• Văn hóa - Thể thao

“Thổi hồn” cho gốc cây khô

06/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 06/10/2017 | 06:00

STO - Gốc cây khô lâu nay được xem là vật vô tri vô giác, vậy mà qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã chế tác, biến chúng thành những hình tượng nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao, được nhiều người ưa chuộng. Chúng tôi có cuộc gặp gỡ hai nghệ nhân chạm khắc tại chùa Mahatup (chùa Dơi), Phường 3 (TP. Sóc Trăng).

Nghệ nhân Lý Thảo: “Tu hành và đam mê nghệ thuật chạm khắc”

Nghệ nhân Lý Thảo thực hiện tác phẩm của mình.Du khách đến chùa Mahatup, không chỉ chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc hay xem những đàn dơi đu đưa trên cành cây, mà còn chứng kiến các nghệ nhân Khmer ở đây chạm khắc các tác phẩm từ gốc, rễ cây khô.

Đang đục đẽo gốc cây, nghệ nhân Lý Thảo - một trong những sư đang tu tại chùa Mahatup chia sẻ: “Nghề này tương đối khó, không ít người theo học nhưng vẫn thất bại, chỉ có sự đam mê cộng với năng khiếu mới có thể đeo đuổi được. Lúc nhỏ, sư rất yêu thích nghề chạm khắc gỗ, khi biết chùa Kom Pong Chrey ở TP. Trà Vinh (Trà Vinh) có mở lớp chạm khắc từ gốc cây, sư sang đó học nghề. Dù biết nghề này đòi hỏi phải khéo tay, thực hiện mỗi tác phẩm cực kỳ khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm theo học cho bằng được”.

Sau hơn 4 năm vừa học đạo, vừa miệt mài với nghề, sư đã có một kiến thức cơ bản về nghề chạm khắc. Sư Thảo cho biết: “Lúc đầu, sư làm quen với khúc gỗ ngắn, có thể tạo được những con vật có hình dáng, đường nét chạm trổ đơn giản, càng về sau các tác phẩm càng được chạm khắc chi tiết, tinh xảo hơn. Khi tay nghề được nâng lên, sư tiếp tục chạm khắc các con thú. Cuối cùng, những tác phẩm điêu khắc về hình tượng 12 con giáp, bộ tứ linh, chim bồ câu và các loài chim thú khác... đã lần lượt ra đời, rất sắc sảo sống động”.

Đến năm 2014, sư Lý Thảo trở về chùa Mahatup tiếp tục chế tác, chạm trổ từ gốc cây sẵn có của chùa. Hiện, sư cùng đồng nghiệp của mình là nghệ nhân Trần Minh Luân đang hoàn thiện tác phẩm Phật Di Lặc được chạm trổ bằng gốc cây có chiều cao 2,3m, ngang 2m, được khách hàng đặt làm. Cũng theo sư Lý Thảo, nghề chạm khắc gỗ ở đây đặc biệt khai thác những gốc sao lâu năm và nét đẹp đặc trưng của bộ rễ mà không phải qua giai đoạn chế biến. Người sáng tạo chỉ dựa theo hình dạng của hiện vật và nương theo những nét độc đáo của bộ rễ như màu sắc, khối u, lỗ thủng kỳ thú vừa trừu tượng biến hóa, vừa cụ thể để chế tác, nhưng không lạm dụng những kỹ xảo để làm biến dạng các nét hoang sơ đầy ấn tượng trong thiên nhiên mà tạo nên những tác phẩm sống động như thật.

Nghệ nhân Trần Minh Luân: “Thích vẽ và chạm khắc từ thuở nhỏ”

Nghệ nhân Trần Minh Luân chú tâm đường nét nghệ thuật trên tác phẩm Phật Di Lặc.Khác với sư Lý Thảo phải trải qua một quá trình đi theo học nghề tại chùa khác, nghệ nhân Trần Minh Luân xuất thân từ một gia đình có truyền thống theo nghề vẽ hoa văn, truyện đức Phật Thích Ca tại các chùa Nam tông Khmer trong tỉnh.

Năm nay, anh bước vào tuổi 30, nhưng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề. Từ nhỏ, Minh Luân vốn rất yêu thích nghệ thuật vẽ, điêu khắc, nên sau khi có thời gian tu học kinh Phật, học chữ Khmer, chữ Việt tại chùa Mahatup, anh thường xuyên phụ việc cho cha tô hoa văn. Nhận thấy cậu con trai có năng khiếu và đam mê nghệ thuật vẽ, điêu khắc, nghệ nhân Trần Lia (cha ruột của anh Luân) đã truyền nghề cho con mình. Hàng ngày, ngoài tu hành, Minh Luân còn học nghề một cách chăm chỉ và đầy hứng thú. Sau khi hoàn tục, anh tiếp tục theo con đường của mình đã chọn.

Anh luôn ý thức rằng, đối với nghệ thuật vẽ nói chung và lĩnh vực điêu khắc nói riêng chỉ dựa vào chút năng khiếu thôi thì chưa đủ. Muốn theo đuổi và gắn bó với nghề lâu dài, bền vững, đòi hỏi phải thật sự đam mê, học hỏi và sáng tạo. Minh Luân bộc bạch: “Khi nắm bắt những nguyên lý vẽ, điêu khắc cơ bản từ cha truyền lại, tôi tiếp tục theo học một khóa tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Tại đây, được các thầy, cô tận tình hướng dẫn về bố cục, cũng như cách thức vẽ… Sau khi ra trường, tôi được một số nhà chùa mời thực hiện những tác phẩm điêu khắc. Những tác phẩm thực hiện được nhiều vị sư trụ trì khen ngợi. Đó là một động lực càng làm cho tôi đam mê và trân trọng nghề”.

Khi đi làm cho một số chùa, anh vẫn tìm đến những nghệ nhân kỳ cựu có kinh nghiệm để học hỏi chạm trổ gốc cây. Đến năm 2014, anh cùng với sư Lý Thảo mở “xưởng nhỏ” chuyên chạm trổ gốc cây tại chùa, với mục đích cho du khách đến chùa tham quan và mua sắm vật lưu niệm. Minh Luân khẳng định: “Những tác phẩm từ gốc, rễ cây, dù ở kiểu dáng nào vẫn lưu giữ những đường nét độc đáo vốn có của nó. Mình chỉ gia công cho đẹp lên hơn chứ không phá vỡ những nét đẹp hoang sơ vốn có ban đầu… Màu sắc của những tác phẩm thường có màu vàng, nâu sẫm hoặc đen sẫm, gợi lên sự huyền bí và mang lại cho người xem một cảm giác chắc bền, hấp dẫn”.

Để có được những sản phẩm phong phú, độc đáo, các nghệ nhân đã nghiên cứu từ hình dáng của mỗi gốc, rễ cây xem có thể ra hình dáng con vật nào cho thích hợp. Minh Luân tâm sự: “Không phải ai muốn học nghề điêu khắc, chạm trổ này cũng đều học được cả, đó là cả sự đam mê, mày mò mới có thể phát triển được khả năng của mình. Muốn có một tác phẩm hay trước hết người làm ra nó phải có lòng say mê, đặc biệt là phải có những giây phút ngẫu hứng xuất thần trong quá trình thao tác. Cái khó của tác phẩm là phải bố cục sao cho hài hòa”.

Tác phẩm điêu khắc tại “xưởng” do anh Trần Minh Luân và sư Lý Thảo tạo ra chủ yếu là các con vật như đại bàng, bộ tứ linh “long - lân - quy - phụng”, cò, hổ, bồ câu, khỉ, rắn, cá… Muốn có một tác phẩm hoàn thiện, mang được ấn tượng sâu lắng, nhiều khi các nghệ nhân phải bỏ ra vài tháng để suy nghĩ, đảo thế, phát hiện từng đường vòng, nét lượn của thân, rễ... chạm khắc thành những tượng gỗ tinh xảo, có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. 

Thạch Pích

Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: