• Thị xã Vĩnh Châu

Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TX. Vĩnh Châu

Đẩy mạnh tuyên truyền học sinh tham gia học nghề

27/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 27/11/2017 | 06:00

STO - Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc cho con em theo học nghề, hoạt động của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TX. Vĩnh Châu đã có phần khởi sắc. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh sau THCS và đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng, tay nghề, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Ông Trần Nhuận Thanh Liêm – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TX. Vĩnh Châu cho biết: “Có thể nói, công tác phân luồng học sinh sau THCS được coi là giải pháp căn cơ để giúp mỗi học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng cách đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội mà không nhất thiết phải theo đuổi con đường đại học. Tuy nhiên, nhiều gia đình và học sinh không thấy được sức học của bản thân học sinh và điều kiện kinh tế gia đình để sớm tìm con đường học nghề, vì vậy có lúc công tác này đã gặp khó khăn”.

Đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cho các địa phương.

Đối với trung tâm, trước năm 2015, số học sinh sau THCS đi học nghề hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, thị xã đã tích cực thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 và Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), trong đó có nội dung “Tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở”. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành trong địa phương, nhất là đối với học sinh, phụ huynh về ý nghĩa, mục đích của việc học nghề phân luồng học sinh sau trung học. Đưa học sinh THCS đi tham quan các trường nghề để các em thấy, hiểu và ham thích với nghề đang đào tạo. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách với người học, người dạy và người sử dụng lao động, nhằm tạo động lực thu hút các em sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Chính sách đó được thể hiện qua học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tạo việc làm và giới thiệu việc làm; chính sách vay vốn… Đặc biệt, đơn vị chú trọng phát triển mô hình giáo dục gắn dạy chữ với dạy nghề, một trung tâm thực hiện 3 chức năng: Dạy nghề - giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp.

Từ các giải pháp đó, những năm gần đây, công tác huy động học viên vào học nghề có chiều hướng khởi sắc hơn. Trong năm học 2015 - 2016, trung tâm mở được 3 lớp trung cấp nghề với 84 học viên và mới đây nhất, đơn vị vừa tuyển sinh 3 lớp trung cấp ngành điện lạnh; cài đặt, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính và chế biến, bảo quản thủy sản với trên 90 học viên. Đồng thời, tuyển sinh lớp cao đẳng mầm non có 36 học viên, đáp ứng nhu cầu giáo viên mầm non tại địa phương. 

Năm 2017, trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng; các công ty tại Tây Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu cho 4.261/4.000 lao động, đạt 106,5% chỉ tiêu thị xã giao. Trong đó, tham gia đi làm việc ngoài nước là 140 lao động; làm việc tại các công ty trong nước là 3.622 lao động; sản xuất tại địa phương là 232 lao động và tự tạo việc làm là 267 lao động. Cũng theo ông Trần Nhuận Thanh Liêm, trước khi liên kết cùng Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng mở lớp, trung tâm luôn cân nhắc, lựa chọn đào tạo những nghề mà địa phương, doanh nghiệp đang cần, giúp các em nhanh chóng có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhờ vậy mà công tác giới thiệu việc làm đạt hiệu quả đáng kể, nhất là các lớp trung cấp nghề đều được nhà trường đảm bảo đầu ra. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề, hướng nghiệp của đơn vị TX. Vĩnh Châu cũng còn không ít khó khăn. Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, công tác huy động học sinh sau THCS ra học nghề bước đầu có những tín hiệu lạc quan nhưng con số vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân cơ bản vẫn là nhận thức của người dân và xã hội đối với công tác giáo dục nghề nghiệp chưa đúng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; coi học nghề ít có tương lai phát triển. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp không theo kịp nhu cầu thực tế; tình hình cơ sở vật chất của trung tâm tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy…

Để khắc phục những hạn chế đó, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn TX. Vĩnh Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người về việc phân luồng học sinh sau THCS. Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TX. Vĩnh Châu chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đạt chuẩn năng lực; phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý; đổi mới phương pháp; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đặc biệt là đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục học viên đúng theo quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, có việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, để mọi người thấy được hiệu quả của việc học nghề.

Bằng những giải pháp thiết thực, hy vọng công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TX. Vĩnh Châu có nhiều khởi sắc hơn nữa, góp phần đáng kể trong đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, đáp ứng tốt cho nhu cầu xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Xuân Mai

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: