• Thị xã Ngã Năm

Có thêm thu nhập nhờ nghề đan lưới

29/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 29/10/2018 | 06:00

STO - Trong những ngày qua, mùa nước nổi về đã mang theo nhiều sinh kế cho bà con ở xã Tân Long nói riêng và toàn TX. Ngã Năm nói chung. Theo đó, đan lưới đã trở thành nghề truyền thống ở địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều bà con.

Theo người dân địa phương, mùa nước nổi bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Ngoài việc mang theo lượng phù sa bồi đắp ruộng đồng, sản vật tự nhiên cũng phong phú hơn. Một lượng lớn nguồn lợi thủy sản theo con nước đổ về các cánh đồng. Đây cũng là thời điểm cá tôm bắt đầu “sinh sôi nảy nở”. Cũng từ đây, nghề đan lưới ở xã Tân Long lại “ăn theo” nên cuộc sống của bà con nơi đây nhộn nhịp, sung túc hơn. 

Bà con ở xã Tân Long có nguồn thu nhập ổn định nhờ nghề đan lưới.

Hiện nay, xã Tân Long có 42 hộ gắn bó với nghề đan lưới, trong đó, tập trung chủ yếu ở ấp Long An. Năm nay, dù mới 42 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Thảo ở ấp Long An đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề đan lưới. Theo chị Thảo, quê chị ở tận Huế nhưng theo cha mẹ vào đây lập nghiệp. Nhà không có ruộng đất, cuộc sống bấp bênh nhưng được cha mẹ truyền lại nghề. “Từ khi có nghề lưới trong tay nếu chịu khó làm, một tháng cũng thu nhập khoảng 5 triệu đồng (sau khi đã trừ tiền vốn). Tuy nhiên, làm nghề này không phải ngày nào cũng bán được hàng, chủ yếu mình giao sỉ cho mối nhiều. Nghề đan lưới không khó, chỉ cần chăm chỉ, kiên trì và tinh ý là ai cũng có thể làm được, đặc biệt có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm, giúp tăng thu nhập” - chị Thảo chân tình chia sẻ. 

Cũng theo chị Thảo, nghề đan lưới không cần nhiều vốn, hơn nữa đầu ra rất ổn định vì chủ yếu bán cho mối quen. Khi khách hàng mua về giăng dính nhiều cá thì lần sau họ cứ tìm đến mua và giới thiệu thêm khách hàng. Phương thức làm ăn bây giờ cũng thuận tiện hơn vì khi khách hàng điện thoại đặt lưới thì chỉ cần gửi xe buýt và thanh toán qua ngân hàng. Vì vậy nên thị trường lưới không còn giới hạn ở phạm vi trong tỉnh mà được mở rộng ra các tỉnh lân cận, như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Khi mùa nước nổi về, khách đặt nhiều thì phải thức thâu đêm để làm cho kịp hàng.

Lưới có rất nhiều loại như: lưới 2 phân, 6 phân, 8 phân… để đánh bắt các loại cá khác nhau nên giá bán cũng có sự chênh lệch, trung bình mỗi tấm lưới sau khi hoàn thiện có giá bán từ 60.000 đồng đến gần 200.000 đồng. Trong các công đoạn thì khâu vô phao là quan trọng nhất vì tay lưới khi giăng, cá có dính lưới hay không là do khâu này quyết định.

Lưới trở thành ngư cụ kiếm sống của nhiều hộ gia đình ở xã Tân Long khi mùa nước nổi về.

Chia tay gia đình chị Thảo, chúng tôi ghé thăm gia đình cô Nguyễn Thị Lành, cũng ở ấp Long An. Cô Lành được xem là người có thâm niên trong nghề. Lúc chúng tôi đến, cô Lành đang chuẩn bị đi gửi lưới cho mối ở tận tỉnh Kiên Giang. Vì có vốn nhiều nên cô đã đi lấy nguyên liệu làm lưới về để cung cấp cho bà con quanh xóm. Gia đình cô làm nghề đan lưới từ năm 1985, mới đầu làm với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu để phục vụ cho bà con xung quanh xóm để đánh bắt cá, sau này được vay nguồn vốn từ ngân hàng nên đã mở rộng quy mô.

“Nhờ được vay vốn mà có tiền mua nguyên liệu dự trữ, mỗi lần đi lấy cũng mất từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Ngày xưa làm bằng tay và lấy miệng cắn chì nên rất độc hại. Bây giờ, gia đình tôi mới mua được 2 chiếc máy dập chì nên năng suất cũng tăng hơn so với làm bằng tay rất nhiều, với khoảng 40 tay lưới/ngày. Thời gian bán lưới chạy nhất khi bắt đầu vào mùa nước nổi, có thể bán gấp đôi so với ngày thường, tính ra một tay lưới chỉ lời hơn 10.000 đồng nhưng vì bán số lượng nhiều nên cũng đỡ” - cô Lành vui vẻ thông tin. 

Mấy năm trở lại đây, khi nghề đan lưới được tổ chức lại thì quy mô hoạt động ổn định hơn. Năm 2016, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Tổ hợp tác đan lưới đã chính thức được thành lập, thu hút 16 thành viên tham gia. Từ đó, đan lưới cũng dần trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều bà con.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Kim Thị Mộng Nhi phấn khởi cho biết: “Nghề đan lưới có từ lâu đời và đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Để duy trì nghề truyền thống này, chúng tôi tạo điều kiện cho nhiều bà con được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho bà con”.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, dù hình thức khai thác thủy, hải sản có hiện đại hơn nhưng nghề đan lưới ở Tân Long vẫn không mất đi mà lại ngày càng phát triển bền vững, gắn bó với đời sống của bà con vùng sông nước. Chính nguồn thu nhập từ nghề đan lưới đã giúp nhiều bà con ở xã Tân Long “ăn nên làm ra” và có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn khi mùa nước nổi về, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: