• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Góc nhìn kinh tế

Bán ở đâu?

07/03/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Tích Chu
  • Thứ Ba, 07/03/2017 | 06:00

STO - Lâu nay, ngành nông nghiệp luôn phải đau đầu với câu hỏi: “Trồng cây gì, nuôi con gì” để đảm bảo tính hiệu quả và phát triển bền vững, nhưng lại ít quan tâm đến một vấn đề quan trọng không kém chính là “Bán ở đâu”?

Có dịp trò chuyện cùng những doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, hầu hết cho biết: “Bất kỳ mặt hàng nông, thủy sản nào cũng đều có một phân khúc thị trường riêng của nó, hay nói cụ thể hơn là thứ nào cũng bán được. Vấn đề mà chúng ta cần phải biết là nơi nào cần loại sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu và tiêu chuẩn chất lượng ra sao”.

Nhờ có sự tham gia quảng bá, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, gạo thơm thơm Sóc Trăng mới được người tiêu dùng biết đến ngày một nhiều hơn

Có những thời điểm rộ lên việc một số thương lái đến các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên thu mua lá khoai mì, khiến ngành chức năng hết sức bối rối. Nhưng khi có dịp trò chuyện cùng một số doanh nghiệp mới biết không có điều gì là bất thường cả, mà do chúng ta không lần ra được thị trường tiêu thụ lá khoai mì là ở đâu thôi.

Vị doanh nhân này kể: “Khi sang Philippines, tôi mới phát hiện ra, lá khoai mì luộc là món ăn khoái khẩu của một số người dân ở nước này và nó được bán với giá khá cao. Tuy nhiên, sức tiêu thụ không lớn, nên chỉ có một số doanh nghiệp thường xuyên có hàng đi Philippines mới mở thêm mặt hàng này”.

Không nói đâu xa, ngay như mặt hàng đặc sản hành tím Vĩnh Châu, trước nay hầu như chỉ biết mỗi thị trường xuất khẩu Indonesia, đến khi không tiêu thụ được ở thị trường này, nhờ sự “giải cứu” từ các ngành, các cấp, mới thấy thị trường trong nước vẫn còn rất lớn, nhưng lâu nay người tiêu dùng ít biết đến do thiếu thông tin về loại sản phẩm này.

Hay như câu chuyện con cá tra của giai đoạn 2007 – 2010, khiến nhiều người lầm tưởng, cá tra Việt Nam là số 1, ai ấy ùn ùn thả nuôi để rồi lãnh hậu quả bán không có người mua. Thật ra, giá cá tra xuất khẩu trong giai đoạn này tăng kỷ lục chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh của cá Minh Thái ở vùng biển Alaska, buộc các nhà phân phối phải chọn cá tra làm sản phẩm thay thế. Đến khi nguồn cá Minh Thái phục hồi, ngay lập tức, giá cá tra rơi xuống đáy và liên tục thăng trầm trong những năm qua.

Đó chỉ là một vài ví dụ điển hình để thấy rằng, nếu chúng ta làm tốt công tác khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu thị trường và có cách tiếp cận thị trường phù hợp thì loại nào cũng có thể bán được, bởi mỗi chủng loại đều có một phân khúc thị trường riêng của nó. Còn nói rộng hơn, hầu như sản phẩm nông sản chủ lực nào cũng có thể xuất khẩu được, nếu chúng ta đảm bảo đúng chất lượng, đủ về số lượng và làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. 

Như vậy, thay vì loay hoay tìm xem phải trồng cây gì, nuôi con gì, tại sao chúng ta lại không thay bằng cách tìm nơi để bán những sản phẩm đang có thế mạnh của mình. Và cũng đừng cố vịn vào nguyên tắc “bán cái thị trường cần”, bởi có những thứ chúng ta đang có, thị trường cũng đang rất cần, nhưng cả ta và thị trường đều không biết đến nhau, nên người cần vẫn phải mua đắt đỏ, còn người có vẫn phải bán với giá khá bèo.

Thật ra, trên lĩnh vực nông nghiệp, Sóc Trăng có khá nhiều sản phẩm thuộc hàng đặc sản mà thị trường rất cần, nhưng cái thiếu của chúng ta là chính sách quảng bá, tiếp thị và xúc tiến thị trường tiêu thụ, nên nông dân không biết phải bán ở đâu để được giá cao nhất, còn người tiêu dùng muốn tìm mua cũng không biết địa chỉ ở đâu.

Cũng từ bài học con cá tra cho thấy, chỉ khi nào có sự khan hiếm, thị trường mới tìm đến một sản phẩm khác để thay thế, nhưng nếu chúng ta có cách tiếp cận thị trường tốt hơn, thị trường sẽ biết đến sản phẩm của chúng ta nhiều hơn, thói quen tiêu dùng theo đó cũng thay đổi nhanh hơn, sản phẩm của chúng ta sẽ có chỗ đứng tốt hơn.

Đến đây có thể thấy, không có mặt hàng nào bỏ đi, mà vấn đề là chúng ta chưa biết bán chúng ở đâu, giá cả và số lượng bao nhiêu mà thôi, hay nói một cách khác chúng ta chưa lần ra hết được những ngóc ngách của thị trường để đưa đúng loại mà thị trường đang cần. Do đó, chủ trương sản xuất gắn với thị trường là hết sức đúng đắn và nếu chúng ta làm tốt công tác thị trường, chắc chắn đầu ra của nông sản sẽ được rộng mở hơn.

Tích Chu

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: