• Pháp luật - Bạn đọc

Các sở, ban ngành tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Hoàng Nghiệp trả lời kiến nghị của cử tri

19/12/2018 08:38 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 19/12/2018 | 08:38

Tại kỳ họp lần thứ 11 HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, bà con cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị chất vấn các sở, ngành. Qua đó, lãnh đạo các đơn vị đã trực tiếp hoặc có văn bản giải trình cụ thể từng vấn đề mà cử tri thắc mắc. Báo Sóc Trăng trích đăng giải trình của các cơ quan, đơn vị.

Cử tri quan tâm về nguyên nhân tăng trưởng kinh tế chậm hơn cùng kỳ năm trước.

Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp trả lời:

* Về nguyên nhân: Theo Báo cáo số 195/BC-CTK, ngày 25-6-2018 của Cục Thống kê thì tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) là 16.153,340 tỉ đồng, tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2017 là 6,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) tăng 6,25% (số liệu cùng kỳ năm 2017 là 5,58%); khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) tăng 6,38% (số liệu cùng kỳ năm 2017 là 5,18%); khu vực dịch vụ (khu vực III) tăng 5,84% (số liệu cùng kỳ năm 2017 là 7,85%).

Nhìn chung tăng trưởng kinh tế 6 tháng năm 2018 của tỉnh có tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng mức tăng này chậm hơn. Nguyên nhân là do tăng trưởng khu vực III, tăng chậm hơn so với mức tăng cùng kỳ, cụ thể:

- Thứ nhất là do ngành bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 tăng 12,26% so với cùng kỳ năm 2017 (mức tăng năm 2017 là 12,49%). Như vậy, 6 tháng đầu năm 2018 ngành bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác tăng chậm hơn 0,23% so với mức tăng cùng kỳ.

Nguyên nhân: Giá sản xuất nông sản, thủy sản ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân, như: người dân sản xuất mía không có hiệu quả do giá mía thu mua thấp, giá bán mía tại ruộng đầu vụ 800 - 850 đồng/kg. Đến thời điểm thu hoạch rộ giá bán xuống rất thấp, dao động từ 400 đồng đến 600 đồng/kg, giá bán thấp hơn cùng kỳ năm trước 430 đồng/kg, so với chi phí đầu tư, người dân lỗ trên 2 triệu đồng/công. Từ đó, cho thấy lợi nhuận của người trồng mía khá bấp bênh và phụ thuộc rất lớn vào giá cả thị trường.

Giá thu mua heo thấp nên người nuôi heo không có lợi nhuận. Từ đó, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn; do đó, người sản xuất bị giảm thu nhập, làm ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Giá thu mua tôm thẻ đầu năm đến nay giảm mạnh, loại 20 - 100 con/kg giá giảm 20.000 - 40.000 đồng/kg (thấp hơn từ 13.000 đồng đến 39.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2017); từ đó, cũng ảnh hưởng đến sức mua trong dân.

Chi tiêu của người dân tiết kiệm hơn do giá xăng, dầu tăng (xăng tăng 520 đồng/lít ngày 7-4-2018; dầu diezel tăng 1.020 đồng/lít, tăng vào ngày 23-4-2018; giá dầu hỏa tăng 330 đồng/lít từ ngày 8-5-2018), giá điện, nước, gas tăng (giá gas các loại tăng 10.000 đồng/bình từ ngày 1-5-2018), dịch vụ y tế tăng, nhóm giáo dục tăng...

- Thứ hai là do hoạt động tài chính, ngân hàng tăng chậm hơn so với cùng kỳ: Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 là 29.182,4 tỉ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2017 (mức tăng năm 2017 là 3%). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2017 thì 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng tín dụng chậm hơn 1%.

* Đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tăng trưởng khu vực III, để góp phần đảm bảo mức tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh Sóc Trăng năm 2018 từ 7,2% đến 7,5% như sau:

- Thứ nhất là ngành Công thương tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và những vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, đề xuất giải quyết, tháo gỡ. Tập trung triển khai Đề án Phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, khai thác chợ, trung tâm thương mại; rà soát, đầu tư nâng cấp các chợ nông thôn đã xuống cấp.

- Thứ hai là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung theo dõi tình hình tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, để kịp thời đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người sản xuất; quan tâm, làm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đặc biệt là mối liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng từ sản xuất đến tiêu thụ phải được liên kết chặt chẽ và bền vững.

Khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn; chuyển đổi từ diện tích lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau, màu có hiệu quả, kinh tế cao. Khuyến cáo các hộ nuôi nên thả nuôi với mật độ thưa, để quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh, nuôi với kích cỡ lớn (mặc dù size lớn giá giảm nhưng vẫn ở mức cao).

- Thứ ba là Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các giải pháp về tín dụng, nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng; đồng thời, đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực đang triển khai, như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất; chính sách phát triển thủy sản; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...

- Thứ tư là Cục Thuế tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ, tư vấn chính sách, pháp luật về thuế, phí… cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, đặc biệt là các Luật Thuế mới sửa đổi, bổ sung; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm thuế, tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018.

- Thứ năm là, các ngành, các địa phương cần phối hợp tốt và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giao đất cho các nhà đầu tư, nhằm góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Cử tri quan tâm việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chỉ số PCI.

Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp trả lời:

* Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2018. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp triển khai các dự án; đặc biệt là cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ. Ngày 30-5-2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 63/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP. Tiếp tục chỉ đạo phát huy tốt mô hình giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư theo hướng đầu mối tập trung. Đồng thời, chuẩn bị đưa vào vận hành trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tổ chức lễ tôn vinh và họp mặt, đối thoại doanh nghiệp đầu năm 2018, nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và lắng nghe kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Định kỳ 2 tuần 1 lần, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức mô hình “cà phê với doanh nghiệp” để giải quyết trực tiếp các vướng mắc của doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai tốt mô hình cà phê kết nối, với chủ đề “Kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp thời đại 4.0”, với mục tiêu kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với các sở, ngành và đặc biệt là doanh nghiệp với các cấp chính quyền, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bằng sự nỗ lực và quyết tâm, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 và Phát động khởi nghiệp, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, thông qua dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (do Chính phủ Canada tài trợ) tỉnh tổ chức cuộc thi “Tuyển chọn ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên; đồng thời, khơi dậy khả năng tư duy sáng tạo, sẵn sàng theo đuổi đam mê khởi nghiệp của các bạn trẻ. Kết quả, đã chọn được 5 ý tưởng xuất sắc nhất để trao thưởng và phát triển ươm tạo tại vườn ươm doanh nghiệp.

Công tác vận động thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đổi mới theo hướng đồng bộ và hiệu quả hơn. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ (cải thiện môi trường đầu tư, tạo thông thoáng, thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi đến Sóc Trăng), lãnh đạo tỉnh xem xét, lựa chọn một số nhà đầu tư có tiềm lực và thiện chí đầu tư để đến gặp trực tiếp, giới thiệu và vận động đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã tiếp, làm việc 60 nhà đầu tư với 72 dự án, cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 12 dự án, tổng vốn 2.806 tỉ đồng.

Nhìn chung, tình hình phát triển doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh đạt kết quả khả quan. Trong 6 tháng, có thêm 141 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 36,9% so với cùng kỳ), với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.204,12 tỉ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ); tổng số lượt đăng ký doanh nghiệp qua mạng là 318 lượt doanh nghiệp, chiếm 32% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trong đó hồ sơ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 56 hồ sơ, chiếm 39,7% tổng hồ sơ doanh nghiệp thành lập mới; có 44 doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng vốn điều lệ với tổng vốn đăng ký là 727,4 tỉ đồng.

Thực hiện đồng bộ việc niêm yết công khai và minh bạch thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP, ngày 7-2-2014 của Bộ Tư pháp tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử. Sắp xếp, bố trí công chức tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; bảo đảm sự nhiệt tình, thân thiện khi tiếp xúc với doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc thông báo 1 lần cho doanh nghiệp về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung (nếu có) và nêu rõ yêu cầu, lý do sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, niêm yết số điện thoại của người đứng đầu cơ quan tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính để doanh nghiệp phản ánh về thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận một cửa.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, ứng dụng hệ thống một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, mức độ 4) trong giải quyết thủ tục hành chính.

* Về chỉ số PCI năm 2017

Kết quả: Năm 2017, PCI tỉnh Sóc Trăng đạt 60,84 điểm, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thuộc nhóm điều hành “trung bình” (tăng 0,77 điểm và giảm 22 bậc so với năm 2016). So với 13 tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thứ hạng PCI của tỉnh Sóc Trăng giảm 4 bậc, đứng thứ 11/13 tỉnh, thành phố. Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2017 của tỉnh Sóc Trăng, có 3 chỉ số tăng điểm (dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức) và 7 chỉ số giảm điểm (tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tính năng động của chính quyền tỉnh, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng).

Tồn tại, hạn chế: Trong năm 2017, mặc dù tỉnh đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể, chỉ số PCI công bố hàng năm có độ trễ nhất định, các số liệu thường được thu thập thông tin trong khoảng 6 tháng cuối năm trước và 6 tháng đầu năm công bố.

Việc quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp tại một số sở, ngành, địa phương còn chưa thật sự quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả chưa cao. Theo nhận xét từ các sở, ngành, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh, chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tích cực hưởng ứng, nhưng một số bộ phận cấp phòng, cấp xã chưa tích cực và thiếu quan tâm thực hiện.

Công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã được thực hiện tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra gây bức xúc cho doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thì trình độ, năng lực còn hạn chế.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các dịch vụ tư vấn ngoài công lập, hầu như chưa có tổ chức, cá nhân nổi bật trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp còn chậm được triển khai thực hiện.

Công tác vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ gặp một số khó khăn, số lượng doanh nghiệp tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại còn hạn chế. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại vẫn chưa chủ động trong việc kết nối với các nhà phân phối và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nguyên nhân tồn tại, hạn chế.

- Nguyên nhân khách quan: Chỉ số PCI năm 2017 thay đổi cách thức xếp hạng theo nhóm điều hành. Điểm số PCI Sóc Trăng năm 2013 - 2016 đều được xếp vào nhóm điều hành “Khá”. Đến năm 2017, điểm số tăng 0,77 điểm, đạt mức 60,84 điểm nhưng lại xếp vào nhóm điều hành “Trung bình”.

Giai đoạn năm 2006 - 2016, nhóm nghiên cứu PCI xác định các nhóm chất lượng điều hành dựa trên các “điểm phân nhóm” của hai nhóm có khoảng cách điểm lớn nhất. Cách phân nhóm này có nhược điểm là việc xác định các điểm phân nhóm ngày càng khó hơn, do xu hướng hội tụ điểm số PCI. Vì thế, trong giai đoạn năm 2017 - 2020, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê về “độ lệch chuẩn” (SD - Standard Deviation) để đo lường trung bình khoảng cách điểm số của từng tỉnh đến điểm số của tỉnh trung vị PCI. Chỉ số PCI năm 2017 loại bỏ 6 chỉ tiêu không còn phù hợp và bổ sung 24 chỉ tiêu mới. Các chỉ tiêu mới tỉnh Sóc Trăng đạt điểm số thấp, trong đó, một số chỉ tiêu nằm ở nhóm cuối của cả nước.

Các chỉ số có trọng số 20%, như: “Tính minh bạch”, “Đào tạo lao động”, “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” đều xếp hạng rất thấp, làm cho xếp hạng PCI của tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, trong năm 2017, các tỉnh đều có bước tiến vượt bậc trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, Sóc Trăng tuy có tăng điểm nhưng mức tăng rất thấp. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rất quyết tâm cũng như đầu tư rất nhiều công sức để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Điều đó được thể hiện trong nhiều văn bản của tỉnh nhưng chưa được các doanh nghiệp ghi nhận. Ý kiến khảo sát được doanh nghiệp đánh giá chủ yếu theo “cảm nhận”.

- Nguyên nhân chủ quan: Nguyên nhân liên quan đến chất lượng quản lý của doanh nghiệp, doanh nghiệp hiện tại của tỉnh Sóc Trăng phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khả năng tra cứu thông tin trên trang web của tỉnh là rất ít; nhiều doanh nghiệp không thường xuyên theo dõi các ấn phẩm của tỉnh.

Các cổng thông tin điện tử của tỉnh đang tiến hành nâng cấp, nhưng chỉ nâng cấp được hình thức, còn nội dung và chất lượng chưa được cải thiện. Các nội dung công bố, công khai của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu, thậm chí có những thông tin cách 2 - 3 năm nhưng vẫn còn hiện hữu trên cổng thông tin của đơn vị. Bên cạnh đó, chất lượng đường truyền của cổng thông tin điện tử trong tỉnh là một vấn đề rất quan trọng nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp xúc và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa thật sự nhiệt tình, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Đề xuất phương hướng, giải pháp:

Ban hành chỉ thị tiếp tục cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, trong đó, phân công rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương trong cải thiện chỉ số PCI năm 2018 và những năm tiếp theo.

Chính thức vận hành trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh gắn với cổng tiếp nhận thông tin, trợ giúp doanh nghiệp.

Duy trì họp mặt, đối thoại doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hàng tháng, họp các doanh nghiệp có yêu cầu về khó khăn, vướng mắc để đối thoại với sở, ngành và đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ ngay.

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu rút ngắn thời gian đăng ký đầu tư, thời gian cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tổ chức hội nghị phân tích kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017. Trong đó, tập trung phân tích và đưa ra biện pháp cụ thể nhằm tăng điểm số cũng như thứ hạng các chỉ số thành phần có trọng số cao.

Công khai, minh bạch các tài liệu về quy hoạch của tỉnh, như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các dự án thu hút đầu tư, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương (DDCI - Department and District Competitiveness Index), cho phép tỉnh giám sát, đánh giá hiệu quả và nâng cao được trách nhiệm giải trình của lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đối với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Triển khai một số chính sách về ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, như: chính sách hỗ trợ đầu tư; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: