• Sức khỏe và Đời sống

Bệnh lao và cách phòng ngừa

01/03/2019 08:56 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 01/03/2019 | 08:56

STO - Bệnh lao là một trong những bệnh lây nhiễm nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong cao nhưng chúng ta có thể phòng, chống được bằng những biện pháp đơn giản, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Bệnh lao gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên gọi Mycobacteria Tuberculosis hominis. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, do người mắc bệnh lao nói, ho, khạc đờm có chứa vi khuẩn lao, hoặc đờm khạc ra khô thành bụi và bay lơ lửng trong không khí; các hạt nước bọt hoặc hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 10mm chứa vi khuẩn, có khả năng tới được phế nang ở phổi; tại phế nang, vi khuẩn lao phát triển và lan tràn. Bệnh cũng có thể lây qua đường tiêu hóa nhưng ít gặp. Các đường lây khác như: da và niêm mạc, bào thai… rất hiếm gặp.

Những người có yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh lao như: suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải (dùng Corticoid kéo dài, nhiễm HIV/AIDS); mắc các bệnh mạn tính (đái tháo đường, bụi phổi, suy thận mạn, mổ cắt dạ dày…); người có nhóm máu HLA-DR2 dễ mắc lao hơn; bệnh nhân sau chấn thương và sau phẫu thuật.

Bệnh viện 30 tháng 4 là bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CLB

Bệnh lao có một số triệu chứng điển hình như: ho kéo dài, có thể ho khan, nhưng phổ biến nhất là ho có đờm. Đối với việc ho ra máu có thể là biểu hiện của một số bệnh khác, nhưng 80% bệnh nhân ho ra máu là do mắc bệnh lao. Mệt mỏi, sụt cân cũng là một trong những triệu chứng thường thấy của bệnh; sụt cân dần dần, sụt cân kéo dài, bệnh nhân cảm thấy sức lực giảm rõ rệt. Sốt là triệu chứng thường gặp trong các thể lao, với diễn biến khá đặc biệt theo chu kỳ 24 giờ, sốt nhẹ, ra mồ hôi trộm lúc về chiều hoặc ban đêm.

Ở người lớn, nếu thấy ho, khạc kéo dài trên 3 tuần, uống thuốc ho thông thường không giảm, cần phải đi thử đờm ngay vì đây là một phương pháp nhằm phát hiện sớm bệnh. Ở trẻ nhỏ, nhiều khi bệnh lao chỉ biểu hiện bằng một số triệu chứng rất đặc biệt như biếng ăn, gầy sút, sốt nhẹ, đổ mồ hôi trộm. Hiện nay, bệnh lao hầu như hoàn toàn có thể chữa khỏi. Thời gian điều trị trong vòng 6 tháng cho các loại vi khuẩn chưa kháng thuốc; đối với các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc, nhất là kháng với nhiều thuốc, thường phải cần nhiều thời gian, có thể phải kéo dài đến 2 năm mới có thể chữa khỏi.

Để phòng, chống bệnh lao, cần tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe giúp mọi người có những thông tin cần thiết nhằm tự phòng bệnh hiệu quả; đồng thời, vận động người dân tham gia phòng, chống bệnh lao. Cán bộ y tế ở các tuyến cần được cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh lao. Đối với người dân, cần biết cách phát hiện, xét nghiệm tầm soát và điều trị sớm bệnh lao. Khi phát hiện bệnh lao phải tuyệt đối tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ; thực hiện tốt các biện pháp cách ly để không lây nhiễm cho người khác; thu gom và xử lý chất thải của người bệnh phải đúng cách như tiêu hủy, chôn ở xa khu dân cư và xa nguồn nước sử dụng. Đặc biệt, nếu thấy dấu hiệu của bệnh không thuyên giảm, khó chịu nhiều... hãy báo cáo ngay với thầy thuốc để có hướng điều trị kịp thời.

Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao cần phòng hộ cá nhân kỹ, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao như: sốt về chiều, ho, khạc đờm, đau ngực nhiều... thì hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra sức khỏe.

Trẻ vừa mới sinh ra trong vòng 24 giờ đầu phải được tiêm phòng bệnh lao. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi có tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi, hoặc tiếp xúc người nhiễm HIV có mắc bệnh lao thì cần cho trẻ điều trị dự phòng bệnh lao tại cơ sở y tế chuyên khoa.

Mọi người nên giữ vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát; đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, khi vào bệnh viện và đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh lao; luôn luôn che miệng với khăn giấy mỗi khi ho, hắt hơi và bỏ những khăn ấy vào túi nilông, cho vào thùng rác.

Các biện pháp phòng, chống bệnh lao rất đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả mà chúng ta có thể thực hiện được. Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Diễm Quỳnh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: