• Thi đua - Khen thưởng

Nữ Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thị Minh Lý:

Luôn sống vì đồng chí, đồng đội và nhân dân

09/12/2018 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 09/12/2018 | 06:02

STO - Khi còn trong chiến tranh cô là người giành giật sự sống cho đồng chí, đồng đội, nhân dân dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Đến cái tuổi thuộc hàng xưa nay hiếm, người chiến sĩ anh hùng ấy vẫn sống và nghĩ cho mọi người.

Ở cái tuổi 83, nhưng những miền ký ức về cuộc chiến ác liệt chống giặc cứu nước vẫn in đậm trong tâm trí của nữ đại tá Phạm Thị Minh Lý - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Là thầy thuốc, cô quan niệm y đức quan trọng nhất, làm gì cũng thận trọng, theo dõi tình trạng sức khỏe của anh em từng li từng tí, chịu trách nhiệm đối với thương binh. Cô xem bệnh nhân của mình là người nhà, tự tay cô chăm sóc từ giăng võng đến lo từng chỗ ngủ cho anh em. Trong điều kiện thiếu thốn về dụng cụ y tế, thuốc men, cô Mười Hoa đã có những sáng kiến nâng cao chất lượng chữa bệnh cho bệnh nhân.

Đại tá Phạm Thị Minh Lý (Mười Hoa), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (bên trái) dự gặp mặt cán bộ cao cấp nghỉ hưu nhân kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Bộ CHQS tỉnh.

Nữ anh hùng được mọi người gọi bằng nhiều cái tên thân thương

Hồi 8 tuổi, tên cô trùng với tên ông dượng, làm rể trong gia đình. Vì sự trùng tên này nên cha mẹ cô gọi cô là Minh Ánh thay cho Minh Lý. Về quê, ở trong xóm người ta hay gọi cô là Ánh. Trong quá trình hoạt động cách mạng cô có rất nhiều tên. Khi làm hộ sinh, người dân trong vùng gọi cô là cô Sáu mụ. Có người gọi cô là cô Tư, cô Ba, nhưng không thành danh.

Có một cái tên đã theo cô suốt thời gian dài và đến nay, nhắc đến cô, anh em, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp vẫn hay gọi cô là Mười Hoa. Với cô, cái tên này rất có ý nghĩa, giờ đi từ Nam ra Bắc ai cũng gọi cô với cái tên thân thương Mười Hoa. Cô Minh Lý kể rõ: “Khi công tác ở xã Tân Thạnh (nay thuộc huyện Long Phú), theo chủ trương của trên, các đảng viên phải đổi tên để tránh sự truy lùng của địch. Tên thật trong giấy khai sinh thì dùng trong nội bộ Đảng. Vốn trong gia đình cô thứ ba, nhưng cô lại lấy tên thứ mười. Ban đầu cô lấy tên Mười Bông, sau anh em nói gọi Mười Hoa hay hơn, đẹp hơn. Kể từ đó cô lấy tên Mười Hoa”.

Thích nghề y vì ý nghĩa cứu người

Từ nhỏ cô quyết định chọn nghề thầy thuốc vì cảm thấy yêu thích công việc này. Cô Mười Hoa chia sẻ: “Tuổi 14, cô không hiểu nghề thầy thuốc là gì nhưng thấy người làm việc đó hiền, ai bệnh thì đi cứu”. Với suy nghĩ tưởng chừng đơn giản của thiếu nữ 14 tuổi nhưng đó là động lực thôi thúc cô trở thành người thầy thuốc giỏi, giành giật sự sống cho đồng chí, đồng đội, nhân dân dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Sau khi hoàn thành khóa y tá ngoại khoa, cô phục vụ trong ngành quân y suốt trường kỳ kháng chiến chống giặc cứu nước.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, cô nhận quyết định ở lại miền Nam, không tập kết ra Bắc. Lúc đó, cô là y tá, nhưng vốn tính nhanh nhẹn, thường được theo phòng mổ nên cô được phân công bảo vệ sức khỏe cán bộ Tỉnh ủy. Nhắc đến chuyện xưa, cô nhớ rõ: “Lúc đó cô còn khờ lắm, nghĩ bảo vệ là cầm súng bảo vệ. Dần dà cô cũng quen việc, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ. Càng làm thì cô càng tiến bộ. Hàng ngũ cán bộ càng tiến thì cô cũng tiến lên”. Cô cũng chăm làm công tác quần chúng, chăm sóc người đau yếu, bệnh tật, đỡ đẻ, chăm trẻ sơ sinh… ai cần giúp việc gì thì cô không từ chối, làm hết mọi việc.

Là người chuyên trị thương cho thương binh nhưng không ít lần cô bị thương nặng phải mổ điều trị. Cô vừa đùa vừa thật: “Cái bụng của cô mổ nhiều nên từ Bắc đến Nam ai cũng biết”. Có những lúc mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng cô không mải mai lo sợ, cô chấp nhận hy sinh thân thể của mình, miễn sao làm tròn phần việc.

Người làm nên điều thần kỳ

Hoạt động trong ngành y, cô Mười Hoa cùng với đơn vị đã cứu sống, trị bệnh cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, người dân. Nhắc đến cô Mười Hoa, mọi người cho rằng cô đã làm nên những điều kỳ diệu. Nhiều thương binh cận kề với cái chết, được cô điều trị thì bình phục một cách không ngờ. Thuở ấy mổ thường không có điều kiện đưa vô phòng mổ vô trùng, người thầy thuốc phải cơ động, có khi mổ ở bờ đìa, giăng cái mùng là tiến hành mổ.

Mặc dù trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ điều trị bệnh không đủ đầy, điều cốt yếu người thầy thuốc phải phát huy nội lực của mình là quyết tâm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Khi chỉ là y sĩ, cô đã sáng kiến khâu được mạch máu bằng sợi tóc. Giọng cô nhẹ nhàng: “Người bị đứt mạch máu nếu không được khâu lại kịp thì máu không xuống được phải bị cưa tay, cưa chân. Cô khâu mạch máu bằng sợi tóc, nên khỏi cưa nhưng vẫn đi đánh giặc được. Ngày xưa đâu có chỉ khâu nên cô phải nghĩ hết sức tìm sợi gì thay thế. Thấy sợi tóc nhỏ và trơn, nó lại là chất sừng nên cô dùng nó làm chỉ khâu. Ngày xưa tóc cô rất dài và đẹp nên làm chỉ khâu rất tốt. Nhiều anh em giờ gặp cô hay cám ơn, bảo nhờ có cô Mười Hoa nên không bị cụt tay, cụt chân”. Nhắc đến chi tiết này, ánh mắt cô sáng lên, cô vừa cười vừa bảo: “Giờ nhiều người mang trong người sợi tóc của cô. Anh em khi bị thương nặng bảo nhau là về gặp cô Mười Hoa là sống”. Cô còn sử dụng nước dừa thay cho nước biển để truyền cho bệnh nhân. Cô còn nhớ như in trong trận đánh Chi khu Vĩnh Thuận (Rạch Giá), 138 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong tình thế nguy cấp, cô đã nghĩ ra cách chuyển thương binh đến nơi an toàn để điều trị. Cô đứng ra mổ liên tục nhiều ngày đêm để cứu sống anh em bị thương.

Những “thước phim hồi ức” về nữ đại tá anh hùng Phạm Thị Minh Lý qua lời kể cứ âm vang mãi trong tôi. Tuy là phái nữ nhưng cô đã viết nên những chiến tích vẻ vang, năm 2013, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cô vẫn sống và nghĩ cho mọi người, làm việc giúp người, đó là cái tâm của người thầy thuốc, chỉ nghĩ đến chuyện cứu người, giành giật sự sống cho người bệnh.

Hương Ly

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: