• Văn hóa - Thể thao

Người dân Phú Mỹ vui đón Sene Đôn Ta

19/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 19/09/2017 | 06:00

STO - Trong những ngày này, người dân xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) tất bật trang hoàng nhà cửa, thu hoạch lúa để chuẩn bị vui đón lễ Sene Đôn Ta trong niềm vui vụ mùa bội thu, đời sống vật chất và tinh thần nâng lên đáng kể.

Phú Mỹ là địa phương có hơn 92% dân số là đồng bào Khmer. Nếu như trước đây, người dân đi lại chủ yếu bằng đường thủy, đường đất thì bây giờ đã khác rồi, có đường bêtông nối ấp liền ấp. Hiện nay, hơn 90% hộ dân có phương tiện đi lại là xe máy, 100% bà con có phương tiện nghe nhìn; hệ thống thủy lợi rộng khắp đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân.

Đồng chí Dương Kiến Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ phấn khởi chia sẻ: “Xã Phú Mỹ ngày nay có nhiều đổi mới. Tất cả là nhờ vào các tuyến đường bêtông nối liền các ấp và đường ôtô đến trung tâm xã được đầu tư, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện hơn”.

Cũng theo đồng chí Nghĩa, để vực dậy kinh tế nông nghiệp, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo và vận động bà con tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn được diện tích 300ha và ký kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ lúa sau thu hoạch; vận động nông dân đưa cây màu xuống chân ruộng khi không sản xuất lúa vụ 3. Ngoài ra, quy hoạch phát triển đàn bò sữa, bò thịt với tổng đàn gần 3.300 con. Xã còn tranh thủ nguồn vốn Chương trình 135 để triển khai xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đường giao thông liên ấp đã giúp việc vận chuyển lúa sau thu hoạch của người dân xã Phú Mỹ thuận tiện hơn.

Khi đời sống vật chất của người dân từng bước được nâng lên thì bộ mặt của xã có nhiều đổi mới. Nhiều tuyến đường nông thôn được người dân “điểm tô” bằng cách trồng hoa, làm hàng rào, trồng cây xanh. Bình quân mỗi năm, số hộ đạt gia đình văn hóa trên 85% và 7/7 ấp đạt ấp văn hóa. Trước đây, trong 7 ấp trên địa bàn xã thì Đai Úi được xem là ấp khó khăn nhất. Hầu hết bà con Đai Úi đều làm ruộng, làm rẫy nhưng hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, năng suất đạt thấp. Thêm vào đó, người dân chọn trồng các giống lúa có chất lượng gạo thấp nên giá bán không cao... Khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống người dân Đai Úi đã dần khởi sắc khi hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư, việc canh tác cây lúa, cây màu được thuận lợi hơn. Cũng từ đó, người dân thay đổi tập quán sản xuất, chọn giống lúa chất lượng để canh tác nên bán được giá cao. Bà con cũng đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất… Giờ đây, Đai Úi đã vươn lên trở thành ấp dẫn đầu về phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 15% (trước đây hơn 65%).

Ông Điền Duôl ở ấp Đai Úi phấn khởi: “Năm nay lúa trúng nên gia đình tôi sẽ ăn Đôn Ta lớn hơn năm rồi. Nhờ làm lúa có lời nhiều, gia đình tôi có tiền xây dựng ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Nói thật, gia đình tôi có 40 công ruộng nhưng lợi nhuận cao thì chỉ mới được 5 năm nay thôi vì nhờ có hệ thống thủy lợi nên tôi mới tăng vụ, đổi giống mới năng suất cao. Tính sơ sơ mỗi năm, tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn 1 công đất trồng màu cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm”.

Nói về sự đổi mới tại địa phương, ông Duôl nhìn nhận: “Gần 70 tuổi đời, tôi đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và chứng kiến sự chuyển biến của quê hương, đất nước từ thời chiến đến thời bình. Thời gian trước, cuộc sống người dân khổ trăm bề. Hiện tại thì khác rồi, nhà nhà đều có xe máy, làm nông nhàn hơn, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, đi chợ xã chỉ 10 phút chạy xe, có điện xem tivi 24/24 giờ, khám bệnh tới trạm y tế… Cuộc sống thật sự thoải mái và đáng trân trọng biết bao khi Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của đồng bào dân tộc và có những chính sách hỗ trợ kịp thời”.

Ông Lý Vét ở ấp Đai Úi góp lời: “Nhờ được đầu tư mở rộng và làm mới các tuyến đường giao thông, kênh, mương thủy lợi mà việc vận chuyển lúa thuận tiện hơn, thương lái thu mua giá cao hơn”. Theo tính toán của ông Vét, với 20 công ruộng làm lúa 2 vụ/năm, thu hoạch trừ hết chi phí lợi nhuận tầm 80 triệu đồng. Để tăng thu nhập, ông Vét còn làm thêm dịch vụ cho thuê bàn ghế tại nhà, mỗi tháng có thêm khoảng 2 triệu đồng đủ tiền chợ hàng ngày. Sene Đôn Ta tới đây đúng vào dịp gia đình thu hoạch lúa, nên gia đình ông sẽ ăn Đôn Ta thật xôm tụ.

Đồng chí Dương Kiến Nghĩa cho biết thêm: “Để người dân trên địa bàn xã có đời sống ổn định, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng cách duy trì 13/19 tiêu chí đã đạt và phấn đấu hoàn thành thêm 5 tiêu chí vào cuối năm 2017. Đồng thời, mở rộng quy mô cánh đồng mẫu có liên kết doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân; tăng số lượng đàn bò thịt, bò sữa; đưa cây màu xuống chân ruộng; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả triển khai đến hộ dân... Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ tăng cường vận động lực lượng người lao động ở địa phương học nghề để có cơ hội được làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm ổn định cuộc sống”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: