• Trong tỉnh

Thường xuyên kiểm tra, rà soát để chính sách dân tộc đến đúng đối tượng

18/07/2018 12:29 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 18/07/2018 | 12:29

STO - Đó là nội dung được đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh trong hội nghị giao ban công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 với Ban Dân tộc 9 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng vào sáng ngày 18-7.

Dự hội nghị còn có các đồng chí: Phan Văn Sáu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 9; lãnh đạo Cục An ninh Tây Nam bộ, Bộ Công an; lãnh đạo các vụ thuộc Ủy ban Dân tộc.

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác dân tộc các tỉnh, thành Tây Nam bộ. Ảnh: Phước Liêu

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện nay các tỉnh, thành Tây Nam bộ có 95 xã khu vực III, 14 xã biên giới đang được Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ. Từ đầu năm 2018 đến nay, các tỉnh, thành Tây Nam bộ được phân bổ kinh phí trên 270 tỉ đồng để triển khai thực hiện các chính dân tộc về: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, nâng cao năng lực cộng đồng, cán bộ sơ sở và các chính sách khác.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành Tây Nam bộ cũng thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu Thành ủy, Tỉnh ủy và UBND thành phố, UBND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh. Phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố còn ký kết và thực hiện nhiều chương trình phối hợp với các sở, ban ngành, MTTQ và các đoàn thể về công tác dân tộc.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì hội nghị giao ban. Ảnh: Phước Liêu

Công tác giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc luôn được chú trọng, các tỉnh, thành Tây Nam bộ có 34 trường phổ thông dân tộc nội trú với 9.634 học sinh. Chất lượng giáo dục đạt khá tốt và ổn định qua các năm học, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 trong khu vực là 99,5%. Thực hiện chính sách đặc thù đối với đồng bào Khmer, đã thành lập 3 trường đào tạo đội ngũ trí thức tôn giáo: Trường Bổ túc Văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng; Trường Trung cấp Pali Khmer tại tỉnh Trà Vinh; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP. Cần Thơ.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Tính đến nay, khu vực Tây Nam bộ có 19 di tích lịch sử cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh; 3 loại hình nghệ thuật đặc sắc, 2 loại hình lễ hội dân gian của đồng bào Khmer được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đã xây dựng chương trình phục vụ đồng bào vùng sâu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc.

Đồng chí Trần Văn Chuyện báo cáo về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Phước Liêu

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau đã chia sẻ thuận lợi, khó khăn trong thực hiện công tác dân tộc. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc đối với những chính sách chưa phù hợp với vùng Tây Nam bộ.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phước Liêu

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị các tỉnh, thành Tây Nam bộ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các quyết định, đề án và thường xuyên kiểm tra, giám sát để chính sách dân tộc đến đúng đối tượng thụ hưởng; chủ động rà soát và kiến nghị giải quyết sớm nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tham mưu giải quyết kịp thời những bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường phối hợp nắm bắt tình hình di cư của đồng bào dân tộc thiểu số đến những khu công nghiệp thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ để có chính sách hỗ trợ ổn định cuộc sống lâu dài.

Phước Liêu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: