• Pháp luật - Bạn đọc

Cảnh giác với “Tín dụng đen”

19/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 19/04/2019 | 06:00

STO - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng đi phát tờ rơi, đồng thời thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu tín dụng đen. Nhiều người đã sập bẫy khi vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Hoạt động này không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân - nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn - mà còn gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Lao đao vì “tín dụng đen”

Gia đình ông C., ngụ thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) vừa trải qua một phen hú vía khi mắc bẫy của nhóm hoạt động tín dụng đen. Vì cần tiền trang trải trong gia đình, ông đã được một số người của “công ty tài chính” đến tư vấn vay 40 triệu đồng, với lãi suất mỗi ngày 1%. Thấy họ ăn mặc lịch sự, nói năng cũng dễ nghe nên ông đồng ý vay vốn với mức lãi suất khủng. Những ngày đầu ông C. cũng cố gắng gom góp để trả nợ đúng thỏa thuận, nhưng vì thu nhập từ việc giữ xe khá ít ỏi nên chỉ vài ngày ông đã hết khả năng chi trả. Vậy là đối tượng cho vay đã tính lãi chồng lãi với số tiền tăng lên 80 triệu đồng. Họ còn đe dọa và buộc ông phải ký chuyển nhượng căn nhà đang ở. Đến lúc này, ông C. biết mình đã dính vào hoạt động tín dụng đen nên báo công an nhờ can thiệp.

Các tờ rơi cho vay “nhanh chóng, dễ dàng” của đối tượng cho vay nặng lãi dán khắp các cột điện trên địa bàn TP. Sóc Trăng.

Qua tìm hiểu được biết, hoạt động tín dụng đen hiện có mặt ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Một thời gian dài, từ thành thị đến vùng nông thôn sâu, những đối tượng này len lỏi đi rải các tờ rơi với nội dung cho vay tiền nhanh chóng, hình thức cho vay trả góp không cần thế chấp, thủ tục cực kỳ đơn giản, chỉ cần hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân là có tiền xài… Hầu hết người vay là những hộ thuộc diện buôn bán nhỏ hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh tật cần tiền xoay xở. Nếu vay số tiền từ 2 triệu đến 10 triệu đồng thì chỉ cần photo giấy tờ tùy thân là được, mức lãi suất có thể dao động từ 20% đến 60%. Điều đáng nói là khi đã dính vào “tín dụng đen” thì hoàn cảnh khó khăn lại càng khó khăn hơn, bởi phải trả số nợ đã vay với lãi suất “cắt cổ”. Lãi suất quá cao đã làm cho nhiều người mất khả năng chi trả, phải bán nhà, tài sản; có người bị chủ nợ hăm dọa, phải ký giấy nợ gấp nhiều lần vốn vay ban đầu, thậm chí rời khỏi địa phương để trốn nợ.

Hay trường hợp của chị K.A ở TP. Sóc Trăng, dù có công việc làm ổn định nhưng chị vẫn không đủ tiền để chi xài, sinh hoạt. Vậy là chị làm liều tìm đến những đối tượng cho vay nặng lãi. Đến khi không trả nổi số nợ đã vay, bị xiết nợ chị phải bỏ trốn không ai biết tung tích ở đâu. Đáng nói là không chỉ một mình chị bỏ trốn là xong, mà gia đình, những đồng nghiệp cùng cơ quan cũng muốn “tá hỏa” vì bị “xã hội đen” khủng bố, với lý do lúc chị K.A vay tiền phải ghi 5 số điện thoại thường liên lạc. Những người này “mất ăn, mất ngủ” khi mỗi ngày phải nhận hàng chục cuộc điện thoại và tin nhắn, với nội dung hăm dọa, như: đã 2 giờ rồi, có tự giác đóng tiền không?... không tự giác đóng tiền, kẻ đầu bạc sẽ tiễn người đầu xanh, hình ảnh sẽ đăng lên facebook; hoặc tiền không trả, tối nay tất cả những người có liên quan đến hợp đồng này sống không bằng chết… Cũng vì suy nghĩ chưa thấu đáo, chị K.A giờ đây phải nhận kết quả buồn, bởi vừa bị mất việc vừa có nhà không dám về, phải bỏ đi xứ khác.

Nhiều giải pháp ngăn ngừa và hỗ trợ người dân

Đại tá Lê Minh Quang - Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, để ngăn ngừa, đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu tín dụng đen, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo Công an tỉnh và các ngành chức năng rà soát, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Từ giữa tháng 12-2018 đến thời điểm này, toàn tỉnh đã triệt phá 13 vụ cho vay nặng lãi với 24 đối tượng, có hơn 450 người là nạn nhân, tổng số tiền các đối tượng cho vay là hơn 4,2 tỉ đồng. Ngành chức năng đã khởi tố 3 vụ, 3 đối tượng và đang tiếp tục điều tra 10 vụ, 22 đối tượng.

Trước thực trạng trên, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, hỗ trợ để người dân nói không với tín dụng đen, nhằm tránh thiệt hại về kinh tế, cũng như gây mất tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công an huyện Mỹ Xuyên cho biết, qua công tác nắm địa bàn, rà soát đối tượng, đơn vị đang quyết liệt theo dõi, xử lý các hành vi có liên quan đến tín dụng đen. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân thấy được những hình thức, thủ đoạn của đối tượng cho vay nặng lãi mà không dính vào, nhằm tránh những hệ lụy đáng tiếc. 

Những tin nhắn xưng là công ty đòi nợ thuê “khủng bố” con nợ.

Bên cạnh đó, các đoàn thể tích cực khảo sát nhu cầu vay vốn trong nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số có kế hoạch hỗ trợ giúp người dân vượt qua khó khăn. Về phía các ngân hàng, cần có các gói sản phẩm cho vay phù hợp đối với hộ nghèo, rà soát lại để đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thủ tục thanh toán. 

Đối với vấn đề này, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Dương Đình Lạng cho biết, để góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu tín dụng đen và đáp ứng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, chi nhánh đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề xuất mở rộng đối tượng cho vay, nâng hạn mức tín dụng và kéo dài thời gian vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; tiếp tục chương trình hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo và sớm có cơ chế, chính sách xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan phù hợp đặc điểm, điều kiện đặc thù của hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Mới đây nhất, ngày 22-2-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã ban hành quyết định nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo. Trong đó, nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ mà không cần bảo đảm tiền vay; nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng.

Một điều mà người dân không nên băn khoăn là thủ tục cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng khá đơn giản. Khi có nhu cầu vay vốn, bà con chỉ cần liên hệ tại tổ tiết kiệm và vay vốn (thông qua các đoàn thể ở địa phương). Sau khi được hướng dẫn, bà con chỉ viết giấy đề nghị vay vốn và gửi tại tổ tiết kiệm vay vốn, mọi thủ tục còn lại để tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện. Sau đó, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân trực tiếp ngay tại địa bàn nơi người vay sinh sống.

Có thể thấy, qua việc kiên quyết đấu tranh, xử lý vi phạm với các nhóm tín dụng đen bước đầu có hiệu quả. Nhưng không vì vậy mà có thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bởi những đối tượng này luôn có nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi hơn để mời gọi, lôi kéo người dân. Ngược lại, vì nhu cầu cần tiền rất bức xúc, thủ tục cho vay lại đơn giản nên người dân cứ “nhắm mắt đưa chân” để rồi gặp những hậu quả đáng tiếc. Để tránh tiếp diễn những câu chuyện này, các hội, đoàn thể địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, nhất là những đối tượng có “nguy cơ” cao hãy cảnh giác với hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ những đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách… được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi nhất; kịp thời trao cho họ cái “cần câu” để ổn định và vươn lên trong cuộc sống.

Thiên Tường

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: