• Pháp luật - Bạn đọc

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình góp phần ổn định trật tự xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống

05/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 05/01/2019 | 06:00

STO - Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008 - 2018), đã mang lại nhiều kết quả hết sức thiết thực trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, phải kể đến những chuyển biến rõ nét về nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ các cấp cũng như cả cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Để đánh giá rõ hơn về thực trạng và kết quả mang lại qua 10 năm thực hiện luật này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng.

Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá về thực trạng gia đình cũng như vấn đề BLGĐ của tỉnh?

Đồng chí Phạm Văn Đâu: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua tiếp tục chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, lối sống thực dụng... đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thực trạng gia đình của địa phương.

Về loại hình gia đình, hiện nay trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển gia đình hạt nhân, các gia đình truyền thống có từ ba thế hệ trở lên ngày càng giảm. Việc phát triển loại hình gia đình hạt nhân là một xu hướng tất yếu, phù hợp với sự vận động biến đổi của xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, loại hình gia đình này cũng bộc lộ những yếu kém nhất định. Đó là, nếu quá chạy theo tốc độ phát triển không ngừng nghỉ của khoa học công nghệ mà không có sự phân phối thời gian hợp lý thì sẽ dẫn đến sự xa cách giữa các thành viên trong chính ngôi nhà của mình, lối sống thực dụng có nguy cơ trở thành phổ biến, tình cảm gia đình nhợt nhạt, mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ con cái ngày càng lỏng lẻo. Việc gặp gỡ, thăm hỏi ông bà, cha mẹ, các thành viên trong gia đình, dòng tộc ít được thực hiện. Việc truyền dạy, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà gia đình là cái nôi dần bị quên lãng, xem nhẹ...

Qua kết quả thống kê, giai đoạn 2008 – 2018, toàn tỉnh xảy ra 7.282 vụ BLGĐ, bình quân hàng năm giảm trên 10%, cụ thể: Năm 2009 xảy ra 1.460 vụ; năm 2010 xảy ra 1.174 vụ, năm 2011 xảy ra 1.044 vụ; năm 2012 xảy ra 777 vụ; năm 2013 xảy ra 682 vụ; năm 2014 xảy ra 594 vụ; năm 2015 xảy ra 447 vụ; năm 2016 xảy ra 536 vụ; năm 2017 xảy ra 357 vụ và năm 2018 xảy ra 322 vụ. Sau khi phát hiện các vụ việc BLGĐ, các cơ quan chức năng đã có sự can thiệp kịp thời, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, giúp họ ổn định về mặt tinh thần, an tâm điều trị thương tật. Trong 10 năm qua, đã tư vấn cho 5.791 nạn nhân, giúp 1.382 người tạm lánh tại địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 307 nạn nhân BLGĐ được khám và chăm sóc y tế tại cơ sở khám chữa bệnh.

Phóng viên: Để Luật Phòng, chống BLGĐ mang lại hiệu quả cao nhất phải kể đến việc tuyên truyền, phổ biến, vậy những năm qua công tác này được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Đâu: Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, các cấp, các ngành đã có sự quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền; sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, truyền tải nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Sở VHTTDL đã tổ chức 85 lớp tập huấn với các nội dung có liên quan lĩnh vực phòng, chống BLGĐ cho hơn 8.300 đối tượng là cán bộ các ban ngành, đoàn thể các cấp; cán bộ xã, phường, thị trấn toàn tỉnh. Hàng năm, đẩy mạnh tuyên truyền nhân kỷ niệm ngày lễ: Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11), thông qua các hình thức: pano, áp phích, sáng tác ca khúc, liên hoan, hội thi, tọa đàm, mít-tinh, tủ sách… Cùng với việc tham gia hưởng ứng các hoạt động do tỉnh tổ chức, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống BLGĐ và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Phóng viên: Những kết quả mang lại qua 10 năm thực hiện luật này là gì?

Đồng chí Phạm Văn Đâu: Luật Phòng, chống BLGĐ được triển khai thực hiện đã tác động và làm thay đổi nhận thức đối với cán bộ các cấp và cả cộng đồng. Với quan điểm phòng là chính, UBND các cấp rất quan tâm, sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo dưới hình thức quyết định, chương trình, kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ; có sơ, tổng kết, đánh giá, khen thưởng những nhân tố tích cực có nhiều thành tích trong công tác này trên địa bàn. Ngành VHTTDL tích cực tham mưu cho UBND trong việc thành lập, củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ làm công tác gia đình các cấp. Tổ chức và chỉ đạo tổ chức các hoạt động để luật đi vào đời sống của nhân dân, để mọi tầng lớp được tiếp cận với luật, hiểu và thực hiện đúng theo luật định.

Chính sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể, của đội ngũ làm công tác phòng, chống BLGĐ các cấp, từ tỉnh đến tận khu dân cư, sự đồng thuận tích cực của người dân đã làm giảm đáng kể số vụ bạo lực xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2009 có trên 1.400 vụ thì hiện nay theo báo cáo của các địa phương, năm 2018 cả tỉnh còn 322 vụ. Tình trạng bạo lực giảm đã góp phần làm ổn định trật tự xã hội ở khu dân cư, giảm tệ nạn xã hội (rượu, cờ bạc) các thành viên trong gia đình có sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ những áp lực, khó khăn trong cuộc sống nhiều hơn, mọi người tích cực học tập, làm việc tạo sự ổn định về kinh tế, sự thỏa mãn về tinh thần làm cho hạnh phúc gia đình tăng lên.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra một ít vụ bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy đã được xử lý nghiêm minh theo pháp luật nhưng để lại một cái kết đau lòng hoặc sự tổn thương không dễ phục hồi của những nạn nhân bị chính người thân của mình làm tổn hại; không những thế nó còn là nguyên nhân làm cho đạo đức bị xuống cấp, làm ảnh hưởng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Phóng viên: Vậy đâu là giải pháp để thực hiện tốt hơn luật này trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Đâu: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác phòng, chống BLGĐ. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn báo cáo nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ trong các kỳ họp HĐND các cấp. Đồng thời, kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ các cấp đủ mạnh để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường kiểm tra việc thi hành luật pháp, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ công tác liên quan đến phòng, chống BLGĐ nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các gia đình, các thành viên trong gia đình, thúc đẩy việc thực hiện nghĩa vụ của các gia đình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống BLGĐ. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các gia đình, tạo điều kiện cho các thành viên gia đình hiểu và chia sẻ, quan tâm nhau, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên nền tảng yêu thương, đồng cảm, bình đẳng, tôn trọng và vì sự phát triển của gia đình.

Xuân Hương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: