• Thành phố Sóc Trăng trên đường phát triển

Mở rộng diện tích lúa đặc sản ở TP. Sóc Trăng

07/01/2019 09:05 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 07/01/2019 | 09:05

STO - Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhu cầu của thị trường ngày càng cao, trong đó chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, lãnh đạo TP. Sóc Trăng luôn quan tâm chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đưa những giống lúa năng suất, chất lượng vào sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Bảo Quốc - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng cho biết: “Do khoa học kỹ thuật phát triển, các giống lúa năng suất thấp ít được người dân sử dụng trong canh tác nên dần mất đi, các giống lúa mới kháng được nhiều sâu bệnh quan trọng, có năng suất cao, chất lượng tốt được các nhà khoa học lai tạo, tuyển chọn đưa vào sản xuất. Chính vì vậy, Phòng Kinh tế thành phố chỉ đạo đơn vị phối hợp với các phường khuyến khích nông dân chuyển diện tích từ lúa cao sản sang lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thường xuyên làm mô hình trình diễn cánh đồng mẫu lúa đặc sản và nhân rộng; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước, tăng thu nhập cho nông dân”.

Lúa Đông - Xuân 2018 - 2019, TP. Sóc Trăng đã xuống giống 3.471ha lúa đặc sản.

Gắn bó với ruộng đồng mấy chục năm nhưng chưa bao giờ chú Nguyễn Thanh Đấu, ở Khóm 5, Phường 8 (TP. Sóc Trăng) lại thấy làm lúa khỏe như hiện nay. Bởi việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và được sử dụng các giống lúa vừa có năng suất lại chất lượng đã giúp gia đình chú tăng thu nhập hơn rất nhiều so với trước đây. Chú Đấu phấn khởi khoe: “Gia đình tôi có 5,5ha ruộng, nhưng trước đây chủ yếu sản xuất các giống lúa cũ hay giống từ vụ trước để lại hoặc tự trao đổi trong nội bộ nên dẫn đến giống lúa bị thoái hóa, chất lượng giống giảm, năng suất thấp, giá bán thấp dễ bị nhiễm sâu bệnh khi có dịch bệnh tấn công. Bây giờ, nhờ được tham gia các lớp tập huấn do ngành chức năng tổ chức nên biết áp dụng kỹ thuật tiên tiến và sử dụng các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Không những vậy, vụ Hè - Thu vừa rồi toàn bộ diện tích gieo cấy của gia đình đã chuyển sang làm lúa đặc sản nên giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với sử dụng các giống lúa khác. Vụ Đông - Xuân này tôi làm giống Đài thơm 8, nếu chăm sóc tốt, ước tính năng suất trên 6 tấn/ha”.

Như để chứng minh những ưu điểm của giống lúa đang sản xuất, chú Đấu đưa chúng tôi ra thăm diện tích lúa Đông - Xuân của gia đình. “Vì diện tích lúa của gia đình nằm trong cánh đồng mẫu nên quá trình canh tác được thực hiện đồng loạt và tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt trong khâu chọn giống. Vụ Đông - Xuân tôi đã gieo sạ hơn 40 ngày, lúa phát triển rất tốt và chưa phải xịt thuốc lần nào. Qua sản xuất, tôi thấy các giống lúa đặc sản không chỉ kháng bệnh tốt mà còn có giá trị hơn rất nhiều giống lúa đã sử dụng trước đây. Nếu so sánh thì 1 công lúa đặc sản khi bán có giá trị cao hơn các giống lúa thường trên 300.000 đồng” - chú Đấu cho hay.

Theo đồng chí Huỳnh Bảo Quốc, diện tích sản xuất và thu hoạch lúa năm 2018 trên địa bàn thành phố là 7.623ha, năng suất đạt 5,7 tấn/ha; sản lượng là 43.832 tấn. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, diện tích lúa đặc sản thời gian gần đây trên địa bàn thành phố không ngừng mở rộng. Chỉ tính riêng vụ lúa Đông - Xuân 2018 - 2019 đã xuống giống 3.471ha lúa đặc sản, trong đó Phường 5 là địa phương có diện tích lúa đặc sản lớn nhất của thành phố, với 1.394ha và Phường 8 có diện tích 410ha.

Hiện nay, giống lúa chủ lực được nông dân trên địa bàn thành phố lựa chọn sản xuất nhiều như: OM6976, OM4900, OM5451, Đài thơm 8, ST20, ST24, RVT. Các giống lúa này đều ngắn ngày, năng suất cao, có khả năng chống chịu với những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, để đảm bảo người trồng lúa có lời, ngoài chọn được giống lúa tốt thì trong quá trình sản xuất, nông dân cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật mới như “1 phải 5 giảm” để hạn chế về những chi phí bất hợp lý không cần thiết, tăng năng suất, chất lượng và thu nhập. Điều quan trọng nhất, cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp và người trồng lúa.

Cùng với nỗ lực thay đổi cơ cấu giống và có quy hoạch cụ thể nên lúa đặc sản phát triển theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bước đầu đã có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp, giúp nông dân tiêu thụ lúa thuận lợi, mở ra hướng đi bền vững cho người trồng lúa. Theo số liệu thống kê, năm 2018, diện tích liên kết tiêu thụ lúa của thành phố ước thực hiện là 1.033ha.

Đồng chí Huỳnh Bảo Quốc cho biết thêm: “Trong thời gian tới, để mở rộng diện tích lúa đặc sản, mang lại hiệu quả cao cho người trồng lúa, chúng tôi tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty, trại sản xuất giống, tiểu thương ở các nơi liên kết tiêu thụ lúa gạo thông qua xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn để tăng sức cạnh tranh, giúp nông dân tăng thu nhập, phát triển nông nghiệp bền vững”.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: