• Văn hóa - Thể thao

Những người “giữ lửa” nghề dù kê

12/02/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 12/02/2018 | 06:00

STO - “Về Đại Tâm thăm người bạn Khmer/Nghe hát dù kê và điệu múa lâm thôn…” - câu hát thấm đượm tình quê hương của cố nhạc sĩ Thanh Sơn đã giới thiệu không những địa danh, dân tộc của tỉnh Sóc Trăng mà còn giới thiệu được những loại hình văn hóa văn nghệ của vùng đất này.

Dù kê là một loại hình sân khấu của đồng bào Khmer Nam bộ được hình thành và phát triển tại Sóc Trăng vào khoảng thập niên 20 - 30 của thế kỷ XX. Cùng những thăng trầm lịch sử, sau ngày thống nhất đất nước, sân khấu dù kê dần được khởi sắc, phục hồi… Đoàn dù kê Ron Ron (Châu Thành) là một trong những đoàn dù kê được thành lập trong giai đoạn ấy và duy trì hoạt động cho đến ngày nay.

Một cảnh trong vở dù kê của Đoàn dù kê Ron Ron.

Ông Bố Sủng - Trưởng đoàn dù kê Ron Ron chia sẻ: “Đoàn dù kê Ron Ron được ba tôi là ông Bố Xinh thành lập năm 1983 rồi truyền lại cho người anh là Bố Suôl. Năm 2000, do cảm thấy không đảm bảo sức khỏe nên anh tôi nhường lại cho tôi làm trưởng đoàn cho đến nay”.

Ông Bố Sủng có 18 năm làm trưởng đoàn dù kê nhưng đó vẫn không phải là nghề chính của ông. Những tháng chưa vào mùa lưu diễn, ông Sủng làm ruộng, vợ ông mở quán nước để phụ giúp kinh tế gia đình. Mỗi suất diễn dù kê, tùy theo địa bàn mà có giá từ 10 đến 12 triệu đồng. Với ngần ấy tiền, chỉ tính riêng khoản trả cát-xê cho 38 con người, chúng tôi đã thấy đó là điều khó khăn. Ông Sủng bộc bạch: “Tính tới tính lui, mỗi một mùa lưu diễn như vậy, tôi cũng có lỗ chút đỉnh. Nhưng đây đã là “cái nghiệp” rồi nên mình phải cố gắng thôi. Thậm chí nếu diễn không có tiền, tôi cũng sẵn sàng bỏ tiền túi của mình vào để anh em được tiếp tục sống với nghề”.

Có thể nói, để đoàn duy trì được hoạt động, lòng yêu nghề và tinh thần sẵn sàng hy sinh của những người diễn viên là rất lớn. Soạn giả Huỳnh Dâm năm nay đã bước vào tuổi 60 và có hơn 40 năm gắn bó với nghề dù kê cho biết: “Tôi bắt đầu tham gia nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình từ năm 17 tuổi. Có thời gian tôi từng là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh, nhưng vì đời sống diễn viên lúc đó khó khăn quá nên mình xin về làm ruộng. Các đoàn dù kê ở địa phương biết mình nên mời đi diễn lại. Cứ như vậy, mình vừa đi diễn, vừa học nghề, vừa tập viết kịch bản, được 2 năm thì làm soạn giả, đạo diễn sân khấu dù kê cho đến bây giờ”.

Đến thời điểm này, soạn giả Huỳnh Dâm đã viết được hơn 50 tác phẩm sân khấu dù kê. Chủ đề của ông vẫn sử dụng các yếu tố, nhân vật truyền thống của sân khấu dù kê, như: chằn, vua, ông tiên… nhưng lồng ghép vào đó là các câu chuyện của xã hội đương đại. Điều kiện sinh hoạt khi lưu diễn và đời sống cá nhân của các diễn viên còn nhiều khó khăn. Đó là một phần gây khó trong việc tuyển thế hệ diễn viên kế thừa của đoàn. Mặt khác, nghệ thuật sân khấu dù kê là một loại hình sân khấu đặc thù (về dân tộc, ngôn ngữ, hình thể...) nên còn rất nhiều trở ngại trong việc tuyển diễn viên.

Phần lớn diễn viên trẻ đến với nghề dù kê đều xuất thân từ các gia đình có truyền thống làm nghề. Em Lâm Huỳnh Dũng - con trai của soạn giả Huỳnh Dâm bộc bạch: “Ngay từ nhỏ, em đã được cha dạy nghề. Có những lúc, cha vừa chở em trên xe, vừa tập tuồng cho em. Lúc nhỏ, em thường diễn vai hề, giờ thì được giao diễn các vai như hoàng tử hay người con trong gia đình. Nghề thấm vào máu em lúc nào cũng chẳng hay nữa…”. 

Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mới được công nhận, trong đó có nghệ thuật sân khấu dù kê. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu dù kê, như: nghiên cứu khoa học, đào tạo truyền nghề, xây dựng không gian biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê thành sản phẩm du lịch, tổ chức liên hoan và biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê…

Bên cạnh các giải pháp đó, ngành có liên quan cũng cần có các giải pháp hỗ trợ duy trì hoạt động của các đoàn dù kê quần chúng. Điều này sẽ thiết thực đưa văn hóa văn nghệ đến với cơ sở và để dù kê có điều kiện được duy trì và phát triển trong cộng đồng Khmer Nam bộ. 

Thuận Lợi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: