• Văn hóa - Thể thao

Trung thu - Tết đoàn viên trong văn hóa Việt

01/10/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 01/10/2020 | 06:00

STO - ​Tết Trung thu tuy có nguồn gốc từ Trung Hoa, có lẽ bắt đầu phổ biến vào khoảng thế kỷ thứ VIII và dần được lan rộng ra các nước láng giềng và thuộc địa, nhưng từ lâu đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam.

Ý nghĩa Tết Trung thu trong phong tục người Việt mang đậm tính chất gia đình - đó chính là sự chăm sóc, báo hiếu, biết ơn, của đoàn tụ và yêu thương. Theo phong tục người Việt, ngày trung thu, tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cỗ (thường gồm: bánh nướng, bánh dẻo, kẹo, mía và các loại hoa quả: thơm, vú sữa, bưởi…) để đón tết. Đây là dịp thể hiện tình cảm gia đình, bạn bè, họ hàng. Người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng… Cho đến ngày nay dân gian vẫn lưu truyền nhiều sự tích, nguồn gốc và ý nghĩa liên quan tới dịp đặc biệt này - những câu chuyện đầy thú vị về chị Hằng, chú Cuội, thỏ ngọc, đèn ông sao…

Từ triều đại nhà Lý, nơi tổ chức lễ hội hoa đăng là kinh đô Thăng Long với 3 hoạt động chính là múa rối nước, rước đèn và đua thuyền. Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, đêm hội trăng rằm là dịp để người dân tạ ơn thần Rồng đã mang đến cho họ mùa màng bội thu. Thời xa xưa thì người Việt còn tổ chức các hoạt động hát trống quân vào dịp này. Trai gái dùng điệu hát trống quân trong những đêm rằm vừa vui chơi vừa kén chọn bạn trăm năm. Người ta hay dùng thơ lục hay lục bát biến thể để hát. Phan Kế Bính diễn tả trong "Việt Nam Phong tục": "ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Ðầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp".

Ở Trung Quốc, màu đỏ chính là màu sắc phổ biến đối với chiếc lồng đèn. Người ta quan niệm rằng, khi có ánh sáng màu đỏ phát ra, những điềm xui rủi cũng vì đó mà tan biến. Màu đỏ tượng trưng cho điềm lành, sự an nhiên trong cuộc sống mà con người luôn hướng đến. Ở Việt Nam, chiếc lồng đèn trung thu không chỉ có màu đỏ mà còn đa dạng với nhiều màu sắc và với nhiều mẫu mã khác nhau. Nhớ thời chúng tôi còn nhỏ, mấy anh chị em tụ tập làm cho mình những chiếc đèn ông sao, đèn hình thú hay đèn lồng, đèn xếp, xe đèn xoay… từ giấy bóng, giấy màu, vải, nan tre và cả những ống chỉ cũ, lon sữa bò… rồi thắp nến bên trong, cùng rước đèn dưới trăng. Ngày nay, hiếm khi còn được thấy những chiếc lồng đèn truyền thống, mà thay vào đó, đèn trung thu được thiết kế phong phú hơn với nhiều sản phẩm khác nhau. Trên đèn, người ta còn trang trí thêm nhiều biểu tượng văn hóa hoặc những di tích lịch sử nổi tiếng. Đèn trung thu tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, một không khí đoàn viên ấm áp dưới ánh trăng rằm.

Đến thời nay thì Tết Trung thu dần trở thành tết của trẻ em. Đây là dịp Nhà nước hay các tổ chức cũng như người lớn thể hiện sự quan tâm đến trẻ em với nhiều hoạt động tổ chức như trao quà, tổ chức văn nghệ, rước đèn ông sao... Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, các khu chợ đã trưng bày nhiều mặt hàng mang màu sắc trung thu như: lồng đèn, bánh in, bánh nướng, bánh dẻo (bánh trung thu)... Người mua với người xem đông như hội. Ngoài các loại đồ chơi, đồ trang trí, bánh kẹo còn trưng bày nhiều loại mặt nạ, đầu lân sư tử... 

Như vậy có thể thấy ý nghĩa Tết Trung thu chính là để thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của ông bà, bố mẹ, anh chị dành cho các bạn nhỏ, những thế hệ tương lai của đất nước. Đồng thời nó giúp các bạn nhỏ tăng thêm sự giao lưu, tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Dù quy mô và hình thức ở mỗi thời khác nhau, nhưng mô hình chung vẫn sẽ là những bữa tiệc dưới trăng, để các bạn nhỏ được tụ tập lại cùng nhau, mang những chiếc đèn nhiều màu sắc, rước đèn dưới trăng. Đồng thời không thể thiếu được những bữa tiệc liên hoan và văn nghệ múa hát, phá cỗ dưới trăng rằm.

Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, bố mẹ; cũng chính vì thế mà trung thu còn được gọi là “Tết đoàn viên” trong lòng người dân Việt. Mỗi người con dù đi ngược về xuôi thì vẫn luôn cố gắng về đoàn tụ cùng gia đình vào mỗi dịp trung thu về.

TẠ VĂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: