• Pháp luật - Bạn đọc

Các sở, ban ngành tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hoàng Dân trả lời kiến nghị của cử tri

24/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 24/10/2018 | 06:00

STO - Tại kỳ họp lần thứ 11 HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, bà con cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị chất vấn các sở, ngành. Qua đó, lãnh đạo các đơn vị đã trực tiếp hoặc có văn bản giải trình cụ thể từng vấn đề mà cử tri thắc mắc. Báo Sóc Trăng lần lượt trích đăng giải trình của các cơ quan, đơn vị.

* Cử tri huyện Long Phú đề nghị sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, để làm cơ sở cho huyện Long Phú lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành và Công văn số 187/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 21-1-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Sóc Trăng; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Đến nay, công tác lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành; đối với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh đang trình Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã tổ chức thẩm định xong (huyện Long Phú thẩm định vào ngày 8-6-2017).

Khoản 2, Điều 35 Luật Đất đai quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp trên. Như vậy, để có thể phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất năm 2020 cấp huyện thì điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp tỉnh phải được phê duyệt trước. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang theo dõi sát sao điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất năm 2020 của tỉnh. Sau khi điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh được Chính phủ phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức kiểm tra ngay sản phẩm và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 của các huyện, thị xã, thành phố.

Mặt khác, ngày 19-10-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 5630/BTNMT-TCQLĐĐ về việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2018 cấp huyện. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo: Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt thì tổ chức thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện, để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất năm 2018 cấp huyện theo quy định tại Khoản 3, Điều 40 Luật Đất đai. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh thì căn cứ vào phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp tỉnh đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo thông báo kết quả thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; dự thảo phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; danh mục các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 để lập kế hoạch sử dụng đất năm 2018 cấp huyện theo trình tự, nội dung quy định tại Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT. Đến nay, kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của các huyện nói chung, huyện Long Phú nói riêng đã được UBND tỉnh phê duyệt xong.

* Cử tri huyện Kế Sách và huyện Thạnh Trị đề nghị tăng thêm kinh phí để thực hiện việc xử lý rác tại lò đốt rác xã An Lạc Tây, vì kinh phí bổ sung từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm không đảm bảo, trong khi nhu cầu kinh phí để đốt rác là rất cao. Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2019 cho huyện thực hiện công trình khắc phục ô nhiễm môi trường tuyến kênh Giồng Chùa - Chợ Cũ thị trấn Hưng Lợi, với số tiền là 2 tỉ đồng và công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Vĩnh Thành (Thạnh Trị) là 1,8 tỉ đồng.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Hàng năm, UBND tỉnh đều có quyết định giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương (bao gồm kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường). Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương thực hiện chi sự nghiệp bảo vệ môi trường theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC, ngày 6-1-2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND, ngày 7-7-2017 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định nhiệm vụ chi về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; trong đó tại Điểm e, Khoản 2, Điều 4 của Thông tư số 02/2017/TT-BTC có nội dung chi như sau:

“Hỗ trợ công tác xử lý ô nhiễm môi trường theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm các nội dung: điều tra khảo sát, phân tích đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường, lập kế hoạch, đề án, dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, mua bản quyền công nghệ xử lý chất thải nếu có, kiểm tra, nghiệm thu dự án)", gồm: Dự án xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích do địa phương quản lý... Hỗ trợ hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và chôn lấp chất thải sinh hoạt trên địa bàn cấp huyện (không bao gồm hoạt động xây dựng cơ sở xử lý chất thải). Dự án về bảo vệ môi trường khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền".

Trường hợp địa phương có phát sinh các vấn đề môi trường bức xúc và đã sử dụng hết nguồn kinh phí được phân bổ, đề nghị địa phương đề xuất cụ thể để sở tham mưu phối hợp Sở Tài chính, trình UBND tỉnh xem xét khả năng cân đối từ nguồn sự nghiệp môi trường của tỉnh để hỗ trợ.

* Cử tri TP. Sóc Trăng đề nghị việc xác định, xem xét vị trí đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa, cây lâu năm... sang đất ODT, đất phi nông nghiệp, không để gây khó khăn cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất; cử tri đề nghị có văn bản hướng dẫn.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Trước đây theo quy định tại Khoản 10, Điều 18 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT, ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trường hợp chuyển mục đích một phần thửa đất thì phải tách thành thửa đất mới. Do đó, khi áp dụng quy định nêu trên thì không đảm bảo hạn mức tách thửa theo quy định của UBND tỉnh (cụ thể, đất ở diện tích tối thiểu là 40m2, đất trồng cây lâu năm là 500m2, đất trồng lúa 1.000m2). Tuy nhiên, do tình hình thực tế tại địa phương có nhiều thửa đất có mục đích kết hợp (Ví dụ: Đất ở + đất trồng cây lâu năm; đất ở + đất chuyên trồng lúa nước hoặc thửa đất có mục đích trồng cây lâu năm hay trồng lúa chưa có đất ở...) và người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích một phần thửa đất sang đất ở nhưng không đủ hạn mức tách thửa hoặc đủ hạn mức nhưng người sử dụng không có nhu cầu tách thửa. Tại thời điểm này, để tháo gỡ khó khăn chung cũng như áp dụng các quy định nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương tạm thời khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì không thực hiện tách thửa mà chỉ xác định vị trí chuyển mục đích trên sơ đồ thửa đất (trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa). Đồng thời, có văn bản báo cáo Tổng cục Quản lý Đất đai về tình hình bất cập nêu trên.

Đến ngày 29-9-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-12-2017. Cụ thể, tại Khoản 19, Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung Khoản 10, Điều 18 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao thì không phải thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa.

Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phần nào tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Nhưng trong thực tế vẫn phát sinh trường hợp thửa đất ở có vườn, ao thì không tách thửa khi chuyển mục đích nhưng người sử dụng đất không có nhu cầu chuyển mục đích tại vị trí tiếp giáp mặt tiền (có chiều sâu thâm hậu từ 30m trở xuống) mà chuyển ở vị trí sau (có chiều sâu thâm hậu từ 30m - 70m) thì giá đất ở được tính bằng 50% giá đất ở mặt tiền. Vì vậy, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương khi cho phép chuyển mục đích ở vị trí nào thì xác định vị trí đó trên giấy chứng nhận, để người sử dụng đất khi xây dựng nhà ở thực hiện đúng vị trí đã chuyển mục đích.

* Cử tri đề nghị về điều chỉnh quy định đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp có sai sót do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước thì phải tiếp nhận và thực hiện mà không yêu cầu làm đơn và giấy xác nhận.

Đối với việc đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót, căn cứ Khoản 1, Điều 86 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau: Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai sót do lỗi của người sử dụng đất thì người sử dụng đất phải có đơn đề nghị đính chính, kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai sót do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, khi phát hiện thì văn phòng đăng ký đất đai thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất nộp giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính. Trường hợp người sử dụng đất tự phát hiện thì người sử dụng đất nộp giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính (không cần làm đơn đề nghị đính chính và xác nhận).

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào giấy chứng nhận đã cấp có sai sót; đồng thời, chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. Trường hợp sai sót mà người sử dụng đất có yêu cầu cấp đổi giấy mới thì văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.

* Cử tri quan tâm đến việc quản lý tình trạng khai thác đất mặt để san lấp mặt bằng.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Những năm trước đây, tình trạng khai thác lớp đất mặt, đặc biệt là đất ruộng để sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường (san lấp mặt bằng, sản xuất gạch) đã diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 315/CTUBND-HC, ngày 15-3-2013 về việc kiểm tra, xử lý hành vi khai thác, lấy tầng mặt của đất trồng lúa để sử dụng vào mục đích san lấp mặt bằng, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Qua đó, tình trạng khai thác đất mặt cũng đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, thời gian gần đây do giá cát san lấp tăng, thêm vào đó nhu cầu san lấp mặt bằng ngày càng tăng nên tình trạng khai thác đất mặt trái phép, nhất là đất bờ đê, bờ kênh thủy lợi diễn ra phổ biến ở một số địa phương chưa được quản lý chặt chẽ. Theo quy định của Luật Khoáng sản, việc khai thác đất bờ kênh, bờ đê khi đem ra bên ngoài phạm vi của dự án để làm vật liệu xây dựng thông thường (san lấp mặt bằng, sản xuất gạch...) thì phải làm thủ tục xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 10-4-2018 về việc tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn Sóc Trăng. Theo chỉ thị, chỉ khuyến khích các tổ chức, cá nhân cải tạo mặt đất trồng lúa trong phạm vi thửa đất của mình. Trong trường hợp cải tạo mặt đất trồng lúa và có nhu cầu chuyển đất ra ngoài phạm vi thửa đất để làm vật liệu xây dựng thông thường phải có giải pháp cải tạo giữ được tầng đất canh tác và phải làm thủ tục xin phép khai thác khoáng sản theo quy định. Đối với các tổ chức, cá nhân khi lập các dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án nạo vét, cải tạo kênh, mương thủy lợi, đào ao nuôi trồng thủy sản, đào ao trữ nước ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án khác do cơ quan nhà nước phê duyệt hoặc chủ đầu tư tự phê duyệt. Nếu có nhu cầu sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường bên ngoài dự án thì trong dự án cần thể hiện rõ nhu cầu khối lượng đất dôi dư đem ra ngoài phạm vi của dự án, để sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường và phải xin cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Còn đối với các cơ quan chủ trì tiếp nhận, thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án. Nếu có nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu xây dựng thông thường phải tính toán cụ thể khối lượng đất dôi dư mang ra ngoài phạm vi dự án. Đồng thời, hướng dẫn các chủ đầu tư liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để lập thủ tục trình UBND tỉnh cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản.

Cử tri thắc mắc việc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chậm. Nếu đăng ký dịch vụ thì giải quyết nhanh, vì sao? Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, trong đó có các đối tượng được hỗ trợ đất ở theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Nhìn chung tình hình biến động đất đai những năm gần đây khá lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đã tiếp nhận và xử lý 34.754 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai (gồm giao dịch đảm bảo, đăng ký cấp giấy, đính chính điều chỉnh, gia hạn....); trong đó, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đã tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp là 14.741 giấy. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính được kiểm soát chặt chẽ thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của UBND cấp huyện. Theo số liệu báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm có 60/14.741 hồ sơ trễ hẹn (Vĩnh Châu 6 hồ sơ, Ngã Năm 13 hồ sơ, Châu Thành 10 hồ sơ, Cù Lao Dung 14 hồ sơ, Trần Đề 17 hồ sơ), chiếm tỷ lệ 0,4% tổng số hồ sơ thực hiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân phản ánh văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm. Qua tìm hiểu xác định nguyên nhân là do một số thủ tục hành chính không nằm trong thời gian thực hiện tại bộ phận một cửa, cụ thể:

- Tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 6-1-2017 quy định khi thực hiện thủ tục đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận hộ gia đình, cá nhân có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp theo quy trình như sau: Khi người sử dụng đất nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa và chuyển cho văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp sau khi có văn bản xác nhận về việc sử dụng đất nông nghiệp của UBND cấp xã nơi có đất.

Việc gửi văn bản đề nghị UBND cấp xã xác nhận chủ yếu gửi qua đường bưu chính, thời gian phản hồi thường rất chậm. Ngoài ra, một số địa phương không phản hồi hoặc phản hồi không đúng nội dung nên văn phòng phải gửi lại văn bản yêu cầu. Đặc biệt, văn phòng đăng ký đất đai gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian đối với các địa phương ngoài tỉnh. Trong khi thủ tục hành chính nêu trên phải do cơ quan nhà nước thực hiện, không được yêu cầu người dân làm thay và thời gian thực hiện các quy định trên không nằm trong thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, làm chậm thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

- Công tác đo đạc phục vụ việc cấp giấy: Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy thì phải thực hiện công tác đo đạc. Hiện nay, do văn phòng đăng ký đất đai phối hợp với cán bộ địa chính cấp xã thực hiện, từ việc đo đạc chậm dẫn đến công tác thiết lập hồ sơ chậm theo phản ánh của người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai huy động lực lượng, tăng ca thêm giờ để xử lý hồ sơ cho người dân. Tuy nhiên, khi triển khai đo đạc một số trường hợp phát sinh tranh chấp ranh, không thống nhất được ranh, một số hộ không ký giáp ranh... Từ đó, cán bộ phải đo đạc nhiều lần, lập thủ tục niêm yết công khai theo quy định mất rất nhiều thời gian làm chậm tiến độ đo đạc. Ngoài ra, lực lượng cán bộ đo đạc còn mỏng trong khi biến động đất đai ngày càng tăng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực hiện công tác đo đạc chậm.

- Công tác thiết lập hồ sơ: Theo quy định hồ sơ đăng ký cấp giấy do người dân thiết lập. Tuy nhiên, trong thực tế đa phần người sử dụng đất không tự thiết lập được mà phải nhờ cán bộ địa chính cấp xã thực hiện. Trong khi công đoạn thiết lập hồ sơ lại không nằm trong thủ tục hành chính được kiểm soát (một cửa cấp xã chỉ tiếp nhận khi hồ sơ đã thiết lập hoàn chỉnh). Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm hồ sơ cấp giấy.

* Giải pháp tháo gỡ khó khăn nêu trên.

Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương chỉ đạo UBND cấp xã xác nhận hộ gia đình, cá nhân có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trong thời gian nhanh nhất hoặc tạo điều kiện xác nhận trước khi người sử dụng đất nộp hồ sơ vào một cửa. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục báo cáo Tổng cục Quản lý Đất đai có hướng tháo gỡ khó khăn nêu trên.

Để đẩy nhanh tiến độ đo đạc, trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai trang bị thêm phương tiện đo đạc hiện đại (máy đo), tăng cường nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ đo đạc phục vụ nhu cầu đăng ký của người dân. Riêng công tác thiết lập hồ sơ Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo cán bộ địa chính cấp xã hỗ trợ người dân thực hiện, kiểm soát thời gian thiết lập hồ sơ cấp xã, hạn chế nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, giải thích cho người dân biết muốn thực hiện công tác đo đạc thì phải xác định được ranh đất.

* Về ý kiến cử tri cho rằng trường hợp hồ sơ đăng ký dịch vụ thì xử lý nhanh hơn hồ sơ thường xuyên.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Ngày 1-1-2016, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và cấp tỉnh. Trước tình hình dịch vụ cấp giấy tư nhân phát triển mạnh (cò đất), đặc biệt là trên địa bàn TP. Sóc Trăng và một số huyện, đơn giá thu của người sử dụng đất khá cao (theo thỏa thuận), trong khi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh là đơn vị sự nghiệp, có chức năng thực hiện các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật. Xuất phát từ tình trạng thực tế nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho phép Văn phòng Đăng ký đất đai triển khai dịch vụ thay mặt người sử dụng đất làm hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận từ tháng 7-2016 theo đơn giá dịch vụ được quy định tại Quyết định số 34/QĐ-VPĐK.HC, ngày 6-4-2016 của Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, được thông báo công khai trên Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng và được niêm yết công khai tại trụ sở chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ từng bước tăng theo chiều hướng tích cực. Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2018 đã ký hợp đồng dịch vụ 1.459 hồ sơ/14.741 hồ sơ thực hiện, đạt tỷ lệ 9,89% tổng số hồ sơ thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện hồ sơ dịch vụ trên tinh thần tự nguyện khi người sử dụng đất có yêu cầu, Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ phân công viên chức thay mặt người sử dụng đất phối hợp với cơ quan chức năng, như: UBND cấp xã, chi cục thuế cấp huyện, phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và bộ phận một cửa... làm tất cả hồ sơ thủ tục cho người sử dụng đất. Kết quả thời gian thực hiện dịch vụ được rút ngắn dần, từng bước nhận được sự đồng tình và ủng hộ của người sử dụng đất. Trường hợp người dân không tham gia dịch vụ thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện và vẫn được giải quyết đúng theo quy trình và thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên quan tâm chỉ đạo bộ phân chuyên môn giải thích để người sử dụng đất hiểu và tự nguyện tham gia, tránh tình trạng hướng người sử dụng đất tham gia dịch vụ, cũng như bị bắt buộc tham gia dịch vụ. Sở không có chủ trương hay chỉ đạo ưu tiên đối với hồ sơ dịch vụ, tất cả đều được giải quyết đúng quy trình và thời gian quy định. Thực tế các hồ sơ dịch vụ thường có thời gian giải quyết ngắn hơn là do hồ sơ được giao cho viên chức phụ trách thực hiện thay cho người dân nên chuyên nghiệp, am hiểu về thủ tục cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng hơn. Do vậy, ít phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ hơn là người dân trực tiếp đi làm thủ tục. Theo tinh thần chỉ đạo chung, từng bước đẩy mạnh phát triển dịch vụ công. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh nâng dần chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo được sự hài lòng của người dân khi tham gia dịch vụ.

Cử tri quan tâm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; trong đó, có các đối tượng được hỗ trợ đất ở theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Căn cứ Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015; Thông tư số 03/2013/TT-UBDT, ngày 28-10-2013 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg; tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 03/2013/TT-UBDT quy định căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách địa phương, UBND cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giao đất ở để làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phù hợp với điều kiện, tập quán của địa phương và phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai.

Theo quy định pháp luật về đất đai thì hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở theo hình thức Nhà nước giao đất theo quy định và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, việc hỗ trợ đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có cách làm khác nhau, như: Một số địa phương đứng ra làm trung gian hỗ trợ thủ tục chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng cho người dân; có địa phương thực hiện thu hồi đất tập trung, sau đó phân lô cấp lại cho các đối tượng thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; có địa phương hỗ trợ bằng tiền để người dân tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng nên khi tự thỏa thuận chuyển nhượng, đa số đất nông nghiệp dưới hạn mức tách thửa, không có hạ tầng và không phù hợp quy hoạch đất ở hoặc có trường hợp phù hợp với quy hoạch thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ cũ đã thế chấp ở ngân hàng, nên không thể tách thửa để cấp giấy cho người nhận chuyển nhượng. Việc phối hợp giữa phòng dân tộc với phòng tài nguyên và môi trường còn hạn chế, nhất là trong việc hướng dẫn các hộ được hưởng chính sách tự nhận chuyển nhượng. Từ đó, có một số trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng này còn gặp khó khăn, không thực hiện được.

Khi thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không có hướng dẫn riêng cho trường hợp này nên phải áp dụng các quy định chung cho tất cả các trường hợp. Mặt khác, tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 03/2013/TT-UBDT quy định “Các hộ được cấp đất ở không được chuyển nhượng, thế chấp, mua bán cho người khác trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày được Nhà nước giao đất...”. Nhưng hiện nay, các địa phương hỗ trợ bằng tiền để tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, nên không áp dụng được hạn chế quyền như đã nêu trên mà phải áp dụng trường hợp nhận chuyển nhượng theo quy định để cấp giấy chứng nhận. Việc áp dụng các quy định của mỗi địa phương có cách làm khác nhau dẫn đến kết quả cấp giấy chứng nhận cho đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp để tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo phòng tài nguyên và môi trường phối hợp với văn phòng đăng ký đất đai lập các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ bằng tiền, để tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp mà không đủ hạn mức tách thửa nhưng phù hợp với quy hoạch đất ở thì cho phép làm thủ tục nhận chuyển nhượng. Đồng thời, chuyển mục đích và cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Thời gian tới, trước khi thực hiện các chính sách hỗ trợ về đất đai đề nghị các sở, ngành có liên quan cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thống nhất và có hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện đúng theo quy định.

Cử tri kiến nghị về tình trạng vứt rác, làm ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý môi trường cấp huyện, xã, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường; phát hành nhiều tờ bướm tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường tại địa phương. Tại các huyện, thị xã, thành phố, phòng tài nguyên và môi trường cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc tập huấn tuyên truyền cho các cán bộ hội và người dân địa phương về bảo vệ môi trường sống, hướng dẫn các mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vứt rác thải xuống sông, kênh, rạch gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, UBND cấp xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, không vứt rác xuống sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường (theo quy định tại Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương, vận động nhân dân bảo vệ môi trường). Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền (quy định tại Khoản 1, Điều 48 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: