• Văn hóa - Thể thao

Những "hạt giống quý" trong vườn văn hóa phi vật thể

15/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 15/02/2021 | 06:00

STO - Họ vẫn sống hết mình với đam mê và cống hiến cho lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - như con tằm vẫn ngày ngày lặng lẽ nhả những sợi tơ vàng tô điểm cho cuộc đời thêm hương sắc, lúc nào cũng muốn lưu giữ những giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau. Để ghi nhận những cống hiến to lớn đó, họ đã được cấp thẩm quyền đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

* Nghệ nhân ưu tú Châu Ôn: “Mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Khmer”.

Nhà của nghệ nhân Châu Ôn tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt, Phường 4 (TP. Sóc Trăng). Phía trong ngôi nhà tưởng chừng đơn sơ nhưng lại ẩn chứa cả một kho tư liệu về phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Khmer, từ ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, văn học nghệ thuật đến các nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer; từ các tư liệu mà ông đã dày công nghiên cứu, thực hành và truyền dạy, phổ biến. Đây còn là con đường ông đã lựa chọn thời trẻ và theo đuổi cho đến nay. “Năm 1962 khi 18 tuổi, bắt đầu truyền dạy giáo lý, Pali sơ cấp tại các chùa; năm 1964 đi học trường Pali cao cấp thủ đô Phnom Penh (Campuchia), năm 1970 tôi về nước tiếp tục truyền dạy giáo lý, Pali sơ cấp tại chùa PraSáthKông, xã Tham Đôn và chùa Bãi Xàu, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên). Tôi đã truyền dạy cho trên 200 người cùng tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, truyền dạy, phổ biến tiếng nói, chữ viết, lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Khmer” - ông Châu Ôn chia sẻ.

Đến năm 1975, ông tham gia phục vụ tờ tin Khmer thuộc Sở Văn hóa thông tin Hậu Giang rồi sau đó là Trưởng Phòng Khmer ngữ thuộc Báo Sóc Trăng, bằng sự am hiểu tường tận, sâu sắc về phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Khmer, từ ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, văn học nghệ thuật đến các nghi lễ truyền thống của dân tộc Khmer.

Vừa công tác, ông vừa tham gia truyền dạy những kỹ năng, các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, các nghi thức lễ hội của đồng bào Khmer cho cộng đồng và tại các chùa trong và ngoài tỉnh. “Sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn thường xuyên truyền dạy về lĩnh vực văn học, các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, nghi thức lễ hội của đồng bào Khmer tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cộng tác với các cơ quan truyền thông đại chúng truyền dạy các phong tục, tập quán tín ngưỡng dân gian, giải thích các câu ca dao, tục ngữ Khmer nhằm khuyên dạy cho người dân Khmer thực hành tốt về cử chỉ, hành động đúng với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh cho con em đồng bào Khmer. Nói chuyện về ý nghĩa của lễ, hội truyền thống Khmer. Thực hiện các chương trình phục dựng lại các phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ” - ông Châu Ôn cho biết thêm.

Để đạt được điều đó, bản thân ông không ngừng say mê tìm tòi, nghiên cứu, sáng tác, bảo tồn văn hóa dân tộc, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ thực tiễn đến sách báo và đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, ông còn sáng tác thơ, văn vần và văn xuôi mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh chân thực mọi khía cạnh sinh hoạt, lao động của người Khmer. Nổi bật là xuất bản nhiều sách có giá trị văn học: Tiểu sử hòa thượng Dương Đan, Luật thơ Khmer, lịch sử xây cất chùa Bãi Xàu…

Trong suốt quá trình hoạt động cống hiến hết mình cho lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, nhiều bằng khen, giấy khen của bộ, ngành Trung ương, tỉnh. Đặc biệt, được Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021 tỉnh Sóc Trăng đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

* Nghệ nhân Lưu Xuyên: “Tôi luôn mong muốn truyền tất cả những gì mình biết về nghệ thuật truyền thống của người Hoa cho thế hệ sau”.

Gặp gỡ ông tại nhà riêng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường 1 (TP. Sóc Trăng) đã cho tôi nhiều bất ngờ thú vị về lão nhân hơn 80 tuổi nhưng vẫn chạy xe đạp, vẫn minh mẫn và say sưa viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc, viết liễn gửi lên TP. Hồ Chí Minh theo đơn đặt hàng. Trong lòng lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm về việc bảo tồn nghệ thuật viết chữ thư pháp bằng Hoa ngữ, vẽ tranh thủy mặc, viết câu đối, viết liễn và các nghi lễ của người Hoa. “Vì hiện nay công nghệ rất tiên tiến, do đó nghệ thuật truyền thống sẽ dần mai một, tôi luôn tâm huyết và mong muốn truyền tất cả những gì mình biết về nghệ thuật viết chữ thư pháp bằng Hoa ngữ, vẽ tranh thủy mặc, viết câu đối, viết liễn cho thế hệ sau” - nghệ nhân Lưu Xuyên chia sẻ.

Bản thân ông từ nhỏ đã có năng khiếu và đam mê về chữ viết và vẽ tranh; năm 1958 theo học nghề hội họa, thư pháp, vẽ tranh thủy mặc với thầy Lưu Hiển ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 1962 về Sóc Trăng bắt đầu thực hành viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc và vẽ quảng cáo tại các rạp hát trong tỉnh. Trong quá trình này, ông vừa làm vừa học để nâng cao tay nghề. Ông thường xuyên thực hiện viết thư pháp bằng Hoa ngữ trên các miếng liễn, câu đối, tranh thủy mặc cho các đình chùa trong tỉnh trong các dịp lễ, tết và các lễ hội quan trọng của người Hoa tại tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, bắt đầu nhận học trò để phổ biến rộng rãi nghệ thuật này. Từ đó, nhiều người đam mê đã tìm đến lớp học thư pháp bằng Hoa ngữ, học vẽ tranh thủy mặc lồng thư pháp Hoa ngữ. “Vì loại hình thư pháp bằng chữ Hoa ít ai biết nên lo sợ sẽ mai một, không có người thừa kế nên tôi vừa làm vừa truyền dạy lại những kỹ năng, kỹ thuật viết chữ Hoa và viết chữ thư pháp trong tranh thủy mặc cho các học trò yêu thích nghệ thuật này” - nghệ nhân Lưu Xuyên bộc bạch.

Theo đó, từ năm 1980 đến nay, ông đã truyền dạy cho hàng chục học trò đam mê nghệ thuật thư pháp và tranh thủy mặc. Các học trò của ông đang hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tỉnh bạn và cũng đang truyền nghề lại cho thế hệ sau. Đặc biệt, ông đã được Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021 tỉnh Sóc Trăng đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

KGT

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: