• Pháp luật - Bạn đọc

Phạm vi trách nhiệm trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

16/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 16/04/2019 | 06:00

STO - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017, so với quy định của luật năm 2009 có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với vấn đề bồi thường nhà nước trong lĩnh vực tố tụng hình sự (TTHS). Phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng để hiểu rõ hơn về những điểm mới của luật này.

Phóng viên: Luật TNBTCNN năm 2017 trong phạm vi trách nhiệm trong hoạt động TTHS có những điểm mới nào so với Luật TNBTCNN năm 2009 thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Luật TNBTCNN năm 2017 đã mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong tất cả các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Riêng đối với lĩnh vực TTHS, tại Điều 18 Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung thêm 2 trường hợp được bồi thường trong hoạt động TTHS, bao gồm: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật TTHS và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Phóng viên: Như vậy, trường hợp nào mà Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường trong hoạt động TTHS theo quy định của Luật TNBTCNN mới hiện nay thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 32 Luật TNBTCNN trong hoạt động TTHS, Nhà nước không bồi thường các thiệt hại như: Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS; thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm; thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố; thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.

Phóng viên: Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để phân biệt rõ hơn về trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tòa án, kiểm sát, cơ quan điều tra về lĩnh vực TTHS, đồng chí có thể giải thích rõ hơn trong việc phân định trong giải quyết bồi thường?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Theo quy định từ các Điều 34, 35 và 36 của Luật TNBTCNN năm 2017, việc phân định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động TTHS cụ thể như sau: bổ sung quy định cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động TTHS trong trường hợp “Viện kiểm sát quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra mới đề nghị truy tố nhưng viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm” (Khoản 3, Điều 34 của Luật TNBTCNN).

Ngoài ra, sửa đổi quy định viện kiểm sát là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm (Khoản 2, Điều 35 của Luật TNBTCNN) theo hướng loại trừ trường hợp viện kiểm sát quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra mới đề nghị truy tố nhưng viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm vì đã được xác định thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra tại Khoản 2, Điều 34 của Luật TNBTCNN.

Sửa đổi các quy định về cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan tòa án trong hoạt động TTHS cho phù hợp với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

K.N (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: