• Văn hóa - Thể thao

Đầu Xuân gặp gỡ những vận động viên “vàng”

14/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 14/02/2021 | 06:00

STO - Đó là những gương mặt vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao tỉnh Sóc Trăng đã khổ luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao để vượt qua mọi khó khăn, thử thách với mục tiêu mang những tấm huy chương vàng (HCV) danh giá cho địa phương, tại các đấu trường khu vực và toàn quốc trong những năm qua.

Nữ lực sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga - góp “vàng” đón tết càng vui hơn

Trong những ngày diễn ra Giải cử tạ Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ VIII - Vĩnh Long năm 2020, do tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức, điều làm cho chúng tôi ấn tượng nhất là lực sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga (20 tuổi) đã góp được 3 HCV hạng cân 63kg nữ cho đơn vị chủ nhà. Để thực hiện thành công ở hạng cân này, trước khi bước vào sàn thi đấu, ban huấn luyện đã động viên học trò cố gắng thi đấu hết mình. Từ lời động viên của các huấn luyện viên (HLV) giúp cho Hồng Nga tự tin và tập trung cao độ trong từng động tác cử giật để nâng đôi thép tròn với trọng lượng 81kg và giành tấm HCV đầu tiên. Bước sang nội dung cử đẩy, Hồng Nga tiếp tục thi đấu thành công, với trọng lượng tạ 102kg để góp thêm HCV thứ 2 và tổng hai động tác là 183kg giành thêm 1 HCV thứ ba. Trong niềm phấn khởi khi giành được “vàng”, nữ lực sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi bản thân em vẫn giữ được thành tích của mình. Đón Tết Tân Sửu năm nay càng có ý nghĩa và vui hơn khi em góp “vàng” cho thể thao tỉnh nhà”.

Khi hỏi về những thành tích giành được trong những năm qua, Hồng Nga vui mừng cho biết: “Chỉ trong năm 2020, ngoài 3 HCV tại Giải cử tạ Đại hội Thể thao ĐBSCL, em còn giành được 3 HCV của Giải cử tạ trẻ toàn quốc tại Hà Nội, 3 HCV Giải vô địch cử tạ toàn quốc tại TP. Hồ Chí Minh và phá kỷ lục nội dung cử giật, với trọng lượng tạ là 91kg (kỷ lục cũ 90kg). Đặc biệt, kỷ niệm đáng nhớ nhất vào năm 2018, em cùng đội tuyển cử tạ Việt Nam được cử tham dự Giải vô địch cử tạ trẻ châu Á lần thứ 19 được tổ chức tại TP. Urgench (Uzbekistan). Năm đó, lần đầu tiên ra đấu trường thể thao lớn của châu Á để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm từ các đối thủ mạnh, như: Hàn Quốc, Uzbekistan, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ… Em đã giành được 1 HCB cho đoàn thể thao nước nhà. Đó là một niềm vui lớn lao trong sự nghiệp của em. Trong năm mới, em quyết tâm tập luyện thật tốt để hướng tới đấu trường xa hơn, nhất là Giải cử tạ Đại hội Thể thao toàn quốc sắp tới”.

Hiện, người con gái quê ở xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) đã và đang tập trung tập luyện cùng đội tuyển cử tạ Việt Nam tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ được 3 năm qua.

Nữ võ sĩ Nguyễn Nhã An - cố gắng tập luyện hướng đến SEA Games 2021

Vào những ngày cuối năm, muốn gặp nữ võ sĩ Nguyễn Nhã An - tuyển judo Sóc Trăng không phải chuyện dễ. Bởi Nhã An hiện đang ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội trong dịp tập trung các VĐV tuyển quốc gia để có bước chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 2021 sắp tới. Theo giới thiệu của HLV Nguyễn Minh Thi - tuyển judo Sóc Trăng, bộ “sưu tập” HCV của Nhã An trong năm 2020 có sự vượt “trội” hơn so với những năm trước đó. 4 HCV và 2 HCĐ, trong đó, có tấm HCV quý giá tại Giải vô địch judo toàn quốc, tấm HCV Giải vô địch trẻ judo toàn quốc và 2 HCV tại Giải judo Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ VIII - Vĩnh Long 2020. Cô học trò nhỏ nhắn của Trường THCS Thạnh Thới An (Trần Đề) ngày nào, nay đã trở thành một VĐV tuyển judo tỉnh, rồi đến tuyển quốc gia.

Nữ võ sĩ Nguyễn Nhã An tâm sự: “Bản thân em là con gái út trong gia đình nhà nông có hai anh em có hoàn cảnh khó khăn; sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc xã Thạnh Thới An (Trần Đề). Đến với môn judo trong đợt tuyển sinh vào dịp hè năm 2014 do thầy Nguyễn Minh Thi tuyển chọn về đào tạo VĐV năng khiếu thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh). Em còn nhớ, lúc đó khi mới bước vào môi trường sinh hoạt tập thể và tập luyện môn judo, bản thân em cảm thấy bỡ ngỡ khi lần đầu xa nhà, xa người thân em rất nhớ mọi người. Nhưng nhờ sự tận tâm, an ủi, động viên của cô chú lãnh đạo, thầy cô và các anh chị tập trước, dần dần đã trở thành chỗ dựa về tinh thần giúp em vượt qua bao suy nghĩ bi quan, gian khó trong tập luyện”.

Qua những năm tháng khổ luyện cùng đồng đội và sự tận tình chỉ bảo của HLV, em luôn thể hiện được trình độ năng lực của mình để rồi được tuyển chọn chính thức vào đội tuyển judo của tỉnh tham gia các giải thi đấu trong năm. Nhã An tâm sự: “Năm 2015, lần đầu ra sàn đấu giải trẻ toàn quốc tại Trà Vinh, khi biết đối thủ từng tham gia các giải em rất run và hồi hộp. Trận đấu đó em thua ngay từ vòng loại, nhưng thầy vẫn an ủi tinh thần. Nói đó chủ yếu là để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè. Đến các mùa giải năm sau, em giành được HCĐ để bước lên bục nhận phần thưởng từ ban tổ chức. Lúc đó em vui mừng và hạnh phúc lắm. Nhưng đây cũng chỉ là thành công bước đầu, em còn phải cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa để có được thành tích cao hơn, xứng đáng với niềm tin của gia đình, của thầy và các cô chú lãnh đạo. Đặc biệt trong năm tới, em sẽ cố gắng tập luyện và thi đấu thật tốt để có “tấm vé” vào tuyển quốc gia tham gia SEA Games 2021 tại Việt Nam”.

Tuyển thủ cầu mây Thạch Ngọc - Khi cùng đồng đội góp được “vàng” em rất hạnh phúc

Nói đến thành công của tuyển cầu mây Sóc Trăng năm 2020 là phải kể đến tuyển thủ Thạch Ngọc - một trong những VĐV “trội” cùng đồng đội của mình “gặt hái” nhiều thành tích chung cho thể thao tỉnh nhà, với 1 HCV tại Giải vô địch các câu lạc bộ cầu mây toàn quốc, 1 HCV tại Giải vô địch toàn quốc và 2 HCV tại Giải Đại hội Thể thao ĐBSCL - Vĩnh Long và nhiều tấm HCB. Trước những thành quả giành được trong năm nay, Thạch Ngọc vui mừng chia sẻ: “Khi cùng đồng đội góp được “vàng" và "bạc” cho đoàn thể thao tỉnh nhà em cảm thấy rất hạnh phúc. Mỗi lần giành được huy chương em đều điện báo tin vui về cho cha, mẹ biết. Sau khi kết thúc Giải Đại hội Thể thao ĐBSCL em về thăm người thân, rồi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc gia, tập trung vào Trường Đại hội Thể thao Bắc Ninh - nơi tập trung các VĐV cầu mây trẻ toàn quốc. Thạch Ngọc tâm sự: “Lên đó được khoảng 5 tháng qua, ở xứ người một mình, em rất nhớ quê. Dù vậy, lúc nào em cũng cố gắng tập luyện để hoàn thiện các bài tập chuyên môn của mình”.

Cách đây 6 năm, Ngọc được tuyển vào đào tạo đội năng khiếu của tỉnh. Sau những năm tháng khổ luyện cùng anh em đồng đội, đến nay chàng trai sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân Khmer ở ấp Tài Công, xã Tài Văn (Trần Đề) đã sở hữu hơn chục huy chương các loại tại các giải đấu trong khu vực ĐBSCL và quốc gia. Ngọc nhớ lại: “Lúc đầu, em không thể hình dung được môn cầu mây như thế nào. Lần đầu tập làm quen bộ môn thể thao này đầy khó khăn, nhất là cảm giác tâng cầu. Sự quyết tâm miệt mài, chịu khó tập luyện của em cũng được đền đáp khi thầy chọn em vào đội thi đấu cùng các anh. Vui nhất khi giành được tấm huy chương và được đi tham gia thi đấu các giải ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc”.

PON LƯ

 

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: