• Sức khỏe và Đời sống

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

11/05/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 11/05/2018 | 06:00

STO - Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng, từ đầu năm đến ngày 15-4, toàn tỉnh có 171 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh có thể diễn biến phức tạp trong năm nay, nguy cơ gia tăng do bắt đầu vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Vì vậy, chúng ta hãy thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết ngay từ bây giờ.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị. Ảnh: HP

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn chích hút máu người bệnh truyền sang cho người lành. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Chứng sốt trong bệnh sốt xuất huyết có một số đặc điểm khác với chứng sốt của bệnh khác với 3 đặc điểm: Sốt đột ngột bất thình lình (trước đó hoàn toàn bình thường); sốt cao (nhiệt độ lên tới 39 - 40 độ hoặc cao hơn); sốt liên tục, liên miên ngày đêm không lúc nào ngưng, dùng thuốc hạ sốt thì nhiệt độ cũng chỉ giảm một vài tiếng lại tăng lên.   

Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày và rất đa dạng như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc... Xuất huyết dưới da biểu hiện chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào - đây cũng chính là điểm để phân biệt với trường hợp nốt đỏ do phát ban khi ấn vào sẽ biến mất) thường ở tay, chân, nách ngực, thắt lưng; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu răng, đại tiện ra máu; ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo (kinh nguyệt trước kỳ). 

Nếu bệnh nhẹ từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh giảm sốt hoặc hết sốt với những biểu hiện phục hồi dần dần. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trở nặng có thể diễn tiến đến sốc xuất huyết rất nguy hiểm. 

Điều cần lưu ý là có tới 4 typ vi-rút gây sốt xuất huyết, do vậy, người bệnh sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị mắc bệnh. Khi bị sốt cao cần uống nhiều nước như nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây và tốt nhất là nước oresol (biển khô). Nếu sốt cao cần đi khám ngay tại cơ sở y tế.  

Để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ, vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, diệt lăng quăng bằng cách thả cá lia thia, cá bảy màu vào dụng cụ, vật dụng chứa nước lớn; cọ, rửa dụng cụ, vật dụng chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ, vật dụng không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào chén nước kê chân tủ. Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, lon, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ mùng, mặc quần dài, áo dài tay phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, chúng ta hãy tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Tú Trinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: