• Pháp luật - Bạn đọc

Hiệu quả giáo dục pháp luật từ các phiên tòa xét xử lưu động

13/07/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 13/07/2017 | 06:00

STO - Công tác xét xử lưu động là hoạt động tuyên truyền pháp luật mang tính đặc thù của ngành tòa án, thông qua một hành vi phạm tội cụ thể nhằm trấn áp, răn đe tội phạm. Quan trọng hơn, đằng sau các phiên tòa đó còn là những bài học về ý thức trách nhiệm và giá trị cuộc sống trong mỗi con người.

Phần lớn các phiên tòa xét xử lưu động, người dân tham dự khá đông. Đó không chỉ là người thân của gia đình bị hại, bị cáo mà còn có những người hàng xóm, người dân địa phương và người đi đường hiếu kỳ. Họ đến dự khán với nhiều mục đích khác nhau và có người chẳng vì lý do gì nhưng khi nghe hội đồng xét xử mô tả lại hành vi của kẻ tội phạm, phân tích đánh giá, xác nhận hành vi phạm tội thì lại cảm thấy “thấm”. 

Phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn huyện Kế Sách.

Cách đây không lâu, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử lưu động tại Nhà văn hóa phường Vĩnh Phước (TX. Vĩnh Châu) để xét xử công khai đối với bị cáo Đào Phước, sinh năm 2000, ngụ khóm Sở Tại A, phường Vĩnh Phước về tội giết người mà nạn nhân chính là cha ruột của bị cáo.

Nguyên nhân dẫn đến án mạng, chỉ vì người cha đến chỗ nhậu kêu con về và trên đường đi có la rầy. Tức giận, người con đã dùng dao thẳng tay tước đi sinh mạng của đấng sinh thành khiến người nghe bất bình. Khi kiểm sát viên thông qua cáo trạng, người dự khán đã vội kết tội: “Trời ơi, con gì mà dám giết cha cần phải tử hình ngay…”.

Đặc biệt, khi phiên tòa xét xử đã kết thúc mà hai người đàn ông (một già, một trung niên) vẫn ngồi đăm chiêu, chẳng ai nói cùng ai lời nào. Sau một hồi lâu, ông cụ mới cất tiếng: “Lúc chú đã lấy vợ nhưng mỗi khi làm sai, ông già tía vẫn bắt nằm cúi đánh đòn, nhẹ thì khoanh tay quỳ gối. Vậy mà chưa bao giờ chú có ý trách hờn hay oán giận. Bởi chú biết, cha mẹ la rầy, đánh đập chỉ muốn tốt cho con và chú đã áp dụng phương pháp nghiêm khắc ấy để dạy bảo con cái mình nên người…”.

Nói chưa dứt lời, người đàn ông trung niên đã xen vào: “Chú Tư ơi, bọn trẻ ngày nay dễ bị tiêm nhiễm các thói hư, tật xấu; cha mẹ dùng phương pháp đòn roi càng khiến con manh động hơn, có thể làm những điều dại dột để lại hậu quả khó lường như chuyện nghịch tử giết cha hôm nay. Con nghĩ, cha mẹ ngày nay cần có phương pháp dạy con thích hợp hơn”.

Còn phiên tòa xét xử lưu động tại UBND thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) để xét xử công khai đối với bị cáo La Hữu Nghĩa, sinh năm 1997, ngụ ấp An Bình, thị trấn An Lạc Thôn về tội giết người và cố ý gây thương tích. Khi biết được bị cáo có hành động dã man, dùng dao tước đi sinh mạng của một cô gái mới quen; chỉ vì cô gái thẳng thắn từ chối việc mời uống bia của bị cáo.

Một người phụ nữ ngồi dự khán đã khóc nức nở. Cứ tưởng đây là người thân của gia đình bị hại, đau đớn về cái chết của nạn nhân hay người thân của gia đình bị cáo, xót thương cho những năm tháng tù giam khổ cực. Nhưng khi hỏi ra thì hoàn toàn không phải, chị đến đây chỉ để xem cho biết phiên tòa xét xử lưu động.

Chị khóc bởi thấy “sợ”, vì chị đang có 2 đứa con (một trai, một gái) cũng độ chừng như bị cáo. Xưa nay, gia đình chị tập trung làm kinh tế để lo cái ăn, cái mặc nên ít để mắt đến con cái. Nghe tòa xét hỏi chuyện người, càng thấy được trách nhiệm bản thân. Chị không biết con mình có kết giao với bạn bè xấu: “Lỡ tụi nó bị lôi kéo làm chuyện gì phạm tội chắc tôi chết mất. Ngược lại, liệu con gái tôi có gặp phải tên côn đồ kiểu này…”.

Việc chị lo lắng cũng hoàn toàn hợp lý, vì tình hình phạm tội trong giới thanh thiếu niên hiện đang báo động và tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm. Chính vì thế, ở mỗi phiên tòa xét xử, kiểm sát viên thực hiện quyền công tố hay nhấn mạnh về tính chất, hành vi phạm tội và nhắc nhở người dân tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. 

Qua thực tế, công tác xét xử lưu động đã mang lại hiệu quả cao trong thực hiện tuyên truyền pháp luật. Vì vụ việc phạm tội cụ thể đã xảy ra tại địa phương được đưa về xét xử để mọi người tham dự có thể vừa nghe, vừa xác nhận lại vụ án. Đồng thời, từ việc nhận xét, đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của người thực hiện được xác định khách quan giúp việc xét xử “hợp tình, hợp lý”. Đây cũng chính là hoạt động tuyên truyền làm cho người nghe cảm thấy dễ hiểu hơn. Từ đó, tạo được sự đồng thuận cao và kịp thời răn đe, trấn áp tội phạm trong nhân dân. 

S.M

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: