• Văn hóa - Thể thao

Câu chuyện văn hóa

Quyển sử thời tiểu học

08/09/2020 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 08/09/2020 | 11:00

Lang thang trên mạng, tôi tìm gặp một FDF trang sách giáo khoa xưa, trong đó có quyển “Quốc sử lớp ba”. Đây là quyển sách thời tôi học tiểu học rất được lứa tuổi học trò chúng tôi yêu thích. Tôi mở ra xem như được trở lại tháng ngày tuổi thơ bên ngôi trường nhỏ ở vùng ven tỉnh lỵ. Từng trang sách, minh họa như đưa tôi về trường xưa lớp cũ.

Quyển sách này do nhà giáo Phạm Văn Trọng biên soạn. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, lứa học trò chúng tôi vẫn còn nhớ nhiều bài học, tranh ảnh rất sinh động trong quyển sách đã gắn bó với những năm tháng học trò.

Này nhé: Bài số 5 nói về anh hùng tí hon Trần Quốc Toản: “Ông đã lập nhiều võ công oanh liệt nhứt là trong trận Hàm Tử quan và trận Chương Dương độ: Hoài văn tuổi trẻ tài cao. Cờ đề sáu chữ quyết vào lập công”.

Này nhé: Bài số 6 nhắc về Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Dưới bài học có in kèm bài thơ của Phan Kế Bính ca ngợi ông: “Giỏi thay Trần Bình Trọng/ Dòng dõi Lê Đại Hành/ Đánh giặc dư tài mạnh/ Thờ vua một tiết trung/Bắc vương sống mà nhục/ Nam quỷ thác cũng vinh/ Cứng cõi lòng trung nghĩa/ Ngàn thu rõ đại danh”.

Này nhé: Bài số 22 nói về anh hùng Hoàng Diệu, thà chết chớ không bỏ thành. Ông lãnh trọng trách giữ thành Hà Nội. Quân Pháp đã gửi thư bảo ông giao thành, ông nhất quyết không đồng ý. Quân Pháp đem quân tấn công thành, ông và quân sĩ chống trả mãnh liệt. Nhưng lực lượng đôi bên quá chênh lệnh, thành bị vỡ. Ông thắt cổ chết theo thành. 

Tôi lại nhớ người thầy dạy lớp ba ngày trước ở lớp tôi đó là thầy Nguyễn Bá Ngọc.Thầy là người đã truyền vào lòng học trò tình yêu quê hương đất nước qua những bài giảng sinh động. Tôi vẫn còn nhớ một đoạn trong bài thơ “Nước tôi” của Nguyễn Văn Cổn qua giọng đọc trầm ấm của thầy:

Nước tôi đã đúc thành một khối

Từ Nam Quan cho tới Cà Mau

Núi rừng khai khẩn bấy lâu

Mồ hôi nước mắt dãi dầu gian lao...

.... Nước non thế, ai người biết tới

Biết hay không cũng tại lòng ta

Hỏi rằng nước ấy gần xa

Thưa rằng: Nước ấy tên là Việt Nam.

Lâu lắm những người học trò cũ không biết tin tức về thầy, bởi học trò có nghe thầy đã ra nước ngoài sống cùng con cái. Mãi đến sau này, tôi có gặp lại anh bạn học chung lớp ngày xưa cho hay cuối đời thầy đã về Việt Nam sinh sống và đã mất ở quê nhà. Dẫu biết tin muộn màng nhưng tôi cũng thật buồn bởi từ nay đã vĩnh viễn xa thầy. 

Ngôi trường cũ bây giờ đã không còn nữa. Trên nền xưa, một ngôi trường mới được cất lại khang trang. Tên trường cũ Tiểu học Tịnh Tâm 3 ngày nào được thay bằng tên khác. Chúng tôi chẳng thể nào tìm lại được khung cảnh xưa thời còn đi học. Mấy cây phượng già trước sân trường không còn nữa. Từ ngày học xong lớp nhứt, bạn bè chúng tôi cùng rời trường mỗi đứa đi một nơi.

Giá như bạn bè cũ gặp nhau, có trang sách cũ của quyển “Quốc sử lớp ba”, anh em chúng tôi có rất nhiều chuyện để nhắc. Cảm ơn mái trường xưa, thầy học cũ đã truyền vào lòng những người học trò những bài học nhân văn sâu sắc. Chúng tôi hiểu rằng học sử không những hiểu thêm về lịch sử nước nhà, công lao của bao vị anh hùng dân tộc mà đó còn là hình thức giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho mỗi người con nước Việt mến yêu.

TUẤN BA 

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: