• Thị xã Ngã Năm

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường

22/01/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Hai, 22/01/2018 | 06:00

STO - Thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nông thôn mới Mỹ Quới (TX. Ngã Năm) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Đồng chí Nguyễn Trung Lắm - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Quới cho biết: “Để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện kế hoạch đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời tập trung phát triển kinh tế, chuyển đổi sang sản xuất các giống lúa đặc sản đạt hiệu quả và chất lượng cao. Đặc biệt, phát triển đa dạng hóa các giống cây trồng, vật nuôi để phát huy lợi thế của địa phương”.

Trong chăn nuôi heo, anh Trần Văn Đáng ở ấp Mỹ Tây B, xã Mỹ Quới xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý ô nhiễm môi trường.

Cũng theo đồng chí Lắm, hiện nay, các mô hình chăn nuôi trên địa bàn xã không những tăng về số lượng mà hiệu quả kinh tế cũng tăng lên. Toàn xã có khoảng 17.120 con gia súc và 162.580 con gia cầm. Song song đó, để phá thế độc canh cây lúa 2 vụ/năm, nông dân xã Mỹ Quới đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mở rộng diện tích trồng màu bằng việc đưa màu xuống ruộng; duy trì và phát triển diện tích trồng năn kết hợp nuôi cá ở vùng đất kém hiệu quả; phối hợp ngành chức năng đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Những diện tích trồng cây ăn trái có giá trị cao và mô hình kinh tế có hiệu quả sẽ được nhân rộng. Song song đó, để phát triển kinh tế gia đình, những năm gần đây, nhiều bà con trong xã đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, gắn với bảo vệ môi trường. 

Để tìm hiểu về các mô hình chăn nuôi có hiệu quả của địa phương, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi heo của anh Trần Văn Đáng ở ấp Mỹ Tây B - đây là một trong những hộ phát triển chăn nuôi với quy mô lớn tại địa phương. Trao đổi với chúng tôi, anh Đáng tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi cũng phát triển chăn nuôi nhưng quy mô còn nhỏ lẻ. Cuối năm 2015, được chính quyền địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, vận động nên gia đình đã đăng ký tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp (LCASP) và được dự án hỗ trợ 3 triệu đồng xây hầm biogas, với thể tích 20m3. Vì số lượng đàn heo nhiều nên tôi đầu tư mở rộng hầm lên 32m3. Nhờ đó, chất thải trong chăn nuôi được đưa xuống hầm, gia đình vừa có gas đun nấu, lại tránh ô nhiễm môi trường”. 

Qua tìm hiểu được biết, hệ thống chuồng trại được anh Đáng thiết kế, đầu tư một cách khoa học, gồm: 3 dãy chuồng chăn nuôi, có hệ thống quạt gió lọc khí. Đặc biệt, khâu vệ sinh được thực hiện thường xuyên nên trong và ngoài khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được anh thực hiện tốt nên đàn heo ít rủi ro. Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, gia đình anh Đáng có 30 con heo nái, với hàng trăm con heo con và 200 con heo thịt, trong đó, anh dự tính từ giờ đến Tết Nguyên đán 2018 sẽ xuất chuồng khoảng 100 con heo thịt.

Để giảm chi phí trong chăn nuôi, anh còn mở đại lý thức ăn tại nhà, ngoài phục vụ phát triển chăn nuôi cho gia đình, hàng tháng anh còn cung cấp khoảng 20 tấn thức ăn cho bà con địa phương. Nhờ heo giống sẵn có cùng với nguồn thức ăn được anh lấy ở công ty nên chi phí chăn nuôi giảm, lợi nhuận tăng. Tuy giá heo hơi năm nay giảm hơn so với các năm trước nhưng mô hình nuôi heo của gia đình cũng thu về hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Không chỉ phát triển chăn nuôi, anh Đáng còn giúp đỡ nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương về quy trình và cách thức chăn nuôi đảm bảo an toàn, bền vững. Vì vậy, trên địa bàn xã ngày càng có nhiều hộ phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xây dựng hầm biogas hoặc hầm xử lý chất thải chăn nuôi, áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất… để tạo hiệu quả cao và tăng chất lượng sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Trung Lắm cho biết thêm: “Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con trong chăn nuôi; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân duy trì và phát triển số lượng đàn heo, trâu, bò; kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế”.

Có thể khẳng định, chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường chính là giải pháp quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn. Thành công từ các mô hình chăn nuôi ở xã Mỹ Quới chính là tiền đề để ngành chăn nuôi ở xã nông thôn mới này phát triển ngày càng bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. 

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: