• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Những thành tựu kinh tế nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh

Sóc Trăng - 25 năm phát triển hạ tầng thương mại - thực trạng và những định hướng cho tương lai

20/04/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 20/04/2017 | 06:00

STO - Từ khi tái lập tỉnh đến nay, hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều, từng bước đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Cơ sở hạ tầng thương mại phát triển đã góp phần thu hút đầu tư, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng.

Từ một tỉnh có nền kinh tế với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, sau 25 năm tái lập tỉnh, Sóc Trăng có bước chuyển mình đáng kể trên tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, giao thông... cho đến phát triển doanh nghiệp. Song song đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

 

Những con số ấn tượng

Sau 25 năm tái lập tỉnh, hình thức bán hàng, phương thức kinh doanh thương mại, dịch vụ trên thị trường trong tỉnh cũng phát triển đa dạng và phong phú hơn. Bên cạnh hệ thống mạng lưới chợ truyền thống được phát triển thì các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng được hình thành. Việc tổ chức các hội chợ thương mại đã đáp ứng nhu cầu trao đổi, giao lưu hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.

Các chợ ra đời đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: Q.Bình

Theo số liệu thống kê của ngành công thương, vào năm 2008, trên địa bàn toàn tỉnh có 119 chợ; trong đó có 1 chợ loại I, 18 chợ loại II, 100 chợ loại III, 19 chợ thành thị và 100 chợ nông thôn được phân bổ theo quy mô gồm: 62 chợ tạm và 57 chợ kiên cố và bán kiên cố. Theo xu hướng hội nhập và phát triển, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư cải tạo và nâng cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Tính đến đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 134 chợ, trong đó có thêm 1 chợ đầu mối thủy sản và 1 chợ đêm. Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 siêu thị gồm: 1 siêu thị tổng hợp hạng I và 6 siêu thị chuyên doanh hạng II và hạng III chủ yếu tập trung trên địa bàn TP. Sóc Trăng. Ngoài ra còn có một số cửa hàng tiện lợi, đây là loại hình thương mại có tiềm năng phát triển, góp phần tạo nên bộ mặt kinh doanh hiện đại, giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị được xây dựng theo phong cách hiện đại, tạo sự thu hút cho khách hàng.

Sự xuất hiện của hệ thống chợ, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội chọn được những mặt hàng với giá cả cạnh tranh, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, làm người tiêu dùng an tâm hơn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Châu Diệu Minh, ngụ Phường 3 (TP. Sóc Trăng) vui vẻ cho biết: “Trước đây, việc mua sắm vật dụng hay món ăn gì tôi và gia đình đều ra chợ, mua món hàng mới lạ phải lên tận các thành phố lớn. Bây giờ đô thị phát triển, muốn mua gì cũng dễ dàng, các loại thức ăn, vật dụng có nguồn gốc rõ ràng cũng làm tôi và gia đình an tâm hơn khi mua về sử dụng”.

Thực trạng… 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì nhìn chung, bức tranh tổng thể về hạ tầng thương mại của tỉnh còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, việc huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế… Theo đó, hiện nay có đến 24 xã, phường không có chợ, trong đó có 11 xã có quy hoạch chợ giai đoạn 2016 - 2020.

Theo thông tin từ lãnh đạo các huyện, thị xã và qua khảo sát của Sở Công thương, các xã hiện chưa có chợ là do vị trí gần các chợ hạng II hoặc có dân cư thưa thớt, giao thông không thuận lợi. Các chợ kiên cố và bán kiên cố trước đây được xây dựng theo thiết kế của từng địa phương, có kết cấu cơ bản khá giống nhau, gồm: nhà lồng, đường nội bộ, hệ thống thoát nước, cấp nước, khu tự sản tự tiêu…

Thực tế cho thấy, hầu hết các chợ còn thiếu bãi đậu xe, nhà vệ sinh, khu thu gom rác, đường thoát nước không đủ yêu cầu khi chợ đi vào hoạt động, nhà lồng chợ ở một số chợ hạng III có thiết kế không đạt yêu cầu che nắng, che mưa cho người dân khi tham gia mua bán trong chợ.

Với chủ trương xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã thu hút nguồn vốn từ thương nhân tham gia đầu tư, nhưng công tác quản lý chợ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: bộ máy quản lý chợ thiếu tính chuyên nghiệp, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập, vệ sinh môi trường còn chưa giải quyết triệt để.

Cũng theo thông tin từ ngành công thương, hạ tầng thương mại xuống cấp, chưa hoàn thiện đó là thực trạng của nhiều địa phương hiện nay. Theo đó, hiện có 21 chợ xuống cấp nhưng gặp khó khăn trong việc nâng cấp, sửa chữa do nguồn thu phí chợ không đủ để thực hiện; 17 chợ hoạt động không hiệu quả do vị trí không phù hợp, một số chợ tự phát không đúng với quy hoạch phát triển chợ. Công tác xã hội hóa trong phát triển chợ chưa nhiều do việc đầu tư xây dựng chợ có vốn khá lớn trong khi đó thu hồi vốn còn chậm.

… và những định hướng cho giai đoạn mới

Thương mại bán lẻ tiếp tục phát triển mạnh trên thị trường do đời sống dân cư ngày càng cao, giao thông, đô thị phát triển sẽ tạo ra những trung tâm mua sắm theo quy luật của thị trường. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh vẫn còn thiếu.

Theo ngành công thương, định hướng đến năm 2020, hạ tầng thương mại Sóc Trăng được quy hoạch, gồm: 1 trung tâm thương mại, 2 trung tâm mua sắm, 12 siêu thị tổng hợp, 7 siêu thị chuyên doanh và 117 chợ. Trong đó, hạ tầng thương mại của TP. Sóc Trăng sẽ có 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị tổng hợp, 6 siêu thị chuyên doanh và 12 chợ.

Để hiện thực hóa quy hoạch trên, tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các dự án đầu tư trọng điểm về thương mại. Riêng ngành công thương định hướng sẽ đẩy mạnh kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các đề án thuộc quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và các đề án thuộc quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2020, 82 xã có chợ hoặc chợ liên xã. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, như: cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống chợ hiện có; xây dựng chợ đầu mối nông sản, các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ ở nông thôn theo quy hoạch đã được duyệt. Xây dựng mới hệ thống kho trung chuyển hàng hóa đảm bảo nguồn hàng dự trữ phục vụ sản xuất, đời sống trong tỉnh.

Những khó khăn trong phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh đang từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ ngày càng chuyển dịch theo hướng tích cực. Để phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh, những cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, tín dụng… sẽ là “chìa khóa” khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, đưa hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần lớn vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Sóc Trăng.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: