• Pháp luật - Bạn đọc

Tài sản pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá

20/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 20/11/2017 | 06:00

Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) quy định tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá. Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, luật cũng đã đưa ra những quy định cụ thể nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật ĐGTS khi bán đấu giá các loại tài sản đó. Để nắm rõ hơn trường hợp này, chúng tôi đã trao đổi cùng đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tài sản nào mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Luật ĐGTS gồm: tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện; tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Phóng viên: Việc ĐGTS mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được thực hiện như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo quy định, trình tự, thủ tục ĐGTS mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá cũng được thực hiện tại Khoản 1, Điều 4 của Luật ĐGTS. Theo Điều 57 của Luật ĐGTS, việc thông báo công khai ĐGTS, ngoài quy định về niêm yết việc ĐGTS quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 35 của luật này, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 50 triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức ĐGTS phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc. Trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 53 của luật này thì tổ chức ĐGTS thông báo công khai một lần việc ĐGTS trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá.

Người có tài sản đấu giá phải công khai giá khởi điểm và việc ĐGTS chỉ được thực hiện theo phương thức trả giá lên. Việc ĐGTS trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá quy định tại Điều 49 của luật này không áp dụng đối với các tài sản gồm: Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản khác mà pháp luật quy định không đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Phóng viên: Thưa đồng chí, những trường hợp nào thì phải thành lập hội đồng ĐGTS và nguyên tắc hoạt động của hội đồng ĐGTS như thế nào? 

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Điều 60 Luật ĐGTS, người có tài sản đấu giá mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá quyết định thành lập hội đồng ĐGTS để đấu giá trong các trường hợp sau đây: Luật quy định việc ĐGTS do hội đồng ĐGTS thực hiện; không lựa chọn được tổ chức ĐGTS; người có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng ĐGTS chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của hội đồng. Hội đồng ĐGTS gồm 3 thành viên trở lên; chủ tịch hội đồng là người có tài sản đấu giá hoặc người được ủy quyền; thành viên của hội đồng là đại diện cơ quan tài chính, cơ quan tư pháp cùng cấp, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật. Hội đồng ĐGTS có thể ký hợp đồng với tổ chức ĐGTS để cử đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá.

Theo Điều 61 Luật ĐGTS, nguyên tắc hoạt động của hội đồng ĐGTS là cuộc đấu giá do hội đồng ĐGTS thực hiện phải có ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng tham dự. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số thông qua hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp kết quả biểu quyết hoặc số phiếu bằng nhau thì chủ tịch hội đồng có quyền quyết định cuối cùng. Hội đồng ĐGTS tự giải thể khi kết thúc cuộc đấu giá và chuyển hồ sơ cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 45 của luật này.

Phóng viên: Như vậy, quyền và nghĩa vụ của hội đồng ĐGTS ra sao thưa đồng chí? 

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Luật ĐGTS, hội đồng ĐGTS có các quyền sau: Truất quyền tham gia cuộc đấu giá và lập biên bản xử lý đối với người tham gia đấu giá có hành vi gây rối trật tự cuộc đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực của cuộc đấu giá; dừng cuộc đấu giá và báo cáo người có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng để xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá hoặc khi phát hiện người điều hành cuộc đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực của cuộc đấu giá; đề nghị định giá, giám định tài sản đấu giá; lựa chọn hình thức đấu giá quy định tại Khoản 1, Điều 40 của luật này để ĐGTS; các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hội đồng ĐGTS có các nghĩa vụ: Nghĩa vụ theo quy định tại Điểm b và Điểm d, Khoản 2, Điều 24 của luật này; ban hành quy chế hoạt động của hội đồng ĐGTS; tổ chức và thực hiện đấu giá theo quy chế hoạt động của hội đồng, quy chế cuộc đấu giá và quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về kết quả cuộc đấu giá trước pháp luật và người có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình đấu giá; tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng giải quyết khiếu nại phát sinh sau cuộc đấu giá; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; báo cáo người có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng ĐGTS về kết quả ĐGTS; đồng thời, thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Mai Khôi (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: