Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào:

Cảng biển nước sâu tại Trần Đề có ý nghĩa chiến lược trong phát triển của Sóc Trăng, khu vực và cả nước

29/10/2018 13:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 29/10/2018 | 13:02

STO - Ngày 27-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các thành viên Chính phủ tham gia giải trình ý kiến đại biểu. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm bổ sung cho báo cáo của Chính phủ. Bà Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã phát biểu đóng góp cho sự phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Báo Sóc Trăng xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Bà Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội trường.

Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Với sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương Đảng, hoạt động tích cực, hiệu quả của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự chủ động của các địa phương, sự vào cuộc và đồng tình của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã đưa kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển.

Kết quả cho thấy, trong 12 chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt so với mục tiêu đề ra. Với nhiều điểm sáng quan trọng như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao, tăng trên cả 3 lĩnh vực. Mô hình tăng trưởng cơ cấu lại nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh có nhiều tiến bộ.

Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm và đời sống của nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2019 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, tôi xin đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành một số vấn đề mà các địa phương, nhân dân và cử tri quan tâm, kỳ vọng.

Thứ nhất, trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch 2019, Chính phủ chưa đề cập đến kết quả và chưa có giải pháp chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế biển. Nghị quyết số 36 ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, hình thành văn hóa sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá bổ sung những kết quả đạt được từ kinh tế biển và có xây dựng đề án những định hướng phát triển để các ngành và địa phương có cơ sở triển khai thực hiện phát triển kinh tế biển ngay trong kế hoạch hàng năm của Chính phủ.

Đối với khu vực Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu tại khu vực cửa Trần Đề, cửa sông cuối cùng của 9 cửa sông Cửu Long. Đây là cảng biển mang tính kết nối tổng thể liên vùng, có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ riêng đối với Sóc Trăng mà còn của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Hai, đồng bằng sông Cửu Long với vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian qua mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước cải thiện nền tảng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, qua diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển những năm gần đây đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng. Chỉ riêng tháng 10 vừa qua trên tuyến Quốc lộ 1A từ Hậu Giang qua Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đã bị ngập sâu cục bộ nhiều đoạn gây nguy hiểm cho dân và các phương tiện giao thông. Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm sớm bố trí vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và đối tác công tư PPP để phục vụ ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên gia cố đê bao, phòng chống sạt lở. Mở rộng nâng cấp đoạn đường hẹp, ngập nước trên tuyến Quốc lộ 1A để tạo đồng bộ và thông suốt trên toàn tuyến nhằm thúc đẩy kinh tế đồng bằng sông Cửu Long phát triển, góp phần an dân trước biến đổi khí hậu.

Ba, dự án cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60 là tuyến đường ven biển nối 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và kết nối với Quốc lộ Nam sông Hậu để liên kết các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu. Đây là dự án trọng điểm quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đồng bằng sông Cửu Long. Dự án được khởi động ngày 22-12-2015 có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đến dự và phát biểu tại lễ khởi động. Đã gần 3 năm đến nay vẫn chưa đưa vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Bố trí vốn triển khai thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công năm 2014. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025 để triển khai dự án nhằm đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của các địa phương và nhân dân đồng bằng sông Cửu Long.

Bốn, về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Mô hình sản xuất tôm - lúa đối với vùng đất nhiễm mặn trên địa bàn các tỉnh ven biển Nam bộ bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng người dân không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ như đối với đất chuyên trồng lúa nước. Kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ đối với mô hình sản xuất tôm - lúa nhằm giúp nông dân đầu tư cải tạo các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Năm, về các dự án năng lượng, điện gió, chủ trương của Quốc hội, Chính phủ là giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên năng lượng tái tạo theo quy hoạch phát triển điện gió, tỉnh Sóc Trăng được Bộ Công thương phê duyệt đến năm 2020 sẽ phát triển các dự án điện gió tại 22 vị trí, với quy mô, công suất tiềm năng là 1.470 MW. Tính đến nay mới được phân bổ công suất phát trên lưới 260 MW. Làm cho các nhà đầu tư gặp khó khăn khi đàm phán giá điện, thời gian hòa lưới. Kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh bổ sung các dự án và quy hoạch chủ trương đầu tư theo thực tế triển khai các dự án.

Về các dự án nhiệt điện, theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh trên địa bàn tỉnh có ba nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Long Phú gồm: Nhà máy Long Phú 1, dự kiến đưa vào vận hành năm 2018 – 2019; Nhà máy Long Phú 2 và 3 dự kiến đưa vào vận hành năm 2021 và năm 2022. Trong đó Nhà máy Long Phú 1 triển khai từ tháng 5-2009, dự kiến hòa lưới năm 2011, nhưng do nhiều nguyên nhân đã chậm 8 năm. Việc triển khai mạng lưới truyền tải điện 220kV và 210kV phục vụ các trung tâm điện lực sông Hậu, Hậu Giang và điện quốc gia phục vụ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu chậm triển khai, gây khó khăn cho sản xuất, đầu tư. Để thực hiện đúng tiến độ quy hoạch, đảm bảo hoàn thiện phần việc có liên quan đến dự án, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương khẩn trương xem xét, điều chỉnh nhà đầu tư có năng lực để sớm triển khai dự án với công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường theo đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thanh Khiết

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: