• Pháp luật - Bạn đọc

Kiên quyết cưỡng chế trường hợp chống đối trong thi hành án dân sự

04/04/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: V.Đ
  • Thứ Tư, 04/04/2018 | 13:00

STO - Một thời gian dài, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể luôn động viên, thuyết phục, nhưng bà Dương Thị Thê, ngụ Khóm 1, Phường 9 (TP. Sóc Trăng) vẫn cương quyết không giao trả tài sản trong thi hành án. Bởi bà cho rằng, tòa án đã tuyên không đúng thì cơ quan thi hành án dân sự (THADS) không có quyền buộc bà phải thi hành.

Lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, đơn vị động viên gia đình bà Thê tự nguyện thi hành án.

Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2014/DS-ST, ngày 27-5-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh tuyên xử buộc bà Thê và những người có nghĩa vụ liên quan giao trả căn nhà (1 trệt, 2 lầu), đất ở (106,47m2) ở số 18 đường Đồng Khởi, Khóm 1, Phường 9 (TP. Sóc Trăng) cho bà Dương Kim Nga. Đồng thời, bà Nga có trách nhiệm thanh toán cho bà Thê và những người có nghĩa vụ liên quan chi phí sửa chữa, công trông coi, quản lý, gìn giữ di sản là 290.023.198 đồng (tương đương 10% giá trị nhà, đất).

Theo bà Nga, tài sản trên là của cha (cụ Dương Thành Ngọc) và mẹ (cụ Lý Thị Liễu) của bà tạo lập lúc sinh thời. Năm 1971, cụ Liễu mất không có để lại di chúc. Năm 1986, cụ Ngọc sống chung như vợ chồng với cụ Nguyễn Thị Lan tại căn nhà số 18 (không có con chung, cụ Lan cũng không có con riêng). Ngày 9-7-1992, cụ Ngọc mất nên cụ Lan về Bạc Liêu sống với người cháu. Ngày 9-11-1992, cụ Lan có làm ủy quyền giao cho bà Dương Thị Nhi thay mặt cụ lo thủ tục tu sửa căn nhà số 18 để làm phủ thờ của dòng họ Dương và giao cụ Dương Ngọc Châu (cha bà Thê) cai quản.

Tiếp đó, cụ Lan giao các giấy tờ liên quan nhà, đất trên cho bà Nhi cất giữ. Năm 1993, bà Nhi nhờ chị ruột của bà Thê đến ở và trông coi, chờ bà Nga về Việt Nam thì giao trả. Đến tháng 6-2008, bà Nga về nước thì bà Thê không giao trả mà còn xua đuổi. Sau đó, gia tộc họ Dương tổ chức họp và kết luận, bà Thê phải giao trả căn nhà số 18 cho bà Nga. Lúc đầu, bà Thê viết giấy tay đồng ý; sau đó, lại không thực hiện giao trả.

Còn phía bà Thê khẳng định, mình là cháu ruột gọi cụ Ngọc bằng chú. Khi cụ Ngọc qua đời, bà Thê dọn về sống chung để tiện chăm sóc cụ Lan. Năm 2001, cụ Lan tự nguyện làm giấy tặng cho toàn bộ nhà, đất trên cho bà Thê nên bà không đồng ý giao trả. Đồng thời, yêu cầu tòa án giải quyết ổn định cho bà Thê phần nhà, đất số 18; vì ngoài nơi này ra, bà không còn chỗ ở khác.

Nhưng tòa án nhận định, trong các loại giấy tờ mà cụ Lan gửi cho bà Nhi, có giấy ủy quyền của cụ Lan. Qua nội dung thể hiện, khi còn sống, cụ Lan không có ý định đứng tên quyền sử dụng nhà, đất ở và cũng không có ý định tặng cho người khác. Cụ Lan chỉ giao bà Nhi lo thủ tục tu sửa để làm phủ thờ dòng họ cụ Ngọc. Từ ngày về sống với người cháu ở Bạc Liêu đến khi mất, cụ Lan không có đến Sóc Trăng làm thủ tục hợp thức quyền sở hữu nhà và đất ở, trong khi cụ Lan chết ngày 7-9-2001 nhưng hồ sơ xin hợp thức hóa UBND xác nhận ngày 1-4-2002 (tức là một người mất 6 tháng 27 ngày vẫn đến UBND phường trình đơn cớ mất giấy tờ và thực hiện hợp thức hóa giấy tờ, rồi tặng cho bà Thê) là giả mạo, không có căn cứ. Do đó, việc UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho cụ Lan là không đúng pháp luật. Cũng từ đó, bà Thê cho rằng nhà, đất ở số 18 được cụ Lan tặng cho hợp pháp là không được chấp nhận. 

Không đồng ý với toàn bộ phán quyết cấp sơ thẩm nên phía bà Thê đã làm đơn kháng cáo nhưng không được cấp phúc thẩm chấp nhận (giữ nguyên bản án sơ thẩm). Khi bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có hiệu lực, bà Thê vẫn không đồng ý giao trả nhà, đất ở số 18 và khư khư cho rằng mình đã được cụ Lan cho tặng hợp pháp. Nhiều lần, cơ quan THADS, các ban ngành, đoàn thể đã động viên, thuyết phục mà bà Thê vẫn không tự nguyện thi hành án. 

Theo lãnh đạo Cục THADS, bà Thê thuộc diện gia đình chính sách. Xét về điều kiện, ngoài tài sản trên bà Thê và con gái vẫn còn phần đất khoảng 12.000m2 tại ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng (Mỹ Tú) cùng số tiền trên 267 triệu đồng được đơn vị THADS chuyển vào ngân hàng (số tiền theo nội dung bản án). Do đó, khi giao tài sản, bà Thê vẫn đủ điều kiện tạo lập được chỗ ở mới. Tuy nhiên, ngày 27-3-2018, trong buổi đối thoại với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể các cấp, bà Thê khẳng định: “Tôi sẽ không giao trả nhà, đất ở số 18, vì bà Nga không có quyền đòi. Đây là tài sản của thím tôi mất tặng cho tôi, cơ quan THADS cũng không có quyền buộc tôi phải giao tài sản…”.

Được biết, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo THADS tỉnh vào ngày 19-3 vừa qua, sau khi xem xét và thảo luận thấu đáo, bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuy đối tượng thi hành án là gia đình chính sách nhưng mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật, hơn nữa các đối tượng thi hành đều có điều kiện sống khá tốt sau khi thi hành án. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh đã chỉ đạo là sẽ kiên quyết cưỡng chế đúng quy định đối với các trường hợp chống đối, không tự nguyện thi hành án. Trường hợp của bà Thê sắp tới đây, lãnh đạo cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh sẽ có buổi làm việc để tiếp tục động viên, thuyết phục đối với gia đình bà Thê. Mong rằng, vụ việc sẽ được giải quyết dứt điểm, êm đẹp, đúng quy định pháp luật.

V.Đ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: