• Xây dựng Đảng

Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện tốt những chuẩn mực trong thực thi công vụ theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh

26/05/2019 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 26/05/2019 | 06:01

STO - Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, nhà đạo đức lớn được thế giới thừa nhận. Người đã nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi người, nhất là cho cán bộ, đảng viên, vì cán bộ, đảng viên không có đạo đức cách mạng thì không lãnh đạo được Nhân dân.

Những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đưa ra rất toàn diện và với mọi đối tượng xã hội, nhưng những nội dung đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là đạo đức công vụ, là nội dung chiếm phần chủ yếu trong tư tưởng đạo đức của Người. Theo đó, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm những chuẩn mực cơ bản sau:

Phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Đây là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hằng ngày của mỗi người, nhằm xử lý mối quan hệ "tự mình đối với mình". Hồ Chí Minh coi cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người, thiếu một đức thì không thành người, do đó không được tuyệt đối hóa hay xem nhẹ đức tính nào. Song trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, với những mặt trái của nó tác động rất có hại đến lối sống con người như: kích thích làm giàu bằng mọi cách; chạy theo lợi nhuận tối đa; coi trọng đồng tiền, vật chất; thói ích kỷ, dối trá, lừa lọc… Nên chăng, cần nhấn mạnh hai đức tính: “liêm” và “chính”.

Theo Hồ Chí Minh, "liêm" là trong sạch, không tham ô, tham lam, "luôn luôn tôn trọng của công, của dân", liêm khiết trong mọi hoàn cảnh. Không ham người tâng bốc mình. "Nếu tham lam là bất liêm". Do đó, Bác Hồ coi "liêm" là thước đo có tính người hay không. "Con người mà không liêm thì không bằng con vật”. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những hành vi trái với “liêm” như: "Cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút lót, hoặc trộm của công làm của tư"; đó là "Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình; đó là gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm, không dám làm”; đó là lánh nặng, tìm nhẹ, thoái thác công việc cho người khác...

Còn “chính”, theo Hồ Chí Minh là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn đối với mình, đối với người và đối với việc. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững… Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà; không dối trá, lừa lọc. Đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước, cho dân theo tinh thần: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng cố làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. Đó là bổn phận, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức.

Rất buồn là, hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các ngành, các cấp suy thoái về đạo đức, lối sống, nói không đi đôi với làm, chỉ biết lo cho mình, gia đình, người thân, phe nhóm của mình mà thờ ơ, vô cảm với bao khó khăn, nhọc nhằn của người dân, doanh nghiệp. Cá biệt, có người khi có được chút ít thành tích, thăng quan, tiến chức còn tỏ ra lên mặt “quan cách mạng”, muốn cấp dưới, muốn Nhân dân phục vụ mình. Thậm chí, có người vì tham vọng và vụ lợi cá nhân mà vướng vào tội lỗi, rồi “chạy chọt” dưới nhiều hình thức tinh vi, bị đồng chí, đồng nghiệp oán trách, Nhân dân lên án, các thế lực thù địch kích động, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta… Phải chăng đó là những hành vi “bất liêm”, “bất chính” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê phán!

Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ thường xuyên bố trí thời gian đi cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân (Ảnh minh họa - Nguồn: tư liệu TTXVN)

Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc

Theo Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có 3 trách nhiệm cơ bản: trước Đảng; trước dân và trước công việc. Theo đó, việc được giao dù to hay nhỏ, khó hay dễ cũng đều phải đem cả tinh thần và lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình. Tất cả mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải hết lòng, hết sức, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nếu hoàn thành trách nhiệm của mình thì đều cao thượng.

Để hoàn thành trách nhiệm của mình, cán bộ, công chức, viên chức phải nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc mình làm, từ đó mà làm tròn phần việc được giao, không được né tránh hay đùn đẩy cho người khác. Nếu kết quả không tốt thì phải chịu hậu quả, không được đổ lỗi cho ai với bất kỳ lý do gì, đặc biệt là đối với người đứng đầu. Thực hiện cơ chế ràng buộc giữa lời nói và việc làm, bảo đảm nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho tốt; nếu nói mà không làm hoặc làm trái thì phải chịu hậu quả. Bản thân cán bộ, công chức, viên chức phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng thực hành. Mọi suy nghĩ và hành động của cán bộ, công chức, viên chức phải đi đúng đường lối quần chúng theo 6 điều Bác Hồ đã dạy: (i) Đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết; (ii) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; (iii) Việc gì cũng bàn với Nhân dân, giải thích cho Nhân dân hiểu rõ; (iv) Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước Nhân dân, và hoan nghênh Nhân dân phê bình mình; (v) Sẵn sàng học hỏi Nhân dân; (vi) Tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để Nhân dân noi theo.

Hiện nay, bệnh quan liêu, xa dân khá phổ biến, không chỉ có ở cán bộ cấp trên cơ sở mà cán bộ ở cơ sở cũng mắc phải. Ngay cả nhiều đoàn của cấp trên đi xuống cơ sở kiểm tra tình hình, trong đó phần lớn là để nghe cơ sở báo cáo là chính. Với cách làm vậy thì khó có thể “hiểu thấu dân tình”, "hiểu hết, hiểu đúng tình hình" và như vậy làm sao phát hiện được cái hay, cái sáng tạo để phát huy, cái dở, cái hạn chế, thiếu sót để uốn nắn kịp thời. Kết quả là “đâu cũng vào đấy”, nhưng lại tốn kém thời gian, công sức của cán bộ, công chức và tiền của của Nhân dân.

Chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ

Cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ phải chấp hành nghiêm những quy định của Đảng, của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và đúng thẩm quyền, không được lạm quyền hay lánh nặng, tìm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm, “đứng núi này trông núi nọ”. Đồng thời, phải gương mẫu về đạo đức, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nền nếp công tác, tránh mọi cám dỗ. Khi thực hiện nhiệm vụ phải suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo, tránh rập khuôn, giáo điều, cứng nhắc theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, có như thế thì công việc mới “chạy” được. Mặt khác, phải luôn có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu hoàn thành công việc đúng thời gian quy định, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. 

Có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc

Bác Hồ dạy là tuyệt đối không tranh giành ảnh hưởng của nhau, không ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình; phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi.

Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức không chỉ được thể hiện qua những hành động cụ thể trong thực thi công vụ mà còn qua những sinh hoạt đời thường hàng ngày của mỗi người. Song, trong thực tế hiện nay, bên cạnh đa số cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm cao, giữ vững đạo đức cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ được giao thì, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về đạo đức, lối sống gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng là nghiêm trọng, có xu hướng tăng cả về số lượng và phạm vi; bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng; bệnh “đạo đức giả”, thiếu trung thực, nói một đàng làm một nẻo, nói với cấp trên khác nhưng nói với cấp dưới lại khác hay trong hội nghị nói khác, ngoài hội nghị nói khác… còn diễn ra ở nhiều nơi với mức độ khác nhau; tệ thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật còn tồn tại ở các cấp, các ngành…

Để khắc phục tình hình trên, ngoài việc bản thân cán bộ, công chức, viên chức tự giác và nghiêm túc thực hiện những chuẩn mực đạo đức công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thì các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện một số việc sau: Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh rằng: lương họ lĩnh hàng tháng, tài sản và kinh phí của cơ quan mà họ đang sử dụng hàng ngày đều là tiền thuế do Nhân dân đóng góp. Vì vậy, họ phải toàn tâm, toàn ý và hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân; phải tận dụng tối đa thời gian cho công việc, sử dụng kinh phí và tài sản cơ quan tiết kiệm và hiệu quả. Thứ hai, thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, vừa giữ vững nguyên tắc, vừa có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ; đồng thời, khuyến khích Nhân dân thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Thứ ba, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng năm và theo yêu cầu, dựa trên tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức, vị trí việc làm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Thứ tư, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng - kỷ luật đúng người, đúng việc, đúng lúc. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý cán bộ, công chức, viên chức cả về phẩm chất đạo đức và việc thực thi công vụ cũng như các sinh hoạt đời thường của họ. Nếu cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên phải thực hiện nghiêm túc chủ trương và các quy định của Đảng, thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.

Kiên Trung

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: