thường đưa ra mức án thấp nhất trong khung để các bị cáo sớm về với gia đình và làm lại cuộc đời, tìm lại tương lai.

Rồi lượng án hôn nhân, gia đình trên địa bàn Kế Sách cứ liên tục gia tăng qua từng năm và Kế Sách trở thành một trong những địa phương có lượng án hôn nhân, gia đình cao nhất tỉnh. Nói đến nguyên nhân dẫn đến hôn nhân đổ vỡ thì muôn ngàn lý do nào là: Tính tình không hợp, bất đồng quan điểm, ngoại tình… nhưng chung quy xuất phát từ vấn đề kinh tế. Nắm được mấu chốt của vấn đề và những kinh nghiệm cuộc sống, ông Xươnne cùng hội đồng xét xử cố gắng hòa giải đoàn tụ; nếu đương sự vẫn nhất quyết “đường ai nấy đi” thì hãy lưu tâm đến con cái nhiều hơn. Do vậy, người HTND Xươnne luôn được sự tín nhiệm và yêu mến của mọi người. Nhưng bao năm tham gia xét xử, bản thân ông vẫn cảm thấy băn khoăn về các vấn đề tranh chấp liên quan đến đất đai. Vì đây là vấn đề khó và liên quan đến nhiều quy định pháp luật, nhiều quan hệ xã hội, nhiều sự kiện… khiến ông Xươnne luôn phải tập trung cao độ trong nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu pháp luật.

Lượng án thụ lý của Tòa án nhân dân huyện Kế Sách ngày một tăng và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp nhưng chất lượng giải quyết lại từng bước được nâng lên, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của HTND Xươnne.
Chánh án TAND huyện Kế Sách Thạch Viết Tâm nhận định: “Ông Xươnne rất nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với công tác HTND. Hiện ông là vị HTND tham gia xét xử nhiều nhất và tích cực xét hỏi, mạnh dạn phát biểu ý kiến. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng bản án, hạn chế hủy, sửa, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: