• Vì sự bình yên của Nhân dân

Tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

13/03/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 13/03/2020 | 06:00

STO - Sau một thời gian triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cùng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định số 100), tình hình vi phạm, tai nạn giao thông cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tốt. Phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với thượng tá Đinh Thanh Phong - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Nghị định số 100 được Chính phủ ban hành lần này có những điểm gì mới so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ trước đây?

Thượng tá Đinh Thanh Phong: Chính phủ ban hành Nghị định số 100 lần này và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26-5-2016 của Chính phủ. Theo đó, Nghị định số 100 được sửa đổi, bổ sung về đối tượng áp dụng, về mức xử phạt tiền, về hình thức tịch thu phương tiện… trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định số 100 quy định về đối tượng là tổ chức, hộ kinh doanh, hộ gia đình bị xử phạt được quy định rất rõ ràng, cụ thể hơn so với Nghị định số 46 trước đây. Về mức xử phạt đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm cũng được điều chỉnh theo hướng tăng cao về mức tiền phạt và kể cả về thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, trong đó có hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định… Cụ thể, đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Nghị định số 100 quy định có 3 mức độ vi phạm tương ứng với 3 mức độ nồng độ cồn trong cơ thể và mức vi phạm cao nhất thì bị xử phạt với mức phạt tiền cao nhất từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy và xử phạt với mức phạt tiền cao nhất từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng đối với người điều khiển xe ôtô…

Nghị định số 100 cũng đã bổ sung thêm hình thức tịch thu phương tiện đối với các hành vi vi phạm như “tự ý đục số khung, số máy của phương tiện, đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng ra tham gia giao thông, đưa phương tiện ra tham gia giao thông không có giấy đăng ký xe hoặc sử dụng giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số máy, số khung của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (như không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp theo quy định)” và Nghị định số 100 cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt của CSGT cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hiện nay. Về cơ bản, Nghị định số 100 ban hành lần này đã sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh nhiều hành vi vi phạm là rất cần thiết trong tình hình trật tự, an toàn giao thông như hiện nay.

Phóng viên: Trong quá trình triển khai việc đo, xử lý vi phạm nồng độ cồn có những thuận lợi, khó khăn nào, thưa đồng chí?

Thượng tá Đinh Thanh Phong: Công tác bảo đảm về trật tự, an toàn giao thông là công tác thường xuyên và là nhiệm vụ của lực lượng CSGT, do vậy công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ nhằm để bảo đảm cho giao thông được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông trên đường bộ. Đồng thời, trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời đối với những hành vi vi phạm, hạn chế dẫn đến tai nạn giao thông. Việc triển khai đo, xử lý nồng độ cồn là một trong những chuyên đề mà lực lượng CSGT Công an tỉnh đã thực hiện. Đặc biệt, từ khi Nghị định số 100 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT và lãnh đạo Công an tỉnh. Trong thực hiện đo, xử lý nồng độ cồn để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi thực hiện Nghị định số 100 cũng có sự thuận lợi vì người dân đa số là đồng tình ủng hộ đối với quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyên đề đo, xử lý nồng độ cồn cũng gặp phải những mặt khó khăn nhất định. Đối với những người khi uống rượu, bia đã say thì dẫn đến mất bình tĩnh, từ đó dẫn đến thái độ không chấp hành việc đo nồng độ cồn, thậm chí có những lời nói lăng mạ lực lượng đang làm nhiệm vụ. Nhưng đối với những trường hợp vi phạm này, lực lượng CSGT vẫn kiên quyết xử lý theo quy định để nhằm phòng ngừa xảy ra tai nạn giao thông đường bộ.

Phóng viên: Hiện tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, điều này có làm ảnh hưởng đến việc xử phạt nồng độ cồn không, thưa đồng chí?

Thượng tá Đinh Thanh Phong: Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, công tác tuần tra, kiểm soát và đo, xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ thì lực lượng CSGT vẫn đo, xử lý bình thường. Tuy nhiên, việc đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác sử dụng thiết bị, hướng dẫn và đề nghị người bị kiểm tra tuân thủ, lực lượng CSGT sử dụng ống thổi riêng cho từng người, bảo đảm vệ sinh, sát khuẩn thiết bị đo và khẩu trang, găng tay, mỗi ống thổi sau khi sử dụng xong bỏ vào túi, thùng kín và đem tiêu hủy theo quy định.

Như vậy, ở thời điểm lây lan dịch Covid-19 như hiện nay thì tất cả mọi người chúng ta phải thật thận trọng, làm như thế nào để góp phần phòng ngừa dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất, trong đó có lực lượng CSGT.

Phóng viên: Trong thời gian tới, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn sẽ được lực lượng CSGT tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện ra sao?

Thượng tá Đinh Thanh Phong: Trong thời gian tới, việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ, lực lượng CSGT vẫn tiếp tục triển khai thực hiện bình thường như trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong kiểm tra, xử lý nồng độ cồn phải thực hiện rất thận trọng để phòng tránh, không để làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

K.N (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: