• Văn hóa - Thể thao

Chuyện về hai người phụ nữ ở xã Gia Hòa anh hùng

20/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 20/10/2019 | 06:00

STO - Chuyện kể về bà Đặng Thị Mai và bà Lâm Thị Ý, hai người phụ nữ dũng cảm, không khiếp sợ trước quân thù. Hai người phụ nữ ấy hội tụ những đức tính và phẩm chất cao quý, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trong dịp đến thăm ngôi đình thần thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mà nhân dân làng Gia Hòa năm xưa (nay là xã Gia Hòa 1) đã dựng lên, qua lời giới thiệu của ông Mười Thơ (được nhân dân tín nhiệm cử làm Trưởng Ban xây dựng đình thần), tôi mới biết về bà Đặng Thị Mai hay còn gọi là dì Năm Mai hoặc bà Năm Hiển (cách gọi theo tên của chồng là liệt sĩ Trần Văn Hiển), người hết lòng với cách mạng trong những năm chiến tranh ác liệt. Chiến tranh để lại trên người phụ nữ ấy những vết thương, khiến bà rất khó khăn khi quỳ lạy trước bàn thờ thần Nguyễn Trung Trực. Nhìn những vết thương đó làm cho người đối diện nghĩ rằng “được sống là một điều kỳ diệu”.

Tuy giọng nói của dì Năm Mai hơi khó nghe vì hàm trên của dì được làm bằng vật liệu nhân tạo thay cho vết thương đã bị đạn bắn nát, nhưng tôi cũng hiểu và ghi nhận được về câu chuyện của dì ngày trước. Theo dì Năm kể lại, vợ chồng dì là một gia đình nông dân nghèo nhưng hết lòng gắn bó với cách mạng. Trong khu vườn tạp chung quanh căn chòi nhỏ bằng lá, vợ chồng dì có đào 2 căn hầm bí mật, có lúc nuôi giấu đến 10 đồng chí, trong đó có nuôi giấu đồng chí Phan Văn Thi, tự là Tư Đẩu (Bí thư xã, sau giải phóng là Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên) nằm dưỡng thương dưới hầm, một tay dì phải lo thuốc men, cơm nước và vệ sinh hàng ngày.

Trong một buổi chiều ngày 29-3-1969, vào khoảng 3 giờ khi nghe tiếng trực thăng “cá nhái” bay từ Bạc Liêu lên, nó cứ quần thảo bên trên khu vườn của dì. Dì vội để đứa con trai mới 8 tháng tuổi lên võng và chạy ra vườn để tìm cách ngụy trang nhằm bảo vệ sự an toàn cho các đồng chí đang còn ẩn núp ở bên dưới. Bọn địch đã phát hiện ra dì nên chúng bắn đại liên xối xả xuống căn chòi, làm căn chòi bốc cháy và dì bị thương nặng, bất tỉnh. Mãi cho đến 4 tháng sau, khi vẫn còn được sống và từ căn cứ Long Bình của Mỹ trở về, dì mới biết thêm câu chuyện về nỗi đau mất con, mạng sống của dì còn được là cũng nhờ sự giúp đỡ hết lòng của bà con trong xóm.

Uống một hớp nước trà, dì Năm chậm những giọt nước mắt trào ra khi hồi tưởng lại cuộc đời của mình để kể tiếp câu chuyện đầy cảm động ấy. Dì kể: “Theo bà con kể lại, khi chiếc cá nhái bay đi, bà con chung quanh chạy đến dập tắt những đám lửa còn cháy ở căn chòi, đem dì và xác đứa con trai ra gần mé lộ. Lúc đó bọn lính của đồn Cây Cồng cũng vừa kéo đến. Thấy dì vẫn còn thoi thóp thở nên bà con bao vây  bọn lính đồn đấu tranh quyết liệt, yêu cầu chúng phải đưa dì đi chữa trị. Buộc tên trưởng đồn phải điện xin ý kiến của bọn chỉ huy cấp trên. Một lúc sau, thấy một chiếc trực thăng đáp xuống có 2 tên Mỹ nhảy xuống đưa dì lên máy bay. Bà con vây quanh buộc chúng cho người đi theo dì. Khi ấy, Ba Ý là cháu họ xa (tuổi đời cũng trạc tuổi với dì, cả hai chơi thân với nhau từ nhỏ) nhảy lên cùng đi theo, nhờ vậy mà dì mới có thể sống sót cho đến ngày hôm nay. Ngày dì trở lại quê, bà con chung quanh không ai tin dì còn sống và ngay cả chồng dì, ông Năm Hiển đã lập bàn thờ vì nghĩ rằng dì đã chết sau chuyến đi bằng trực thăng đó. Trên người dì đầy vết thương, mất một mắt, bể hàm trên, đứt một vài đoạn ruột, mất một quả thận, chân và tay đều bị đạn gãy nát. Dì như người “thân tàn, ma dại”. Nỗi đau trên người và trong lòng của dì chưa kịp lành, thì ông Năm Hiển hy sinh trong một lần đi ra hầm tiếp tế cho các đồng chí của mình, do ông vướng lựu đạn do địch cài. Dù mất chồng, mất một đứa con, dì vẫn phải cố sống để nuôi 7 đứa con còn thơ dạy.

Từ câu chuyện đầy thương tâm và cảm động đó, tôi tìm đến để xin diện kiến với người phụ nữ đã dám leo lên chiếc trực thăng đi theo dì Năm Mai. Với một dáng vẻ nhân từ, giản dị, bà Lâm Thị Ý, bà con thường gọi là bà Ba Ý hay bà Năm Sơn vì bà có chồng là ông Nguyễn Thanh Sơn, vào thời điểm đó là Huyện đội phó Mỹ Xuyên, nay là Trưởng Ban Liên lạc binh vận tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam. Bà Năm Sơn kể lại: “Lúc đó, tôi vừa được 30 tuổi, chồng thì đã được rút về Huyện đội Mỹ Xuyên công tác, một mình tôi phải lo làm ruộng để nuôi 5 đứa con nhỏ. Khi máy bay đáp xuống để chở dì Năm Mai đi, tôi thấy dì Năm bị thương nặng quá, nếu để dì Năm đi một mình thì không biết có chuyện gì xảy ra không? Nên không ngần ngại tôi leo lên máy bay đi cùng dì. Đến lúc máy bay lên cao, nhìn xuống căn chòi của mình, thấy 4 đứa con khóc lóc vẫy theo còn thằng nhỏ thì đang bò lê trên mặt đất, làm lòng dạ tôi càng rối bời. Khi máy bay bay trên một dòng sông lớn và đang hạ thấp dần xuống. Tôi lại càng lo hơn khi thấy hai tên Mỹ nói chuyện gì đó với nhau và chỉ tay xuống phía dưới làm tôi sợ tôi và dì Năm Mai bị chúng ném xuống sông để phi tang tội ác của chúng. Khi máy bay đáp xuống một căn cứ mà sau đó tôi mới biết đó là phi trường Trà Nóc ở Cần Thơ, dì Năm Mai được đưa vào một căn phòng có cửa kính sáng đèn, còn tôi thì ngồi lại ở một góc phòng kế bên. Đêm đó tôi không tài nào chợp được mắt vì lo cho dì Năm Mai không biết có qua khỏi vì bị thương quá nặng và con tôi ở nhà chúng ra sao?

Đến khi dì Năm qua hồi nguy hiểm, tôi trở về quê. Bà con chung quanh nghe tin kéo đến vừa hỏi han đủ thứ chuyện, vừa khâm phục tinh thần gan dạ, vừa mừng cho tôi bình an trở về vì nhiều người nghĩ rằng đã ở trong tay của kẻ thù mà được bình an trở về là một việc hiếm có. Khi được ôm 5 đứa con vào lòng, con gái thứ tư tên Ngọc Hồ lúc đó mới 5 tuổi bảo, lớn lên con làm bác sĩ để cứu người như mẹ. Và thực vậy, hiện nay, cháu đã là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y tế Phương Châu, bệnh viện đã có tiếng vang về chuyên môn và y đức phục vụ ở Cần Thơ, Sa Đéc và trong năm sau (2020) Bệnh viện Phương Châu ở Sóc Trăng sẽ tiếp tục phục vụ cho bà con tỉnh nhà.

Sau khi dặn dò người giúp việc chuẩn bị món ăn chiều cho chồng, bà Năm Sơn nói tiếp: “Cuộc đời của ai rồi cũng sẽ trôi đi theo năm tháng, mình phải vượt qua đau khổ để vui sống chú à! Với dì Năm Mai mỗi khi có dịp về lại xã Gia Hòa, tôi thường ghé thăm, an ủi, động viên dì Năm Mai, nhắc lại những chuyện vui  tuổi thơ của hai dì cháu, để quên đi nỗi đau của những ngày còn chiến tranh ác liệt. Riêng cuộc sống của gia đình tôi thật hạnh phúc, mà hạnh phúc nhất là cháu Ngọc Hồ với lời nói năm xưa nay đã trở thành hiện thực - là một bác sĩ ngày đêm chữa trị cứu người và luôn mang niềm vui đến mọi người, mọi nhà”.

Lê Sơn

Cán bộ hưu trí Phường 3, TP. Sóc Trăng

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: