• Văn hóa - Thể thao

Nơi lưu giữ nét văn hóa của đồng bào Khmer

28/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 28/10/2018 | 06:00

STO - Nếu có dịp ghé thăm Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều bất ngờ và thú vị với nét độc đáo về đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất, sinh hoạt, tôn giáo của đồng bào Khmer Sóc Trăng qua các hình ảnh, hiện vật, mô hình, bảng trích được trưng bày tại đây.

Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh trực thuộc Bảo tàng tỉnh, tọa lạc tại đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 6, TP. Sóc Trăng với hơn 300 hiện vật, mô hình, bảng trích… được trưng bày khá đa dạng, phong phú từ nông cụ sản xuất, nông cụ đánh bắt thủy, hải sản, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đến tín ngưỡng, tôn giáo; nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật sân khấu, các lễ hội… Tiêu biểu chính là mô hình sân khấu rôbăm, nghệ thuật sân khấu dù kê thể hiện rõ nét bản sắc của dân tộc Khmer trong các buổi biểu diễn. Riêng bộ dàn nhạc ngũ âm gồm có 5 chất liệu khác nhau như đồng, gỗ, sắt, da, hơi cũng thể hiện được nét đặc trưng riêng.

Thuyết trình viên giới thiệu các loại nhạc cụ.

Tiếp theo là phần lễ hội với mô hình Lôi Pro típ (thả đèn nước) được diễn ra trong đêm lễ xuất hạ, nhằm 14-9 âm lịch. Lễ Oóc om bóc, tức là lễ cúng trăng, trong lễ có hội đua ghe ngo mà người Khmer rất ưa thích, cùng với thuyền Cà Hâu - loại thuyền chuyên chở hậu cần và nhạc công để đi theo cổ vũ cuộc đua ghe ngo. Tín ngưỡng, tôn giáo có bát khất thực, kinh lá buông, ghế thuyết pháp, bộ áo cà sa, lò thiêu, quan tài…

Về hệ thống kiến trúc có mô hình nhà ở của đồng bào Khmer Nam bộ cùng nghệ thuật điêu khắc đặc sắc. Đặc biệt du khách sẽ bất ngờ, thú vị với cặp sừng trâu rừng do ông Thạch Sâm cùng một số thợ săn hạ được con trâu này thuở xưa tại rừng Olăngka thuộc huyện Mỹ Tú và đem hiến cho chùa Tum Núp. Về các công cụ trong cuộc sống người dân khi chưa có dụng cụ máy móc, họ đã sáng tạo nên những nông cụ lao động như: cày, bừa, trục, vòng gặt lúa, nọc cấy và chuôi vòng gặt được làm bằng chất liệu sừng, trang trí hình học và hình mỏ chim. Riêng y phục truyền thống Khmer Nam bộ được sử dụng rất phong phú và đa dạng theo từng thời điểm khác nhau.

Mô hình sân khấu dù kê. 

Bên cạnh đó là bảng danh sách những người đóng góp để xây dựng ngôi nhà trưng bày cũng như lịch sử của nhà trưng bày qua các thời kỳ. Theo đó, trụ sở này khởi công xây dựng năm 1936 và khánh thành năm 1941, lúc bấy giờ với tên gọi Hội Samacum - nơi hội họp chung của đồng bào sư sãi Khmer Nam bộ. Dưới thời thực dân Pháp đặt tên là Hội Đào tạo trí thức Khmer Nam bộ. Để thích nghi với tên gọi ấy, Hội bắt đầu mở trường trung học dạy tiếng Khmer - Việt - Pháp cho học sinh. Đến năm 1955 - 1960 dưới chế độ Ngô Đình Diệm không cho mở các lớp học chữ Khmer nữa. Đến năm 1986, Sở Văn hóa Thông tin Hậu Giang tiếp nhận làm Nhà Truyền thống Khmer, đến năm 1992 khi chia tỉnh, Nhà Truyền thống Khmer được nâng cấp lên thành Bảo tàng văn hóa Khmer và hiện nay Bảo tàng Khmer sáp nhập với Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng với tên gọi Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng.

Hàng ngày, Nhà trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ 7 giờ đến 17 giờ từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần, kể cả ngày lễ. Trung bình mỗi tháng đón khoảng 800 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, vui chơi, giải trí, có cả khách ngoài nước. Anh Dương Kông Đời - du khách đến từ tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Tôi đến Sóc Trăng nhiều lần rồi và cũng có dịp tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, tôi thích nhất là được tham quan Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer của tỉnh, vì đến nơi đây tôi càng hiểu thêm về nét văn hóa của đồng bào Khmer, tích lũy thêm kiến thức phục vụ cho công việc giảng dạy của tôi ở trường”.

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lưu Thanh Hùng cho biết: “Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh chính là địa điểm tham quan, nghiên cứu cũng như vui chơi, giải trí của đồng bào Khmer nói riêng, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan nói chung. Là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, Nhà trưng bày sẽ sưu tầm thêm nhiều hiện vật đặc biệt quý hiếm để phục vụ khách tham quan ngày càng tốt hơn”.

DNT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: