Tâm sự nghề báo

Làm thế nào để phóng viên có bài báo hay

21/06/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 21/06/2018 | 06:00

STO - Đối với mỗi cơ quan báo chí, phóng viên là đội quân chủ lực vì trực tiếp tạo ra tác phẩm báo chí. Do vậy, đòi hỏi phóng viên phải là người nắm vững đối tượng nghiên cứu, đối tượng phục vụ của tờ báo; nắm vững định hướng tuyên truyền mỗi kỳ xuất bản báo. Nhìn chung, phóng viên là người nắm vững kỹ năng, thạo nghề làm báo, đó là lẽ đương nhiên. Song, hơn ai hết, phóng viên là người đứng ở đầu nguồn sự kiện; gắn bó mật thiết với cuộc sống; phản ánh cuộc sống từ sự thật mắt thấy, tai nghe.

Ở đây không nhắc lại điều cần có của phóng viên, mà chỉ tâm sự, trao đổi làm sao để phóng viên có bài báo hay, bài báo đáng để đọc? Điều đầu tiên là phóng viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc của nghề báo, đó là: phải tôn trọng sự thật khách quan “phản ánh hiện thực nó có chứ không như người ta mong muốn”; phải chịu trách nhiệm những điều mình viết; phải ý thức rõ nói dối, nói sai là lỗi nghiêm trọng nhất của nghề làm báo (nhà báo). Theo đó, phóng viên không bao giờ quên: Báo chí là một nghề (phóng viên là người làm nghề) nên phải tuân thủ, nghiêm ngặt 10 điều quy ước đạo đức báo chí, trong đó như: tính trung thực - tính nguyên tắc, lòng dũng cảm - đức khiêm tốn… Phải được xem như lẽ sống của nhà báo.

Trở lại vấn đề: Làm thế nào để phóng viên có bài báo hay?

Vậy thế nào là một bài báo hay? Câu trả lời chắc hẳn không giống nhau. Vì rằng, mỗi người có những khiếu thẩm mỹ khác nhau, có những nhu cầu tiếp nhận thông tin khác nhau và trạng thái tâm lý của mỗi người trong từng thời gian, thời điểm cũng có sự khác nhau… nên không phải là điều khó hiểu.

Các nhà báo tác nghiệp tại những sự kiện lớn. Ảnh: Quang Bình

Tuy nhiên, vẫn có thể tìm đến một mẫu số chung, một khái niệm chung, một đáp số tương đối giống nhau. Theo trải nghiệm của các nhà báo lão thành và những người thích đọc báo, thì một bài báo (tác phẩm báo chí) hay, phải hội đủ các tiêu chí sau đây: cách viết phải hấp dẫn, tư liệu phải chính xác (đúng sự thật) có hiệu quả xã hội, được dư luận thừa nhận. Nói gọn lại là một bài báo hay gồm 3 mặt: chính trị - văn hóa - khoa học. Vì một lẽ, báo chí có sức lan tỏa nhanh rộng và có sức lưu trữ lâu bền nên 3 yếu tố này xem ra cũng có phần đồng nhất với 3 tiêu chí nêu trên. 

Ngày nay, người đọc, người nghe, người xem báo, đài khó tính hơn trước rất nhiều. Đó là sự khó tính đáng yêu, đáng trân trọng, đáng phải được chiều vì đây là biểu hiện bước phát triển của dân trí, của nhân cách con người Việt Nam. Sự khó tính ấy có sự đóng góp quan trọng của công nghệ thông tin. Ở đó, các nhà báo tìm mọi cách để hút bạn đọc về phía mình bằng cách chuyển tải thông tin sao cho hay nhất, hấp dẫn nhất, chinh phục nhất, thuyết phục sự chú ý của đối tượng trên phương tiện đưa tin của mình… Ngược lại, sẽ bị bạn đọc, bạn nghe, bạn xem khước từ nếu những tiêu chí nêu trên thiếu vắng trong những bài báo. Cho nên người phóng viên phải ý thức thường trực: Viết cho hay là trách nhiệm tối quan trọng, ý thức thường trực này phải được thể hiện trong tất cả các thể loại báo chí từ tin tức, đến phóng sự điều tra, người tốt, việc tốt, ký, tường thuật, ghi chép…

“Viết sao cho lọt tai người
Để người cùng khóc, cùng cười với ta”

Câu ca ấy của những nhà báo lớp trước là lời nhắc nhở phong cách diễn đạt của người viết báo trong từng chủ đề cụ thể của tác phẩm. Song, một câu hỏi lớn đặt ra cho phóng viên là: Làm thế nào để viết được hay? Khó có thể nói khác rằng: tư liệu chuyển tải, viện dẫn trong bài viết phải chính xác; không được hư cấu, bịa đặt, không được khái quát cuộc sống để hư cấu hình tượng. Theo đó, việc viết để khen hoặc để chê của nhà báo phải chính đáng, rành mạch, dứt khoát. Muốn nội dung bài báo phong phú thì tư liệu của phóng viên khi khai thác thực tiễn cuộc sống, sự kiện phải kỹ càng, có nhiều tình tiết lý thú, xúc động gây ấn tượng… Tiếp đó là nghệ thuật viết, nghệ thuật chuyển tải thông tin của phóng viên qua tác phẩm ở thể loại báo chí nhất định mà quyết định lựa chọn. Nhưng dù thế nào phóng viên cũng phải tìm lối hành văn truyền cảm nhất, văn phong giản dị nhất, dễ hiểu nhất để diễn đạt.

Để có bài báo hay, thì đề tài phóng viên chọn phải là đề tài hay, chủ đề phải có ý nghĩa lớn, được nhiều người quan tâm. Chủ đề tác phẩm báo chí là sự biểu lộ thái độ chính trị của phóng viên. Chủ đề được xác định rõ ràng cũng là thông điệp quan trọng biểu lộ sự nhanh, nhạy, mẫn cảm, tinh tường trong khám phá, phát hiện vấn đề của phóng viên. Không có bài báo hay nếu không phát hiện được cái mới, không đề cập được vấn đề mới; không cắt diễn, phân tích, lý giải đúng thực trạng của vấn đề đặt ra. Cho nên chủ đề trong đề tài tuyên truyền phải là điều được người viết phát hiện trước tiên. Chủ đề được xác định rõ sẽ là cơ sở đầu tiên, là nguồn mạch quan trọng xuyên suốt giúp cho phóng viên dễ dàng hình thành bố cục, chọn lựa những chi tiết “đắt nhất” cho bài viết, cũng là lý do để tác giả dễ dàng cắt bỏ những chi tiết thừa, gây lan man làm loãng chủ đề của bài báo…

Báo Sóc Trăng điện tử (STO) chính thức ra mắt bạn đọc ngày 3-2-2017

Vậy, cách nào để thực hiện tốt việc xác định chủ đề cho bài viết?

Vấn đề có tính nguyên tắc mà phóng viên không được lãng quên, đó là: Làm báo là làm chính trị. Do đó, phóng viên phải nắm chắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bám sát định hướng tuyên truyền, chủ trương tuyên truyền trong từng thời kỳ, thời gian… Đồng thời, phóng viên cũng phải là người nắm rất vững trạng thái tâm lý của đối tượng, bạn đọc trong từng thời điểm… Những điều nêu trên được xem là cơ sở, là những yếu tố quan trọng giúp cho phóng viên dễ dàng, nhanh nhạy xác định rõ đề tài tuyên truyền và định rõ chủ đề cho bài viết, biết gạt bỏ những chi tiết, những sự việc có thật nhưng lại không nên đưa vào bài viết.

Nói đến nhà báo là nói đến tác phẩm báo chí của phóng viên được phản ánh bằng thực tiễn cuộc sống như đúng bản chất của nó đã và đang diễn ra… Cho nên phóng viên phải là người sành sỏi trong phương pháp thu thập tài liệu. Nghĩa là phóng viên trực tiếp tiếp xúc với sự kiện, với đối tượng để khai thác, để có nguồn tư liệu phong phú. Chỉ gắn với thực tế, chỉ ở đầu nguồn sự kiện thì phóng viên mới có được những chi tiết lý thú, xúc động, gây ấn tượng phục vụ cho chủ đề tư tưởng trong bài viết của mình… Theo đó, phóng viên còn phải khai thác tài liệu qua những con người cụ thể, qua những cơ quan, qua những văn bản có độ tin cậy cao, mà trong nghề báo chúng ta quen gọi là lấy tài liệu gián tiếp, cách này đã và đang bị không ít nhà báo lạm dụng “viết theo báo cáo”, làm cho nội dung bài báo trở nên khô cằn, ít người muốn đọc.

Tài liệu được phóng viên khai thác phong phú, kỹ càng, có nhiều chi tiết, tình tiết hấp dẫn… là nguồn mạch chính tạo nên bút lực của phóng viên. Đây cũng là nguyên cớ để tác giả xác định được kết cấu logic của bài viết; rút ra được tựa bài hay và hợp lý, là lối để tác giả chọn góc độ hợp lý mào đầu cho bài viết… cũng chính từ thực tế cuộc sống sự kiện sinh động và phong phú mà phóng viên dễ dàng xác định rõ chủ đề; chọn đúng thể loại và ngôn ngữ biểu đạt cho bài viết của mình…

Ta biết rằng, tờ báo là gương mặt của ban biên tập, gương mặt ấy là hiện hình từ những tác phẩm báo chí. Những tác phẩm báo chí quan trọng bao giờ cũng thuộc về đội ngũ phóng viên, vì phóng viên là những người đầu nguồn sự kiện. Nếu lãng quên việc chăm lo đội ngũ đầu nguồn sự kiện là một thiếu sót, một lỗi lầm không nhỏ của chính ban biên tập, mà trước tiên là tổng biên tập.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: