• Trong tỉnh

Phản biện dự thảo chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy chữ Khmer và chữ Hoa trên địa bàn tỉnh

19/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 19/06/2019 | 06:00

STO - Chiều ngày 18-6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy chữ Khmer và chữ Hoa trên địa bàn tỉnh. Đến dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh có liên quan, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Hội Tương tế người Hoa TP. Sóc Trăng, các trường và cán bộ hưu trí là người Khmer.

Việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giúp các dân tộc có điều kiện phát triển và tiến bộ nhanh về kinh tế, văn hóa - xã hội. Tại hội nghị, các đại biểu được nghe trình bày tóm tắt nội dung của dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết ban hành chính sách; đề cương dự thảo nghị quyết; báo cáo đánh giá thực trạng các vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng chính sách đặc thù; báo cáo đánh giá tác động chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy chữ Khmer tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer vào dịp hè và chữ Hoa tại các trường dân lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Các đại biểu dự hội nghị.

Toàn tỉnh hiện nay có 79/92 chùa tổ chức dạy chữ Khmer vào các dịp hè, trong đó có 329 lớp, có 380 vị sư và Achar tham gia dạy học cho gần 7.750 học sinh; 4 trường phổ thông dạy tiếng Hoa, với 59 lớp, có hơn 1.800 học sinh theo học và 56 giáo viên dạy tiếng Hoa, tổng số tiết dạy là trên 38.600 tiết (số liệu năm học 2018 - 2019). Việc dạy, học chữ Khmer tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer vào các dịp hè và việc dạy, học tại các trường dân lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Thời gian qua, hoạt động này được thực hiện nghiêm túc và có chất lượng. Tuy nhiên, các đối tượng này chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ nào. Vì vậy, việc xây dựng chính sách là rất cần thiết và cấp bách nhằm hỗ trợ khích lệ đối với các trường hợp dạy chữ Khmer và chữ Hoa để khuyến khích, tạo động lực tiếp tục bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer cũng như dân tộc Hoa trong thời gian tới.

Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của nghị quyết; mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết; về tên gọi tên trường dân lập thành ngoài công lập; thời gian hỗ trợ chính sách; cách quản lý lớp cho hợp lý (mỗi lớp từ 20 học sinh trở lên); đối tượng đứng lớp và đề nghị các ban ngành có liên quan xem xét những đối tượng dạy chữ ngoài các chùa Phật giáo Nam tông Khmer hay tại các salatel, dạy trong phum sóc sẽ được hỗ trợ chính sách như nhau (mỗi tiết dạy là 40.000 đồng).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Mai Thanh Tùng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, sẽ tổng hợp để báo cáo với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu; đồng thời trình Thường trực HĐND tỉnh phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ, nhằm góp phần nâng cao trình độ học vấn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và xây dựng đời sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

T.P

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: