• Pháp luật - Bạn đọc

Long Phú: Xử lý tốt hiện tượng biến tướng game bắn cá

17/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 17/08/2017 | 06:00

Từ một trò chơi giải trí, thời gian qua, game (trò chơi điện tử) bắn cá đã bị nhiều người lợi dụng và nó biến tướng thành một trò bạc trá hình. Hiện tượng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn trong huyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Biết - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Long Phú chia sẻ: “Tuy kinh doanh dịch vụ giải trí game bắn cá không vi phạm pháp luật nhưng đa phần đều biến tướng thành hiện tượng đánh bạc trá hình. Vì vậy, ngay từ khi loại hình này xuất hiện tại huyện, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương trong huyện theo dõi sát sao và tìm giải pháp đấu tranh với hiện tượng này”.

Quán nước của gia đình chị Lê Ngọc Diễm - nơi từng được thuê đặt máy game bắn cá.

Game bắn cá bắt đầu xuất hiện tại Long Phú vào khoảng năm 2015. Mới đầu chỉ có 5 điểm tại thị trấn Long Phú và xã Tân Hưng, đến đầu năm 2017, có 13 điểm kinh doanh loại hình dịch vụ giải trí này với 22 máy hoạt động. Phần lớn các điểm kinh doanh dịch vụ game bắn cá có chủ kinh doanh không phải người địa phương. Khi Đội Kiểm tra liên ngành 814 huyện tiến hành kiểm tra theo quy định, đa phần chủ kinh doanh đều xuất trình đủ thủ tục. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện ra quy định ràng buộc về thời gian, nội quy thì các điểm cũng tuân thủ. Tuy nhiên, nếu nói loại hình này chỉ là kinh doanh dịch vụ giải trí bình thường thì rất khó thuyết phục do khoản đầu tư ban đầu, chi phí hoạt động quá cao. Bình thường người đến chơi chỉ mua thẻ, nhưng giá trị quy đổi lại được thỏa thuận riêng giữa chủ máy và người chơi. Địa điểm đặt máy và địa điểm tiến hành quy đổi giá trị của thẻ được họ tổ chức 2 nơi khác nhau, vì vậy rất khó bắt quả tang.

Từ những nhận định trên, cho thấy đấu tranh với sự biến tướng của game bắn cá là rất khó khăn. Tuy vậy, từ cuối tháng 3-2017, toàn huyện Long Phú chỉ còn 7 điểm kinh doanh dịch vụ game bắn cá hoạt động với 10 máy, giữa tháng 4-2017 còn 4 điểm hoạt động với 5 máy. Đến tháng 5, không còn điểm nào hoạt động và hiện nay chưa phát sinh điểm kinh doanh dịch vụ game bắn cá nào.

Đồng chí Hồ Quốc Hùng - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành 814 huyện chia sẻ: “Long Phú làm được như vậy, trước hết phải nói đến sự quyết tâm cao của Huyện ủy, UBND huyện, chỉ đạo quyết liệt của ngành văn hóa kết hợp với Công an huyện. Chúng tôi tiến hành kiểm tra, đi sâu vào từng trường hợp và tìm cách tháo gỡ. Phần lớn các chủ hộ cho thuê nhà đặt máy game bắn cá chưa nhận thấy được tác hại của game bắn cá, chỉ nghĩ đơn giản có người thuê nhà thì cho thuê. Vì vậy, chúng tôi thực hiện biện pháp tuyên truyền là chủ yếu. Nếu tuyên truyền chủ nhà không được, chúng tôi tác động vào ông bà, cha mẹ trong gia đình để họ góp ý với con, cháu của mình. Biện pháp tuyên truyền tác động vào tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm là chủ yếu. Thật ra người dân nông thôn mình rất hiền lành, chân chất, không ai muốn người thân, chòm xóm của mình lại phải lao vào cảnh khó khăn, nợ nần hoặc vi phạm pháp luật”. Chẳng hạn như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp ở xã Tân Hưng, con trai của ông Hiệp mang máy game bắn cá về đặt tại nhà để kinh doanh. Chính quyền địa phương sớm phát hiện và lập tức tuyên truyền, giải thích cho ông Hiệp hiểu rõ về loại hình kinh doanh này. Sau khi nhận rõ tác hại do biến tướng của game bắn cá, ông Hiệp yêu cầu người con phải dẹp bỏ máy game ngay.

Đồng chí Hồ Quốc Hùng cho biết thêm: “Ngoài vận động chủ hộ cho thuê nhà, tùy từng trường hợp mà chúng tôi làm việc trực tiếp với chủ kinh doanh. Có 2 trường hợp chúng tôi làm việc trực tiếp với chủ kinh doanh tại TP. Sóc Trăng. Qua đó, doanh nghiệp cũng chấp hành mang máy về. Đa phần các gia đình cho thuê nhà cũng đảm bảo về kinh tế, nên khi được tuyên truyền, họ đều đồng thuận, không cho thuê nhà để kinh doanh loại hình dịch vụ này nữa”.

Chúng tôi đến nhà chị Lê Ngọc Diễm tại Ấp 4, thị trấn Long Phú - một trong những hộ cho thuê nhà kinh doanh dịch vụ game bắn cá trước đây. Căn nhà khá cũ, hoàn cảnh kinh tế gia đình chị cũng khá khó khăn khi chủ yếu dựa vào quán nước nhỏ trước nhà. Cô Liêu Ngọc Hạnh - mẹ chị Diễm bộc bạch: “Mình cho thuê nhà chỉ biết họ kinh doanh game vậy thôi chứ không biết đó là hình thức đánh bạc trá hình. Khi được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tuyên truyền, tôi báo với chủ máy dọn máy đi ngay. Tiền nhà tháng đó tôi cũng không nhận luôn, xem như tạo điều kiện để họ vận chuyển máy. Dĩ nhiên khi nghỉ cho thuê nhà như vậy thì gia đình cũng mất một khoản thu nhập hàng tháng. Phòng Văn hóa - Thông tin cũng cố gắng tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục để gia đình chuyển sang kinh doanh game online, nhưng không đủ điều kiện kinh tế nên chúng tôi không làm”.

Đầu tháng 6-2017, UBND huyện Long Phú đã tặng giấy khen cho 2 tập thể và 8 cá nhân thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin và Công an huyện có thành tích trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Điều này thể hiện sự động viên kịp thời và sự quan tâm của lãnh đạo huyện đối với công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tình hình biến tướng của game bắn cá nói riêng trên địa bàn huyện.

Hy vọng rằng Long Phú sẽ giữ vững kết quả này. Kinh nghiệm đấu tranh với hiện tượng biến tướng của dịch vụ game bắn cá của Long Phú đáng được biểu dương, nhân rộng.

Thuận Lợi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: