• Văn hóa - Thể thao

Hạnh phúc của người nghệ sĩ

22/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 22/06/2019 | 06:00

STO - Một đời “lăn lóc gió sương”, rày đây mai đó theo nghiệp tổ, đem lời ca tiếng hát góp vui cho đời, cho người, đến bây giờ vẫn nặng nợ tằm tơ.

“Đã trót lăn lóc gió sương, sống bằng nghề hát xướng thì phải gánh nghiệp cầm ca đến trọn đời, với tôi được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được hát, được diễn, tái ngộ khán giả là bao nhiêu mệt mỏi, ưu phiền đều biến mất” - nghệ sĩ Hữu Tâm (Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Sóc Trăng) tâm sự. Hữu Tâm tên thật là Phạm Văn Hiệp, sinh năm 1967 tại Hậu Giang (nay là TP. Cần Thơ) trong gia đình có truyền thống nghệ thuật cải lương. Cha là bầu Gánh hát Văn Tư - Ngọc Lệ nên từ nhỏ, các anh, chị em của cậu bé Phạm Văn Hiệp đã được “tắm mình” trong không gian nghệ thuật cải lương. Dần dần tạo nên một thiếu niên sớm bộc lộ năng khiếu, chất giọng thiên phú thổ pha kim được nhiều người chú ý. Tuy nhiên, phải đến năm 17 tuổi, anh mới chính thức bước lên sàn diễn Gánh hát Văn Tư - Ngọc Lệ với vai gia đồng trong vở Lục Vân Tiên. “Mình phải nghiên cứu kỹ kịch bản, vai diễn, tập luyện nghiêm túc thì mới diễn tốt được, quan trọng là năng lực thực sự, hát là hát cho khán giả, chứ không phải vì là đoàn hát của gia đình mà muốn làm gì cũng được” - nghệ sĩ Hữu Tâm bộc bạch.

Nghệ sĩ Hữu Tâm.

Tuy là vai nhỏ nhưng đã gây ấn tượng mạnh với khán giả qua lối diễn, vũ đạo và đặc biệt chất giọng mùi mẫn. Đây chính là bước đệm, cơ sở để anh được giao nhiều vai nặng ký hơn và đến năm 19 tuổi bắt đầu nổi lên như là kép trẻ nhiều triển vọng trên sân khấu ở đồng bằng sông Cửu Long. Anh bắt đầu cộng tác cho một số đoàn cải lương ở các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu… với vai trò kép chính, được rất nhiều khán giả khắp các tỉnh đồng bằng ái mộ và cả những khán giả khu vực miền Trung, miền Bắc trong những lần đi lưu diễn. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này anh còn được đứng chung sân khấu với một số tài danh lúc bấy giờ như Lệ Thủy, Trọng Hữu, Linh Vương… nên đã học hỏi được rất nhiều, làm hành trang cho nghề nghiệp.

Đến những năm 2000, khi cải lương xuống dốc, các đoàn cải lương phải giải thể do không đủ kinh phí trang trải, những đoàn anh tham gia cũng chung số phận nên anh về quê vợ ở Sóc Trăng sinh sống cho đến nay. Mặc dù, trước đó cũng nhận được nhiều lời mời cộng tác từ các đoàn cải lương có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh nhưng Hữu Tâm đã từ chối vì nhiều lý do. Nghệ sĩ Hữu Tâm chia sẻ: “Khi về nghỉ một thời gian thấy nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ khán giả thân yêu vô cùng. Lúc đó có một số anh em, bạn bè là bầu, nghệ sĩ các gánh tuồng cổ rủ đi hát ở lễ kỳ yên trong và ngoài tỉnh, thấy cũng hay nên nhận lời vì lúc trước cũng có học tuồng cổ nên hát cũng không có gì khó khăn. Đi hát vừa được sống với ánh đèn sân khấu, lại vừa có thu nhập chăm lo cho gia đình”.

Sau đó, anh bắt đầu tham gia các hoạt động văn nghệ của địa phương và cộng tác với Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Sóc Trăng đến nay. Công tác ở môi trường mới không giống khi còn là diễn viên chuyên nghiệp nhưng vui vì được sống với nghiệp, gặp gỡ anh em cùng nghề qua các đợt hội diễn, hội thi, các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân các dịp lễ, tết... Từ đó, góp phần đưa phong trào văn hóa văn nghệ của thành phố đi lên. Bên cạnh đó, anh còn tham gia đào tạo, huấn luyện diễn viên mới cho đội thông tin lưu động. Hỗ trợ cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn.

Hiện tại, anh lại “hối hả” truyền nghề cho những tri âm có cùng đam mê với mong muốn phong trào đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương trên địa bàn ngày càng phát triển rộng khắp. “Bây giờ ngoài việc đi biểu diễn theo các chương trình văn nghệ quần chúng, đi hát tăng thu nhập, tại nhà cũng có vài học trò theo học nghề. Thời gian tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ mở lớp dạy đờn ca tài tử, cải lương tại nhà cho những ai có đam mê với nghệ thuật cải lương, hy vọng nghệ thuật truyền thống này phát triển ngày một mạnh mẽ hơn” - nghệ sĩ Hữu Tâm tâm sự.

Với những đóng góp của mình cho nghệ thuật, anh đã được rất nhiều khán, thính giả biết đến và yêu mến qua các sân khấu và các vở cải lương được các đài dàn dựng. Và mỗi khi nói về văn hóa văn nghệ, nhất là nghệ thuật cải lương, trong anh lại toát lên sự đam mê mãnh liệt, như quên hết mọi phiền muộn cuộc sống. Cùng với đồng nghiệp đại diện cho TP. Sóc Trăng, anh đạt nhiều giải thưởng tại các lần hội diễn, hội thi, liên hoan cấp tỉnh; hỗ trợ các ngành tại các hội diễn ngành… “Đã trót lăn lóc gió sương, sống bằng nghề hát xướng thì phải gánh nghiệp cầm ca đến trọn đời, niềm vui lớn nhất là được làm những chương trình chất lượng, thu hút khán giả, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao nhất, với tôi được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được hát, được diễn, tái ngộ khán giả là bao nhiêu mệt mỏi, ưu phiền đều biến mất” - nghệ sĩ Hữu Tâm chia sẻ.

Đồng chí Trương Anh Kim - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Sóc Trăng cho biết: “Nghệ sĩ Hữu Tâm là người nhiệt huyết, đam mê với nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử, phong trào văn hóa văn nghệ của thành phố. Tham gia nhiệt tình hoạt động văn nghệ quần chúng, với công tác tuyên truyền lưu động, tuy có vất vả, khó khăn nhưng anh luôn phấn khởi và tập luyện hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đứng trên sân khấu. Đóng góp lớn cho các hoạt động của ngành văn hóa thành phố trong thời gian qua, góp công xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương”.

DNT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: