• Pháp luật - Bạn đọc

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thạnh Trị

Nâng cao chất lượng kiểm sát từ khâu đột phá ở lĩnh vực hình sự

23/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 23/05/2019 | 06:00

STO - Nâng cao chất lượng xét hỏi công khai tại phiên tòa của kiểm sát viên nhằm giải quyết toàn diện vụ án hình sự, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm là giải pháp đột phá mà Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Thạnh Trị đã và đang quyết liệt thực hiện.

Theo đồng chí Trần Minh Tiên - Viện trưởng VKSND huyện Thạnh Trị, tình hình tội phạm ngày càng phức tạp đòi hỏi các cơ quan tư pháp phải tăng cường nhiều giải pháp, nhất là việc nâng cao chất lượng xét xử và thực hiện quyền công tố kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Khi đó, việc xét xử vụ án hình sự phải bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật và làm rõ được các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, áp dụng biện pháp tư pháp. Đồng thời, cũng cần làm rõ quá trình điều tra, truy tố, việc thu thập các tài liệu, chứng cứ có đảm bảo theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hay không. Từ đó, sẽ giải quyết toàn diện vụ án, chống oan, sai, hạn chế bỏ lọt tội phạm, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. 

VKSND huyện Thạnh Trị tăng cường thực hiện tốt các giải pháp đột phá.

Để thực hiện tốt giải pháp đột phá, sau khi ban hành cáo trạng và quyết định truy tố, kiểm sát viên của đơn vị luôn kiểm sát chặt chẽ việc phân công thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án nhằm chủ động phối hợp, trao đổi, đánh giá các thủ tục tố tụng và chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố. Nếu giữa thẩm phán và kiểm sát viên chưa thống nhất quan điểm với nhau về đánh giá chứng cứ cũng như thủ tục tố tụng thì phải kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị để có sự tháo gỡ kịp thời. Kiểm sát viên của đơn vị còn phải chủ động phối hợp với thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong việc xét hỏi bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác. Có thể là trao đổi dự thảo đề cương xét hỏi, nhằm đảm bảo việc xét hỏi đầy đủ, toàn diện, tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Sau mỗi phiên tòa, kiểm sát viên phải chủ động phối hợp với hội đồng xét xử, xem xét, đánh giá những vấn đề còn hạn chế trong xét hỏi để rút kinh nghiệm, nhằm có hướng khắc phục đối với những vụ án tiếp theo. Qua từng vụ án cần có đánh giá rút kinh nghiệm chung và có thể xếp vào các nhóm vụ án, nhóm tội có các bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng khác nhau như: nhóm tội xâm phạm sở hữu; nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; đối với người chưa thành niên phạm tội hoặc có bị hại chưa thành niên; vụ án mà bị cáo chối tội, vụ án bị cáo nhận tội... nhằm có biện pháp xét hỏi cho phù hợp. 

Cũng theo chia sẻ của đồng chí Trần Minh Tiên, để thực hiện tốt công tác xét hỏi đòi hỏi kiểm sát viên của đơn vị phải thực hiện tốt việc xây dựng dự thảo đề cương xét hỏi, bám sát vào nội dung vụ án, những vấn đề cần làm rõ thêm tại phiên tòa. Song song đó, thực hiện tốt công tác kiểm sát việc xét hỏi và đảm bảo việc xét hỏi của hội đồng xét xử, người bào chữa (nếu có) theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng hỏi mớm cung, mớm lời khai, hỏi mang tính gợi ý… Đặc biệt, kiểm sát viên luôn chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ các câu hỏi của hội đồng xét xử, người bào chữa (nếu có) và câu trả lời của những người tham gia tố tụng. Qua đó, nắm bắt kịp thời những nội dung cần hỏi nhằm làm rõ vụ án cũng như tránh sự trùng lắp những câu hỏi mà hội đồng xét xử và người bào chữa đã hỏi. Khi xét hỏi thì phải chú ý xét hỏi đầy đủ các tình tiết buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, trách nhiệm dân sự, làm rõ các vấn đề liên quan đến việc có áp dụng các biện pháp tư pháp hay không…

Sau mỗi phiên tòa, kiểm sát viên còn phải thực hiện tốt khâu kiểm sát biên bản phiên tòa, để xem xét những câu hỏi, câu trả lời và các vấn đề liên quan có được phản ánh đầy đủ trong biên bản phiên tòa hay không? Ngoài ra, phải thực hiện tốt công tác báo cáo lãnh đạo kết quả phiên tòa, nhất là vấn đề xét hỏi tại phiên tòa đã làm rõ được bản chất vụ án hay chưa, bản án đã tuyên có tính thuyết phục hay không… Kiểm sát viên đơn vị phải tham mưu tốt cho lãnh đạo đơn vị việc đánh giá các mặt làm được, chưa được trong công tác xét hỏi. Từ đó, lãnh đạo đơn vị sẽ phối hợp với lãnh đạo tòa án phát huy những mặt làm tốt và khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Trong nhiều năm qua, VKSND huyện Thạnh Trị được đánh giá là đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Tin rằng, với giải pháp đột phá trên sẽ giúp cho VKSND huyện Thạnh Trị không ngừng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát.

C.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: