• Thương mại - Dịch vụ

Từ “hạt ngọc” Sóc Trăng đến sản phẩm độc đáo

15/08/2019 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 15/08/2019 | 06:01

STO - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP) nhằm góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho những sản phẩm mang tính lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; đồng thời tạo ra phong trào khởi nghiệp. Thông qua chương trình cũng góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng…

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Châu Thành có trên 16 sản phẩm có lợi thế để tham gia vào sản phẩm OCOP. Đây được xem là giải pháp quan trọng để từng bước thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất. Theo thông tin từ lãnh đạo huyện Châu Thành, giai đoạn 2019 - 2020, UBND huyện Châu Thành đã phê duyệt 5 sản phẩm OCOP trên địa bàn các xã. Trong đó, cơ sở Thanh Đại ở xã An Hiệp có đến 2 sản phẩm gồm: Nui khô và bún khô đã được phê duyệt. Đây là động lực rất lớn để cơ sở Thanh Đại phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường nhiều hơn.

Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tham quan quy trình sản xuất của cơ sở Thanh Đại. Ảnh: Quang Bình

Cơ sở Thanh Đại có tổng diện tích 40.000m2, diện tích nhà xưởng khoảng 4.000m2. Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển, đại điện cơ sở Thanh Đại thông tin, cơ sở được hình thành đi vào hoạt động vào năm 1997, do ông Trang Minh Trí làm chủ. Vào năm 1990, bản thân ông Trí quyết định lên TP. Hồ Chí Minh học nghề chế biến bún khô của người chú ruột. Qua thời gian học hỏi, ông Trí đã mang về Sóc Trăng để tìm thị trường nhưng gặp nhiều khó khăn, như: chất lượng, mẫu mã hàng hóa chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng… Sau một thời gian tiếp cận được thị trường, bản thân ông Trí quyết định về địa phương là xã An Hiệp để xây dựng nơi sản xuất, do nguồn nguyên liệu (chủ yếu là gạo) ở đây rất dồi dào. Lúc đó, cơ sở có khoảng 5, 6 công nhân lao động, máy móc thô sơ và sản xuất ra thị trường với sản lượng khá ít.

Ông Trang Minh Trí - chủ cơ sở Thanh Đại cho biết thêm: “Tuy đã có 22 năm kinh nghiệm nhưng trong quá trình sản xuất, bản thân luôn nghiên cứu, tìm tòi học hỏi thêm thị trường, đầu tư máy móc và mẫu mã, từng bước sản xuất ra hàng hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước đây, trong những năm đầu, cơ sở chỉ sản xuất ra 1 mặt hàng là bún khô, đưa ra thị trường tiêu thụ chủ yếu trong huyện, tỉnh. Sau đó, từng bước phát triển rồi nghiên cứu sản xuất thêm mặt hàng như: Nui khô và bánh tráng để tiêu thụ đến các tỉnh bạn”.

Cũng theo thông tin từ ông Trí, nguồn nguyên liệu chủ yếu cơ sở hoàn toàn sử dụng tại địa phương và một số nguyên liệu phụ được lấy từ tỉnh Tây Ninh. Về thiết bị máy móc, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đã được cơ sở mạnh dạn đầu tư với tổng kinh phí trên 6 tỉ đồng, nhằm đảm bảo máy móc để tạo ra sản phẩm có chất lượng, phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng. “Về nhân công, hiện cơ sở chúng tôi đã tạo điều kiện cho người lao động tại địa phương là chính. Theo đó, hàng ngày có khoảng 20 công nhân phục vụ tại cơ sở, lúc cao điểm có những tháng lên đến hơn 30 người, với mức thu nhập khá ổn định” - ông Trí cho biết thêm.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh trực tiếp đến tham quan dây chuyền sản xuất cơ sở Thanh Đại. Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn, đại diện cơ sở đã thông tin đến Bí thư Tỉnh ủy và các thành viên trong đoàn về những thuận lợi, khó khăn và các đề xuất, kiến nghị. Theo đó, nguồn nguyên liệu tại địa phương, giá nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của cơ sở luôn ổn định, thị trường tiêu thụ ít biến động, do đó cơ sở cũng yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, sau khi đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất thì thời gian bảo quản của các sản phẩm được lâu hơn. Về khó khăn thì hiện cơ sở còn thiếu vốn để đầu tư thêm máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, cơ sở đề xuất được hỗ trợ kinh phí để giúp cơ sở đầu tư máy móc để sản xuất ra nhiều sản phẩm có uy tín và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cơ sở lên thành doanh nghiệp tư nhân để ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Với những kết quả bước đầu mà cơ sở Thanh Đại mang lại, đồng chí Phan Văn Sáu đã biểu dương khi cơ sở mạnh dạn đầu tư kinh phí để mua sắm thiết bị máy móc, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất… nên đã tạo ra các sản phẩm độc đáo đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Với những khó khăn và đề xuất của cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy giao các sở, ban ngành liên quan cùng chính quyền địa phương nghiên cứu vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước, của tỉnh và của địa phương trong việc hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp về trang thiết bị cần thiết phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Quang Bình

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: