• Pháp luật - Bạn đọc

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết trả lời kiến nghị của cử tri

01/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: N.T
  • Thứ Sáu, 01/09/2017 | 06:00

STO - Cử tri huyện Kế Sách đề nghị cơ quan chức năng xem xét chất lượng vắc xin, tăng cường tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, hạn chế phát sinh ổ dịch.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Về chất lượng vắc xin, trong quá trình thực hiện đấu thầu, công ty cung ứng chịu trách nhiệm về chất lượng vắc xin trước khi cung cấp cho các đơn vị. Vắc xin Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận đã được công ty kiểm tra và xác nhận đạt chất lượng kiểm định, đưa vào sử dụng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc sử dụng, bảo quản vắc xin theo hướng dẫn của Cục Thú y và văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm như: Văn bản số 1386/TY-DT, ngày 9-6-2012 của Cục Thú y về việc hướng dẫn sử dụng vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, hướng dẫn sử dụng, bảo quản vắc xin H5N1 trong các kế hoạch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm; các văn bản về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm; hướng dẫn phòng chống các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.

Về tăng cường công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật, kế hoạch tiêm phòng cúm gia cầm, lở mồm long móng, dại chó… Ngoài ra, chi cục còn chỉ đạo hệ thống trạm huyện, xã tiêm phòng bổ sung hàng tháng để bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn, nhằm chủ động tạo miễn dịch khép kín và miễn dịch quần thể trên địa bàn. Qua đó, luôn chủ động nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh động vật.
Trong năm qua, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, nhìn chung đã được khống chế, dịch xảy ra cục bộ ở một vài hộ. Riêng huyện Kế Sách, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm, trong đó xã Đại Hải đã xảy ra 3 ổ dịch và những hộ này không có tiêm phòng cúm gia cầm hoặc không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định (như dịch tả, gumboro…), do đó phát sinh ổ dịch. Thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9-1-2017 của Chính phủ và Quyết định số 1503/QĐ-UBND, ngày 26-6-2017 của UBND tỉnh, những hộ không tiêm phòng đầy đủ và chăn nuôi không phù hợp với quy hoạch hoặc không khai báo với chính quyền địa phương thì khi dịch bệnh xảy ra sẽ không được hỗ trợ khi gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm buộc phải tiêu hủy.

Cử tri đề nghị cần có giải pháp phát triển đàn bò sữa, bò thịt đến năm 2020 theo chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Để phát triển đàn bò (sữa, thịt), tỉnh đã phê duyệt 2 dự án và ngành nông nghiệp đang triển khai là Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 - 2020; Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Ngoài ra, Tổ chức Heifer Việt Nam hỗ trợ kinh phí (20 tỉ đồng) để triển khai Dự án Phát triển bò sữa tại tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2014 - 2019. Qua triển khai đạt được kết quả như sau: Cuối năm 2013, đàn bò của tỉnh có 24.665 con, trong đó bò sữa là 4.700 con. Đến cuối tháng 6-2017, tổng đàn bò của tỉnh là 45.717 con, trong đó bò sữa 10.001 con, tăng 1,85 lần so với năm 2013, tương đương 21.052 con (bò sữa tăng 5.301 con). Chuyển một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả, tận dụng các bờ ao, mương vườn để trồng cỏ, bắp... phục vụ chăn nuôi, đến nay đã triển khai được 996,17ha, gấp 9,5 lần so với năm 2013.

Sản lượng sữa hiện nay trên 30 tấn/ngày (năm 2013, chỉ có 16 tấn/ngày). Đào tạo nâng cao tay nghề cho 55 kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo. Tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa được 131 lớp có 2.900 lượt người dự. Xây dựng 1 mô hình chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu tại ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú); 17 mô hình trồng cỏ; 53 mô hình ủ phân; 27 mô hình ủ rơm; 20 mô hình ủ chua làm thức ăn cho bò. Hỗ trợ vắc xin 42.500 liều (lở mồm long móng + tụ huyết trùng) để tiêm phòng cho đàn bò sữa... Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, đến năm 2020 là 117.800 con (bò sữa 17.800 con và bò thịt 100.000 con), ngành tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là rà soát, bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của hộ chăn nuôi về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Hai là tiếp tục phát triển tổng đàn và nâng cao chất lượng con giống, nhất là đàn bò sữa của tỉnh, trong đó, hỗ trợ tinh bò để cải tạo chất lượng con giống và nâng cao năng suất sản xuất thịt, sữa.

Ba là tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển tổng đàn; tập trung việc đào tạo nâng cao tay nghề cho các kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo và chăn nuôi thú y; đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho các hộ chăn nuôi.

Bốn là có kế hoạch phát triển diện tích trồng thức ăn chăn nuôi (cỏ, bắp...) một cách hợp lý và khai thác tối đa diện tích vườn tạp kém hiệu quả. Tận dụng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, như: sử dụng rơm, thân bắp, đọt mía... nhằm giảm chi phí đầu vào.

Năm là tăng cường quản lý tốt và phòng chống dịch bệnh trên đàn bò, thông qua việc hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng, giám sát đàn bò nhập vào tỉnh.

Sáu là áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đầu tư cơ giới hóa... nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, công lao động, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Bảy là tổ chức quản lý sản xuất, củng cố và thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và xây dựng chuỗi giá trị thịt, sữa góp phần sản xuất bền vững.

Tám là khuyến khích và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi để được hỗ trợ ưu đãi theo quy định (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn; Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, ngày 4-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn...).

Với những giải pháp chính nêu trên, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan cùng với bà con chăn nuôi tích cực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển đàn bò của tỉnh đạt năng suất và chất lượng, đặc biệt phát triển đàn bò sữa.

Cử tri kiến nghị về việc xây dựng, phát triển kinh tế hợp tác.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Để xây dựng, phát triển kinh tế hợp tác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3039/QĐ-UBND, ngày 31-12-2015. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với liên minh hợp tác xã (HTX) các địa phương chỉ đạo chuyển đổi 54 HTX, đăng ký lại 1 HTX, thành lập mới 36 HTX, giải thể 26 HTX. Đến nay, công tác chỉ đạo HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã hoàn thành đúng quy định. Đến ngày 30-6-2017, trên địa bàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX, 100 HTX/7.311 thành viên (78 HTX nông nghiệp, 22 HTX thủy sản), chiếm 77,5% tổng số HTX toàn tỉnh (129 HTX); có 1.347 tổ hợp tác (THT), với hơn 29.300 thành viên tham gia, chiếm 51,5% tổng số THT toàn tỉnh (2.613 THT).

Đánh giá phân loại HTX năm 2016: loại tốt 16,47%; loại khá 31,76%; trung bình 30,59%; còn lại số HTX yếu kém chiếm tỷ lệ 12,94%. Điều đáng phấn khởi năm 2016, có 2 HTX được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét chọn là HTX nông nghiệp tiêu biểu xuất sắc được vinh danh đó là HTX Nông nghiệp Evergrowth, xã Tài Văn (Trần Đề) và HTX Nông nghiệp 14-10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên). Kết quả phân loại THT 2016: loại tốt là 358 THT, chiếm tỷ lệ 34,56%; loại khá là 367 THT, chiếm tỷ lệ 35,42%; loại trung bình là 252 THT, chiếm tỷ lệ 24,32%; loại yếu 59 THT, chiếm tỷ lệ 5,69%.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, như: chính sách bồi dưỡng, đào tạo; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các HTX, THT; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX; xúc tiến thương mại. Tranh thủ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho các HTX, THT hoạt động ngày càng có hiệu quả, như: Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat)… Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn tỉnh. Có 15 HTX được chọn tham gia mô hình này.

Nhìn chung, công tác phát triển kinh tế hợp tác thời gian qua đi đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp trong tình hình mới. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như: trình độ, năng lực quản lý và điều hành chưa đồng đều; vốn sản xuất kinh doanh của HTX, THT còn nhiều khó khăn; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của HTX và THT còn thiếu; việc liên kết bao tiêu sản phẩm giữa HTX, THT với doanh nghiệp chưa được tốt.

Về mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác giai đoạn 2017 - 2020: Số lượng HTX tăng bình quân khoảng 5 - 10 HTX/năm. Đến năm 2020, phấn đấu không còn HTX, THT yếu kém; nâng tỷ lệ HTX, THT khá tốt trên 90%, đảm bảo đội ngũ cán bộ đủ sức quản lý, điều hành hoạt động HTX, THT; 100% xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020). Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn cho toàn thể cán bộ và nhân dân hiểu rõ; tiếp tục nâng cao chất lượng và phát triển về số lượng các mô hình hợp tác và hình thức liên kết hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hệ thống các HTX, THT liên kết với doanh nghiệp trong dịch vụ cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; năng lực cán bộ HTX, THT được nâng cao, trong đó 100% cán bộ HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn.

Cử tri cũng quan tâm về kết quả thực hiện liên kết “4 nhà” trong thời gian qua và giải pháp tiếp theo; kết quả thực hiện Đề án “Cây ăn trái”.

Đồng chí Lương Minh Quyết trả lời: Về vấn đề liên kết 4 nhà: Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 17-3-2015 về phát triển cánh đồng lớn trong sản xuất lúa giai đoạn 2014 - 2025; tỉnh đã phê duyệt phương án cánh đồng lớn bao tiêu sản phẩm trên địa bàn cho 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín, Công ty Lương thực Sóc Trăng, Công ty TNHH Trung An Cần Thơ). Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn gặp gỡ và ký kết hợp đồng giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức học tập kinh nghiệm những mô hình, cách làm hay để vận dụng. 

Cụ thể, vụ Đông - Xuân năm 2016 - 2017, có trên 50 doanh nghiệp, đại lý thu mua tham gia liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ (có 8 hợp tác xã và 189 tổ hợp tác có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp), với diện tích 11.886ha/28.575ha (chiếm 41,59% diện tích cánh đồng lớn). Điển hình có một số hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai thực hiện liên kết có hiệu quả, như: Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Lộc Thành ở xã Mỹ Bình (TX. Ngã Năm); Hợp tác xã Mỹ Đức ở xã Mỹ Hương (Mỹ Tú); Hợp tác xã Tín Phát ở xã Kế Thành (Kế Sách); Tổ hợp tác Nông nghiệp Phú Tân thị trấn Phú Lộc… Thủy sản có 11 hợp tác xã, tổ hợp tác với  diện tích 337ha đã ký liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các công ty, gồm Công ty Thủy sản sạch, Công ty Fimex, Công ty Stapimex... thu mua với giá cao hơn từ 10% đến 15% nếu không nuôi theo quy trình áp dụng các tiêu chuẩn: VietGAP (do Công ty Vinacert Cần Thơ chứng nhận), ASC (do Tổ chức Control Union chứng nhận)... Ngoài ra, có một số đơn vị thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm, như: Nhà máy đường Sóc Trăng, Hậu Giang, Hợp tác xã bò sữa Evergrowth...

Kết quả thực hiện: Xây dựng cánh đồng lớn gắn kết với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã từng bước xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa, sản lượng đồng nhất, phẩm chất tốt, cung ứng cho chế biến và xuất khẩu, góp phần tăng năng suất, thu nhập cho nông dân. Áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm…). Nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa; xây dựng thương hiệu gạo cho tỉnh và doanh nghiệp. Tạo động lực để phát triển và thúc đẩy việc nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng tập thể của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Làm tốt khâu cơ giới hóa, nhất là khâu làm đất, thu hoạch đạt trên 95%; sử dụng máy cấy lúa để tiết kiệm giống, giảm giá thành.

Hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng thì còn mới đối với nông dân nên còn nhiều khó khăn. Nông dân thường bán lúa tươi tại ruộng và doanh nghiệp không đủ nhân lực thu mua tại ruộng. Từ đó, đôi lúc chưa thống nhất phương án thực hiện hợp đồng liên kết tốt nhất. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở hạ tầng một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng tiêu chí cánh đồng lớn (giao thông, thủy lợi…) để vận chuyển hàng hóa, đưa phương tiện máy móc phục vụ cho sản xuất trên từng khu vực; số lượng doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm trong thực hiện cánh đồng lớn còn ít; một số điều khoản của hợp đồng đơn giản, chưa mang tính ràng buộc pháp lý cao. Do vậy, khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra, các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong giải quyết, xử lý.

Trong thời gian tới, theo kế hoạch của các địa phương năm 2017, diện tích cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu tập trung thực hiện khoảng 30.000ha, tăng khoảng 3.000ha so với năm 2016, các đối tượng chính tham gia liên kết là các hợp tác xã, tổ hợp tác đã thực hiện liên kết từ năm 2016. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tiếp tục phối hợp địa phương, đơn vị có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gắn kết với hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc tiêu thụ sản phẩm. Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác chỉ đạo sản xuất ở cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất, chủ động hướng dẫn, giải quyết tranh chấp trong việc thực hiện hợp đồng liên kết.

Về kết quả thực hiện Đề án “Cây ăn trái”: Năm 2016, UBND tỉnh có Công văn số 4771/VP-KT, ngày 23-11-2016 giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) phối hợp với các viện, trường lập quy hoạch dự án cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Cuối năm 2016, Sở NN - PTNT đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam làm đơn vị tư vấn xây dựng Dự án “Quy hoạch phát triển diện tích cây ăn quả đặc sản của tỉnh”. Hai bên đã ký bản ghi nhớ, dự kiến đến cuối tháng 5-2017 hoàn thành dự án, trình phê duyệt; nhưng việc triển khai chậm, Sở NN - PTNT đã có công văn gửi Viện Cây ăn quả miền Nam đề nghị ngưng thực hiện.

Ngày 22-5-2017, UBND tỉnh có Công văn số 887/UBND-KT về việc lập “Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng”, Sở NN - PTNT đã làm việc với Trường Đại học Cần Thơ đề nghị tư vấn lập dự án này. Hiện cán bộ Trường Đại học Cần Thơ đã khảo sát và thu thập số liệu một số vùng trồng cây ăn trái tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngành nông nghiệp phối hợp với đơn vị tư vấn cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thông qua các sở, ngành, địa phương để lấy ý kiến góp ý, trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

* Cử tri huyện Châu Thành đề nghị có chính sách kích cầu, hỗ trợ các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và phát triển chăn nuôi bền vững.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng trả lời: Hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện nhiều chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành một số chính sách, như: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn; Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, ngày 4-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... Đối với tỉnh Sóc Trăng, để kích cầu, hỗ trợ các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và phát triển chăn nuôi bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND, ngày 19-1-2017 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2017 - 2020, để thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, ngày 4-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh (Công văn số 643/SNN-KHTC, ngày 20-4-2017 và Kế hoạch số 31/KH-SNN, ngày 20-4-2017), đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2017 và cả giai đoạn 2017 - 2020. Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí, ngành sẽ phối hợp với Sở Tài chính, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai.

* Cử tri huyện Long Phú đề nghị có chính sách hỗ trợ người nuôi heo bị thua lỗ trong thời gian qua.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Vân cho biết: Hiện nay, ngành đang triển khai các chính sách của Trung ương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 của Chính phủ; Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, ngày 4-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 3091/NHNN-TD, ngày 24-4-2017 của Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi heo...
Tuy nhiên, để giúp bà con chăn nuôi, các hộ gia đình, các tổ chức vượt qua khó khăn (như đợt giá heo bị giảm trong thời gian qua), ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 793/UBND-KT, ngày 9-5-2017 về việc triển khai các biện pháp nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi trên địa bàn; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho đàn giống tại Trung tâm Giống vật nuôi và Hội Chăn nuôi (Công văn số 1056/UBND-KT, ngày 13-6-2017).

* Cử tri TX. Vĩnh Châu đề nghị tăng cường lý chất lượng con giống và thuốc nuôi trồng thủy sản.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Vân trả lời: Về quản lý chất lượng con giống, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, chỉ có cơ sở ương dưỡng. Tôm giống nhập vào tỉnh chủ yếu từ các tỉnh miền Trung và Bạc Liêu, Cà Mau. Theo quy định, tôm giống trước khi xuất bán phải được kiểm dịch của cơ quan thú y tại địa phương có cơ sở sản xuất. Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng con giống, ngành nông nghiệp đang thực hiện một số giải pháp quản lý sau: Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tuần tra kiểm soát các phương tiện vận chuyển tôm giống nhập vào tỉnh, xử phạt các trường hợp vận chuyển tôm giống không có giấy kiểm dịch, tôm không đạt chất lượng. Liên kết với các tỉnh có nhập tôm giống vào Sóc Trăng (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu...) để phối hợp quản lý giống, chia sẻ thông tin giống nhập vào tỉnh, các phương tiện vận chuyển tôm giống vi phạm. Hàng năm, ngành nông nghiệp có chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm giống tại các cơ sở ương dưỡng trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hàng tuần, lấy mẫu ngẫu nhiên tại các trại giống (30 mẫu/tháng) để xét nghiệm các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu...

Về quản lý thuốc nuôi trồng trong thủy sản: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 380 cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản (trong đó TX. Vĩnh Châu có khoảng 125 cơ sở). Các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh đều đã được kiểm tra và cấp chứng chỉ hành nghề, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đảm bảo chất lượng thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật dùng trong thú y thủy sản (theo Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT, ngày 2-6-2016). Để kiểm soát chất lượng thuốc thú y thủy sản lưu thông trên thị trường, ngành nông nghiệp cử cán bộ phối hợp cùng đoàn thanh tra phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp.
Trong thời gian tới, nhằm quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Kiểm tra người đứng bán thuốc thú y thủy sản phải có bằng cấp chuyên môn đúng quy định. Định kỳ lấy mẫu để kiểm tra hàm lượng thuốc, thức ăn có ghi đúng theo bao bì nhãn mác hàng hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản, các hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh nắm được danh mục thuốc thú y thủy sản được phép lưu hành và danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản (theo Thông tư số 10/TT-BNNPTNT) nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho nguyên liệu thủy sản thông qua áp phích tuyên truyền, phát tờ rơi đến các cơ sở.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về thuốc thú y thủy sản, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực hành nghề kinh doanh. Mặt khác, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 cùng đoàn thanh tra phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp thực hiện kiểm tra, kiên quyết xử lý các mặt hàng ngoài danh mục, hàng giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.

* Cử tri huyện Mỹ Xuyên đề nghị đầu tư cơ sở hạ tầng khép kín xây dựng cánh đồng mẫu các xã Tham Đôn, Thạnh Phú và Thạnh Quới; tổ chức liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Vân trả lời: Ngành nông nghiệp và địa phương rất quan tâm đến đầu tư hạ tầng cho các cánh đồng mẫu để giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất. Hàng năm, bằng các nguồn vốn: cấp bù thủy lợi phí; vốn phòng chống hạn, mặn; vốn hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ; vốn xây dựng nông thôn mới... tập trung, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho các cánh đồng mẫu. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư hạ tầng các cánh đồng mẫu rất lớn, trong khi nguồn vốn còn hạn chế, nên trước mắt chỉ tập trung đầu tư các công trình bức xúc để phục vụ sản xuất và khép kín dần các cánh đồng mẫu.

* Cử tri huyện Mỹ Tú đề nghị đầu tư dự án vùng trũng khu vực giáp 2 xã Mỹ Tú, Mỹ Thuận; đồng thời, tăng cường quản lý và vận hành các cống trên địa bàn, đặc biệt là cống Cái Trầu nhằm đảm bảo lịch thời vụ.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Vân trả lời: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn vùng trũng 4 huyện (TX. Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú và một phần huyện Châu Thành) đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011. Năm 2012, tách phần dự án thuộc TX. Ngã Năm để triển khai trước và đã đưa phần dự án thuộc huyện Thạnh Trị vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 18-4-2017, UBND tỉnh đã có Công văn số 655/UBND-XD gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt đề xuất dự án Xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng liên huyện Mỹ Tú - Châu Thành - Thạnh Trị, với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA, nếu được chấp thuận và ghi vốn, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định và triển khai ngay.

Cống Cái Trầu phục vụ cho địa bàn huyện Thạnh Trị và xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú). Thời gian qua, khi lấy nước tưới cho địa bàn huyện Thạnh Trị thì vùng màu của xã Mỹ Thuận bị úng cục bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, địa phương khảo sát để có giải pháp vận hành hiệu quả cống Cái Trầu. Trước mắt, khi vận hành đóng, mở cống sẽ thông báo lịch trình cụ thể cho Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận qua điện thoại hoặc bằng văn bản trước 2 - 3 ngày để kịp thời thông báo cho các hộ dân chủ động chuẩn bị bờ bao, nguồn nước phục vụ sản xuất.

* Cử tri các huyện: Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tú, Trần Đề và Mỹ Xuyên đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho sản xuất của nông dân.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Vân trả lời: Trên địa bàn tỉnh, hiện có 2 công ty sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác và 747 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác thanh tra chuyên ngành và triển khai thực hiện. Sở giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ, phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật, tập trung thanh tra, kiểm tra các vùng trọng tâm, trọng điểm để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời những hành vi, vi phạm pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đoàn tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông thị trường (kế hoạch năm 2017 lấy 65 mẫu phân bón hữu cơ, phân bón khác, 30 mẫu thuốc bảo vệ thực vật kiểm tra chất lượng).

Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ, phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật cho các cơ sở. Hàng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật mở lớp tập huấn các văn bản pháp luật chuyên ngành mới cho tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ và phân bón khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành cũng đã phối hợp các sở, ngành hữu quan thanh tra, kiểm tra chống buôn bán, gian lận thương mại và hàng giả.

Công tác thanh tra, kiểm tra lấy mẫu phân bón hữu cơ, phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật kiểm tra chất lượng tính đến thời điểm hiện nay: số lượt thanh tra, kiểm tra là 38 lượt, số cơ sở đã kiểm tra là 125 cơ sở. Về công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng: số lượng mẫu phân bón hữu cơ, phân bón khác là 25 mẫu (12/25 mẫu đạt); số lượng mẫu thuốc bảo vệ thực vật là 15 mẫu (6/7 mẫu đạt, 8 mẫu gửi kiểm tra đang chờ kết quả). Số cơ sở vi phạm hành chính là 31 cơ sở, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 192.663.500 đồng.

Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón khác và lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón khác lưu thông thị trường. Cụ thể, thanh tra, kiểm tra chống buôn bán, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm tra, giám sát quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón khác, giống cây trồng, kiểm tra tờ rơi, poster, tài liệu bướm, thông tin tuyên truyền của các công ty thực hiện trên địa bàn tỉnh.

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: