• Trong nước

Cổ phần hóa để hoạt động hiệu quả hơn

29/05/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 29/05/2018 | 13:00

STO - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 là một nội dung mà Quốc hội tiến hành giám sát tối cao trong năm 2017. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã đóng góp cho nội dung này trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ở các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn là một chủ trương hết sức đúng đắn. Chấp hành chỉ đạo và nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tập trung rất cao để chúng ta đẩy nhanh công tác cổ phần hóa. Trong quá trình triển khai, chúng tôi thấy ngành giao thông cũng có một số thuận lợi, đó là nhiều doanh nghiệp tư nhân giai đoạn năm 2011 họ hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các công trình giao thông cũng rất tốt.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo nên sự đồng thuận cao, nếu cổ phần hóa tốt các doanh nghiệp nhà nước, chúng ta chuyển sang cơ chế công ty cổ phần, một mô hình quản lý mới, tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ở lĩnh vực giao thông thuần túy là một ngành kinh tế xây dựng, không có yếu tố an ninh quốc phòng lớn, các công ty liên quan công tác thiết kế và xây dựng công trình đã triển khai rất tốt. Khi thực hiện chủ trương này, chúng tôi cũng quán triệt theo chỉ đạo của Trung ương, những lĩnh vực nào tư nhân làm được và làm tốt thì cố gắng đẩy nhanh cổ phần hóa để chúng ta thoái phần vốn của Nhà nước phục vụ vào những công việc khác. Còn riêng những doanh nghiệp mới sẽ thực hiện trách nhiệm của mình như một mô hình mới và đảm bảo hiệu quả.

Như vậy, thực hiện chủ trương này. Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải trong giai đoạn 2011 - 2016 phải cổ phần hóa 70 doanh nghiệp, trong đó có 9 công ty mẹ, tổng công ty và 61 công ty còn lại là công ty thành viên. Khi chúng tôi triển khai, giai đoạn này có nhiều công trình, dự án trọng điểm, chúng ta thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; Nghị quyết của Quốc hội để bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ đã thực hiện chủ trương này rất tốt. Kết quả, thực hiện cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, trong đó theo phê duyệt của Chính phủ là 67 doanh nghiệp. Trong 137 doanh nghiệp có 12 đơn vị là tổng công ty, phần còn lại là các doanh nghiệp trực thuộc các tổng công ty. Quá trình thực hiện, chúng tôi thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa, phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương thực hiện các khâu đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Đối với Bộ Giao thông Vận tải khi cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tất cả các công ty khi niêm yết và bán, giá bán được cao hơn giá niêm yết, do đó lợi nhuận đem lại tương đối cao. Cụ thể khi cổ phần hóa 12 tổng công ty, giá trị ban đầu nêu ra chỉ là 2.153 tỉ đồng, thực tế cổ phần hóa được 2.785 tỉ đồng, tăng 632 tỉ đồng. Còn 133 doanh nghiệp thuộc các tổng công ty, chúng tôi cổ phần hóa giá trị thu về được 4.184 tỉ đồng, tăng tới 1.280 tỉ đồng (lúc đó niêm yết chỉ 2.904 tỉ đồng). Khi IPO, chúng tôi tiến hành cổ phần hóa và bán ngay từ ban đầu, cổ phiếu của các công ty nhà nước chuyển qua công ty cổ phần được giá rất cao.

Nguyên nhân, các doanh nghiệp tư nhân nếu thành lập doanh nghiệp mới, họ cần có thời gian, kinh nghiệm để tham gia các gói thầu. Còn các công ty, tổng công ty nhà nước của ngành giao thông có lịch sử lâu dài, có truyền thống tham gia những công trình, dự án lớn, do đó khi cổ phần hóa, doanh nghiệp mới sẽ hoạt động rất hiệu quả vì đã có thâm niên, đã có những công trình tương tự, có hồ sơ, kinh nghiệm để có thể tham gia đấu thầu. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhà nước không được tham gia vào một số gói thầu do một số nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu, một số gói thầu ODA không cho doanh nghiệp nhà nước tham gia. Nếu chúng ta chuyển qua mô hình cổ phần thì những doanh nghiệp này có thể tham gia đấu thầu sòng phẳng với các doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nước ngoài, do đó những thuận lợi này làm cho hoạt động của các doanh nghiệp được cổ phần hóa sẽ có hiệu quả cao. Cụ thể theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến năm 2016, chúng tôi lấy 18 tổng công ty đã cổ phần, trong đó có thể có số liệu là doanh thu thì tăng không nhiều, khoảng 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế, do chúng ta quản trị tốt, tăng lên tới 194%, nghĩa là bình quân mỗi năm tăng tới 40%, còn thu nhập của người lao động tăng 32% trong vòng 4 năm.

Nói chung, những doanh nghiệp mà Bộ Giao thông Vận tải cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2016, đến thời điểm này, gần như toàn bộ hoạt động có hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động và cũng đảm đương được nhiệm vụ là xây dựng những công trình giao thông trọng điểm. Chúng ta đã khánh thành cầu Cao Lãnh, một công trình rất lớn nhưng từ mối trụ cho đến thân trụ tháp hoàn toàn do các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng. Các công ty này, một số là cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải và một số doanh nghiệp là tư nhân, chứng tỏ rằng mặc dù mô hình mới nhưng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải, những công ty này đều thực hiện rất tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh một số mặt tích cực, khi chuyển qua mô hình mới, các công ty cũng gặp một số khó khăn nhất định. Ví dụ như công tác Đảng, công tác đoàn thể ở các công ty cổ phần hiện nay hoạt động so với công ty là doanh nghiệp nhà nước thì có một số khó khăn. Khi cổ phần hóa, chúng ta có cổ đông, có hội đồng quản trị, một số đơn vị có yếu tố nước ngoài và tư nhân nên hoạt động có một số khó khăn. Chúng tôi cũng đang kiến nghị phải xem xét làm thế nào phải có mô hình mới để hoạt động Đảng, đoàn thể ở các công ty cổ phần, nhất là những công ty cổ phần mà vốn nhà nước còn thấp, hoạt động có hiệu quả.

Thứ hai, về chuyên môn, chúng tôi xem các doanh nghiệp cổ phần hóa như là thành viên của ngành giao thông vận tải, bởi chúng tôi cũng phải dựa vào các công ty này làm nền tảng cho công tác khảo sát thiết kế và thi công. Ví dụ như TEDI là một công ty thiết kế giao thông vận tải trước đây vốn 100% Nhà nước, sau khi cổ phần hóa, hiện nay chúng tôi sử dụng TEDI để thiết kế đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đang lập đề án phát triển đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao cũng dựa trên nền tảng của TEDI, nhưng TEDI hiện nay TEDI cổ phần 100% không còn vốn của Nhà nước.

Nói như vậy để thấy rằng, chúng tôi luôn xem các thành viên này là một bộ phận không thể tách rời của ngành giao thông vận tải. Chúng tôi phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các đơn vị này hoạt động có hiệu quả và ngày càng vững vàng hơn về kinh nghiệm để có thể đảm đương những công việc của ngành giao thông vận tải, hay một số công ty tư nhân quản lý rất gọn nhẹ, khi chuyển qua mô hình cổ phần hóa thì một bộ phận cán bộ không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ của công ty mới thì công việc khó khăn, thậm chí thu nhập có thể giảm, vì ở những công ty cổ phần người ta lấy hiệu quả làm đầu để giải quyết lương cho cán bộ và giữ chân nguồn lực chất lượng cao, mặc dù trẻ, mới nhưng đóng góp lớn thì cũng có thể có nguồn lương cao. Còn những đồng chí thâm niên, nhưng chỉ làm hành chính, quản trị, không nhạy bén trong môi trường mới thì cũng có một số khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xem như công đoàn viên của ngành giao thông vận tải. Công đoàn của ngành giao thông vận tải cùng với lãnh đạo bộ có những quỹ, giải pháp để làm việc với các doanh nghiệp giải quyết chính sách cho cán bộ, công nhân viên đã có nhiều năm gắn bó với ngành, cũng như phục vụ trong các doanh nghiệp nhà nước và hiện nay phục vụ trong các doanh nghiệp cổ phần.

Tóm lại, có thể nói từ lĩnh vực ngành giao thông vận tải quản lý, chúng tôi thấy hầu hết các đơn vị được cổ phần hóa đến thời điểm này hoạt động có hiệu quả và hoạt động ngày càng tốt hơn. Tôi nghĩ chủ trương cổ phần hóa trong giai đoạn sắp tới, theo quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải, chúng ta mạnh dạn thực hiện đúng chủ trương, những lĩnh vực nào nhạy cảm, lĩnh vực nào liên quan đến an ninh, quốc phòng thì chúng ta giữ lại. Còn những lĩnh vực khác thì chúng ta cố gắng cổ phần hóa để giải phóng nguồn lực, phát triển những hạ tầng thiết yếu hiện nay đang có; hoạt động sản xuất kinh doanh thì để cho mô hình mới của các doanh nghiệp cổ phần.

Thanh Khiết (Lược ghi)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: