• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Bước phát triển trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

21/04/2017 16:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 21/04/2017 | 16:00

STO - Những năm gần đây, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Mỹ Tú tập trung thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng” gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nên từng bước tạo được sự đột phá trong sản xuất, góp phần thực hiện đẩy nhanh tốc độ và phát triển mạnh mẽ về “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

Sau hơn 2 năm thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, công tác tổ chức triển khai đề án này ở Mỹ Tú có những bước chuyển biến tích cực, gắn tái cơ cấu nông nghiệp với XDNTM, từ đó góp phần hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu cũng như kế hoạch đã đề ra, đặc biệt đối với các xã chuẩn bị hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Theo lãnh đạo huyện Mỹ Tú, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM là hai nội dung gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy nhau trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn toàn huyện.

Con bò sữa là một trong những loài vật mang lại giá trị kinh tế cao khi Mỹ Tú hướng đến chuyển đổi cơ cấu vật nuôi từ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú Trần Văn Tâm cho biết: “Công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa về XDNTM đã phát huy được hiệu quả, người dân dần ý thức việc XDNTM là xây dựng đời sống mới cho bản thân và người dân là người trực tiếp được thụ hưởng, từ đó khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, qua đó đã nâng cao ý thức tự giác trong tổ chức thực hiện”. Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú, qua việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện có bước phát triển, năng suất chất lượng các sản phẩm nông nghiệp từng bước được nâng lên, đặc biệt là việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ sản xuất lúa ở Mỹ Tú bước đầu đã trở thành phong trào ở các địa phương; qua đó, hộ nông dân đã xác định được các loại cây, con có lợi thế và huyện đã tiến hành quy hoạch và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt giá trị kinh tế cao.

Qua quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn từng bước đổi mới, phát triển đa dạng, huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực ở nông thôn. Bên cạnh đó, kinh tế hộ gia đình tiếp tục phát triển theo hướng mở rộng quy mô sản xuất. Các loại hình kinh tế tập thể được nâng chất củng cố và hoạt động phù hợp với trình độ của nông dân… và đặc biệt là việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. 

Phấn khởi khi có đường giao thông nông thôn đi ngang qua nhà, bà Lê Thị Đỏ, ngụ xã Hưng Phú bộc bạch: “Khi thấy Nhà nước làm đường, bà con chúng tôi trông chờ từng ngày trôi nhanh để có con đường mới mà đi. Sống gần hết đời người, tôi cảm thấy mãn nguyện vì quê mình đổi thay rất nhiều, đường sá đi lại thuận tiện, trẻ con không còn phải lội sình lầy vào những tháng mưa để đến trường, có đường bêtông tụi nhỏ đi học trên những chiếc xe đạp mini thật dễ thương, còn với người dân thì việc buôn bán trái cây khi tới vụ thu hoạch giá cao hơn chút đỉnh”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú Trần Văn Tâm cho biết thêm: “Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng nguồn vốn huy động từ Trung ương, tỉnh, địa phương và trong dân để XDNTM hơn 675 tỉ đồng. Qua đó, huyện đã có 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM là Mỹ Hương và Long Hưng, các xã còn lại đạt từ 12 đến 17/19 tiêu chí. Cũng từ nguồn vốn NTM, huyện đã xây dựng hơn 200 công trình cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông nông thôn, cầu, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt, nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng... Tất cả các công trình trên đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa cũng như việc sinh hoạt tư tưởng của người dân thuận lợi hơn”.

Qua thời gian thực hiện đề án, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng 12 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 4.000ha/vụ, thu hút hơn 2.000 hộ tham gia. Riêng cây lúa đặc sản chiếm 30% diện tích gieo trồng (gần 11.500ha), trong số đó, có gần 9.000ha được doanh nghiệp bao tiêu với các giống lúa chủ lực như: OM 5451, RVT. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện còn quan tâm đến việc chuyển đổi những diện tích mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn nên diện tích mía giảm 50% so với trước và hiện chỉ còn khoảng 1.800ha. Ngoài ra, bà con nông dân còn tiến hành đưa cây màu xuống chân ruộng bằng hình thức luân canh cùng cây lúa và mở mới, quy hoạch thêm việc đưa màu xuống những ruộng đất cao nhằm thay thế lúa vụ 3 với diện tích ước tính khoảng 300ha và màu chuyên canh ước khoảng 550ha. Đồng thời, huyện có vị thế về cây lâm nghiệp nên việc phát triển trồng rừng được triển khai đồng bộ và có hướng quy, hoạch cụ thể nhằm vận động người dân trồng, khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ dân và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có tại huyện, theo ước tính huyện có hơn 750ha rừng đang được trồng bảo vệ và khai thác”.

Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn XDNTM, tới đây lãnh đạo huyện Mỹ Tú chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và người dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đồng thời, lồng ghép có hiệu quả nguồn lực đầu tư nâng chất các tiêu chí NTM đã đạt, ưu tiên thực hiện các tiêu chí gần đạt cần ít nguồn lực. Triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đi vào chiều sâu, xác định lợi thế tiềm năng trên từng lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất tập trung, gắn với hình thành tổ chức sản xuất, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hướng người dân đến sự liên kết bằng cách thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Theo lãnh đạo huyện Mỹ Tú, để làm được các việc trên, địa phương sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ chuyên môn, doanh nghiệp và người dân để thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn đặc biệt phải chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất và phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, liên kết trong sản xuất, doanh nghiệp hóa sản phẩm và xã hội hóa đầu tư.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: