• Thương mại - Dịch vụ

Agribank Chi nhánh Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp và nông thôn

01/10/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 01/10/2020 | 06:00

STO - Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt nên từ đầu tháng 9-2019, Agribank đã triển khai thí điểm Đề án “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp và nông thôn”. Qua hơn một năm triển khai thực hiện thí điểm, đề án đã gặt hái nhiều kết quả khả quan.

Cùng với hệ thống Agribank cả nước, hơn một năm qua, Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng (đơn vị thành viên của Agribank) đã tổ chức thực hiện các mục tiêu của đề án trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sóc Trăng và đã gặt hái nhiều thành công nhất định. Thẻ ngân hàng (thẻ ATM) là phương tiện dùng để thanh toán không dùng tiền mặt, ra đời từ phương thức mua bán hàng hóa, bán lẻ và phát triển gắn liền với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đó chính là công cụ thanh toán do ngân hàng phát hành cấp cho khách hàng sử dụng để thanh toán tiền khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ, rút tiền mặt trong phạm vi số dư trong tài khoản của mình hoặc hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp cho khách hàng tại ATM.

Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thực hiện các mục tiêu của đề án và đã gặt hái nhiều thành công nhất định. Ảnh: ĐÌNH HẢI

Ngay từ khi ra đời trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và tại Sóc Trăng nói riêng, thẻ ATM đã và đang khẳng định được nhiều tính năng ưu việt, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, sau thời gian xuất hiện tại Việt Nam cho thấy, hoạt động của thẻ ATM chỉ phát triển mạnh ở địa bàn đô thị, ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn cơ bản chỉ có các đối tượng là cán bộ, công chức, công nhân sử dụng. Chính vì vậy, Agribank đã quyết định tổ chức thực hiện thí điểm Đề án “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ trên địa bàn nông nghiệp và nông thôn”. Từ đó giúp mọi người dân Việt đều có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng của Agribank từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa.

Ngay những ngày đầu triển khai đề án phát triển dịch vụ thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, hầu hết bà con nông dân rất hồ hởi, phấn khởi đón nhận. Thứ nhất, dịch vụ thẻ đã góp phần mở mang trình độ dân trí, giúp người nông dân tiếp cận với công nghệ thanh toán hiện đại và họ cũng không phải lo tìm chỗ để cất giữ tiền bạc như trước đây. Thứ hai, với hạn mức thấu chi được Agribank cấp cho mỗi tài khoản cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, sẽ giúp bà con sử dụng để thanh toán mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thanh toán tiền điện sinh hoạt, tiền nước, cước phí điện thoại... Thứ ba, khi tiêu thụ nông sản, hàng hóa, bà con không phải lo kiểm đếm tiền và đặc biệt không sợ nhận phải tiền giả như những năm trước đây, vì bên mua sẽ chuyển tiền vào tài khoản của bà con. Thứ tư, hạn mức thấu chi được cấp trong tài khoản của Agribank sẽ góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi từ nhiều năm trước.

Ngay sau khi đề án có hiệu lực, Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng triển khai tổ chức thực hiện đến 11/15 chi nhánh, phòng giao dịch thuộc địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh. Tính đến ngày 15-9-2020, toàn hệ thống Agribank Sóc Trăng đã phát hành 5.149 thẻ và cấp hạn mức thấu chi cho 1.643 khách hàng, số tiền trên 30 tỉ đồng, bình quân mỗi khách hàng được cấp hạn mức thấu chi gần 6 triệu đồng. Với số tiền này, khách hàng có thể thanh toán tiền học phí, tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại và một số nhu cầu tiêu dùng thiết yếu khác cho hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn. Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thí điểm đề án trên 11 chi nhánh, phòng giao dịch của 10 huyện và thị xã, trong đó có 35 máy ATM và hơn 40 máy POS; bình quân mỗi chi nhánh có 2 máy ATM và 3 máy POS. Năm 2020, Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã phát triển 7 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ (máy POS) phục vụ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Qua thời gian thí điểm thực hiện đề án, Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đánh giá cao chủ trương đề án về đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ trên địa bàn nông nhiệp, nông thôn của Agribank. Qua đó, giúp người dân từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán; đồng thời đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu về đấu tranh chống nạn cho vay nặng lãi ở địa bàn nông thôn, góp phần vào công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc cấp cho bà con nông dân một khoản vốn lên đến 30 triệu đồng đã đáp ứng tốt các nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày, thanh toán các dịch vụ công, thanh toán chi phí sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… Thông qua đó, xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ; giúp lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Tuy đây mới là kết quả bước đầu triển khai thí điểm nhưng đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn của Agribank đã phát huy được vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng. Đề án đã giúp ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ ở khu vực nông thôn như tăng số lượng khách hàng mở tài khoản và sử dụng các sản phẩm dịch vụ, mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là kênh gia tăng nguồn vốn giá rẻ cho ngân hàng, đồng thời góp phần tăng nguồn thu dịch vụ theo yêu cầu tại chiến lược phát triển của Agribank giai đoạn 2020 - 2025. Đối với xã hội, thẻ thấu chi góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp, nông thôn theo nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong thời gian tới, sau khi hết thời gian thí điểm, đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn của Agribank sẽ đi vào cuộc sống của hầu hết bà con nông dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, Agribank sẽ tiếp tục đầu tư, trang bị, mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với khách hàng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, từng bước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Việc đẩy mạnh phát triển thẻ tại thị trường nông nghiệp - nông thôn tiếp tục khẳng định vai trò của Agribank đối với “tam nông”, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

NGUYỄN ĐÌNH HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: