• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Nhu Gia

09/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 09/04/2019 | 06:00

STO - Là người Sóc Trăng ai cũng có thể nghe và biết địa danh Nhu Gia, vì địa danh ấy ra đời thời nhà Nguyễn. Tên gọi Nhu Gia đã được sử dụng nhiều trong các văn bản hành chính thời kỳ nhà Nguyễn và thời thực dân Pháp thống trị nước ta, trải qua nhiều thập kỷ có những tên gọi khác nhau như: Vu Gia, Nho Gia, Giu Gia, Tầm Vu Gia... Đến năm 1860, làng Nhu Gia được thành lập và tên gọi Nhu Gia được thống nhất từ đó.

Làng Nhu Gia là một trong những làng thuộc quận Mỹ Xuyên được hình thành sớm nhất, đến năm 1904 chợ Nhu Gia được chính thức công nhận là chợ loại III (sánh ngang hàng với chợ Bố Thảo, chợ Rạch Gòi, chợ Tà Liêu…). Về nguồn gốc hình thành địa danh Nhu Gia có ba cách giải thích như sau:

1. Theo truyền thuyết dân gian

Chuyện kể rằng: Có một vị tà thần ban đêm làm phép cho một nhóm thợ ngồi trong chiếc thuyền đi sang xứ khác mà không tốn sức lực chèo chống và cũng không mất nhiều thời gian (vì thuyền đi rất nhanh). Ông tà thần bắt buộc mọi người ngồi trên thuyền phải nhắm mắt lại trong lúc ông đang làm phép thì mới linh nghiệm, nhưng có một người thợ vì thiếu lòng tin, tò mò hé mắt nhìn mới biết họ lơ lửng trên ngọn cây. Vì quá hoảng sợ nên người thợ đó bật lên tiếng hét thật to, phép thuật bị phá mất. Trong khi chiếc thuyền đang lao đi vun vút nhưng do phép thuật bị mất linh nghiệm nên đột ngột thuyền dừng lại rồi rơi xuống và bị mắc lơ lửng trên ngọn cây. Người ta gọi nơi đây là Samputhlei (chiếc thuyền lửng), dần dần nói trại ra là: Vu Gia, Giu Gia, Nho Gia, Nhu Gia hay Tầm Vu Gia.

Đua ghe ngo được tổ chức trên sông Nhu Gia năm 1980. Ảnh: Thanh Bình

2. Theo các bô lão kể rằng

Địa danh Nhu Gia bắt nguồn từ chữ Ompuyea (nhánh bần che). Bởi vì sông này cách nay trên trăm năm dọc hai bên bờ sông có hàng bần mọc lên xen nhau dày đặc, rất nhiều cây bần cổ thụ bị nghiêng ra bờ sông với vô số những nhánh bần là đà trên mặt nước làm cho cảnh quan thiên nhiên càng thêm thơ mộng như những bức tranh sơn thủy hữu tình. Có lẽ vì thế người Khmer gọi là Ompuyea và theo chất giọng phát âm này mà người Việt (Kinh) và người Hoa đọc trại ra thành: Vu Gia, Nhu Gia…

3. Theo người địa phương kể lại

Khi vùng đất Sóc Trăng chưa được khai phá, những lưu dân từ Thuận Quảng đi vào vùng đất mới để tìm cách sinh cơ lập nghiệp, họ đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân, vì nơi đây hội tụ nhiều ưu điểm có liên quan đến phong thủy (nhị cận giang). Sau này do lao động vất vả những buổi chiều về, màn đêm buông xuống họ lại đắm chìm trong nỗi nhớ quê hương. Mặc dù cuộc sống đã được tự do, tự tại họ không còn ràng buộc bởi các lễ nghi phong kiến hà khắc nhưng hình ảnh quê cha, đất tổ có con sông hiền hòa đã mang lại cho họ biết bao nỗi thương nhớ không nguôi! Để ghi dấu ấn về quê hương họ đặt tên cho con sông này là Vu Gia, nhưng do phát âm của người địa phương nên từ Vu Gia dần dần biến thành Giu Gia, rồi Nho Gia và Nhu Gia.

Dòng sông Nhu Gia ngày nay.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và tác giả đã sinh ra và lớn lên ở xứ này nên có thể khẳng định địa danh Nhu Gia là có lý và chuẩn hơn; Nhu Gia được hình thành từ Ompuyea (nhánh bần che) là thực tế đúng với đặc điểm tự nhiên nơi đây và cách đây không xa (khoảng 50 – 60 năm về trước) tuyến sông Nhu Gia – Dù Tho có rất nhiều cây bần cổ thụ, người dân địa phương chặt những cây bần có thân to, thẳng để làm nên chiếc thuyền độc mộc. Vào những năm “Gia Long tẩu quốc”, khi về đến Cù Lao Dung trú ẩn (nay có cồn Long Ẩn), nhìn những nhánh bần là đà trên mặt nước tựa như bức tranh thủy mặc của thiên nhiên, giống như làng liễu nơi cố đô, vì thế “Gia Long” đã đặt cho cây bần một cái tên mới là thủy liễu.

Nhu Gia ngày nay là trung tâm kinh tế, văn hóa của xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên). Trong tương lai gần Nhu Gia sẽ là một trong những thị trấn phát triển mạnh mẽ, một đô thị của vùng sông nước hữu tình, một môi trường xanh đáng sống đáng yêu.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: