• Văn hóa - Thể thao

Độc đáo ngôi chùa Khmer với sự du nhập từ nhiều yếu tố văn hóa

20/01/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 20/01/2018 | 06:00

STO - Xuôi theo Quốc lộ 60 về hướng Trà Vinh, gần đến cầu Trường Khánh, xã Trường Khánh (Long Phú), người ta chú ý ngay đến khối kiến trúc có màu vàng cam nổi bật, đó là chùa Săng Ke. Theo các vị sư sãi tu tại đây, chùa có tên đầy đủ là Rengsây Môni Săngker, nghĩa là ánh hào quang của trí tuệ tại Săngker. Trong tiếng Khmer, săngker nghĩa là cây trâm bầu. Có lẽ vì khu vực này trước đây có nhiều cây trâm bầu mà đã thành địa danh. Chùa cũng được bà con gọi là chùa Văn Cơ (hay Dăn Cơ). Văn Cơ là địa danh cũ của Trường Khánh, xét về góc độ ngôn ngữ, địa danh này có thể là do biến âm trực tiếp từ săngker.

Chùa Săng Ke có lịch sử từ lâu đời với kiến trúc đầu tiên là một ngôi tam bảo bằng vật liệu gỗ lá. Qua nhiều lần trùng tu, mà lần sau cùng là hơn 60 năm trước, ngôi chùa có được diện mạo như hiện nay. Thông thường, ngôi chánh điện của chùa Khmer được xây trên nền cao và trên nền đó cũng chỉ có ngôi chánh điện. Nhưng tại chùa Săng Ke, ngoài chánh điện, trên nền cao còn có một khối kiến trúc với quy mô nhỏ hơn nhưng cũng được xây dựng hài hòa theo kiến trúc Khmer, đó là thư viện của nhà chùa.

Để bước lên được nền cao này, phải đi qua cổng vào được trang trí nhiều hoa văn kỷ hà phong cách Khmer với nền đỏ, họa tiết trang trí nhũ vàng nổi bật. Trên mỗi cổng đều đặt 2 tượng Phật Thích Ca đản sinh (ở 2 mặt của cổng) một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Theo truyền thuyết Phật giáo, khi vừa sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa (sau trở thành Phật Thích Ca) đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng, tay chỉ trời, tay chỉ đất, ngài dõng dạc cất cao tiếng: Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn (trên trời dưới trời, chỉ có mình ta).

Toàn cảnh chánh điện và thư viện chùa Săng Ke.

Chánh điện chùa được xây dựng với mái tam cấp, mà cấp cuối cùng là tháp có mặt cắt ngang hình vuông. Mái chánh điện được lát gạch men với các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng xen kẽ. Các nhà sư tại đây cho biết, trước đây mái chánh điện được lát hoàn toàn bằng kiếng thủy nhưng do vật liệu này không bền, nên từ năm 2003 đã được thay bằng gạch men như hiện nay.

Bên trong chánh điện vẫn là các bức bích họa về cuộc đời đức Phật Thích Ca và được bày trí nhiều tượng thờ Phật Thích Ca như những ngôi chùa Khmer khác. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ, chúng ta sẽ thấy có sự ảnh hưởng văn hóa của người Việt và Hoa trong chánh điện của chùa Săng Ke. Hệ thống cột trong chánh điện được trang trí bởi hình rắn naga uốn lượn, mà thông thường ở vị trí đó là các họa tiết kỷ hà. Ngay đường diềm lộng của gian thờ chính, một sự sắp đặt khác còn cho thấy rõ hơn sự giao thoa văn hóa tại ngôi chùa này. Đó là hình ảnh 2 con rắn naga bên dưới quấn đuôi với 2 con rồng theo phong cách Việt - Hoa phía trên ẩn hiện trong những đám mây. Hai con rồng này lại được bố trí chầu 2 bên của lá bồ đề theo phong cách Khmer.

Sala của chùa Săng Ke vừa được trùng tu vào năm 2006 cũng khá độc đáo, với bích họa ma vương cùng đại tướng cưỡi chiến xa chuẩn bị chiến đấu với Phật Thích Ca ngay mảng tường phía trước. Trong sala này, ngoài các bức tượng Phật Thích Ca còn có tượng 5 nhà sư kích thước bằng người thật. Đây là các vị cao tăng từ ngày thành lập chùa cho đến nay. Các vị sư sãi tại chùa còn cho biết, sắp tới sẽ cho đắp thêm tượng của 2 vị cao tăng viên tịch gần đây.

Ngoài các khối kiến trúc to lớn và nổi bật thường thấy ở các chùa Khmer, chùa Săng Ke còn có một tăng xá độc đáo với kiến trúc biệt thự Pháp pha trộn với kiến trúc Khmer. Khối kiến trúc đã nhuốm màu thời gian, phủ rêu phong nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp trang nhã đến nao lòng. Từng nét pha trộn vẫn còn có thể nhìn rõ thuộc phong cách của dân tộc nào, như: sư tử cầm lộng chầu, tháp chóp nhọn mang phong cách Khmer; diềm cột, đầu cột và trên cửa sổ với các hoa lá đậm nét châu Âu… nhưng quyện vào nhau một cách hài hòa đầy tinh tế. Hẳn người kiến trúc sư thiết kế nên công trình này phải rất yêu cả kiến trúc cổ điển Pháp và kiến trúc Khmer mới có thể làm được như vậy.

Srás muchús linh (công trình tháp trên mặt hồ) của chùa Săng Ke cũng mới được xây dựng gần đây. Công trình này không có sự bề thế, quy mô như ở những ngôi chùa khác nhưng bức tượng Phật Thích Ca nơi đây cũng khiến chúng tôi phải chú ý với các đường nét khuôn mặt sống động, hàng mi cong vút mang đậm sắc thái nhân diện Khmer. Với sự độc đáo của mình, chùa Săng Ke xứng đáng là một điểm cần ghé thăm khi du khách có dịp đến tham quan huyện Long Phú nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: